Multimedia Đọc Báo in

"Tín dụng đen" và hệ lụy…

08:50, 27/11/2014
Không thế chấp, không thủ tục rườm rà, chỉ cần một tờ giấy biên nhận viết tay, thủ tục khá đơn giản như vậy nên nhiều người cần tiền gấp đã tìm đến tín dụng đen, dù lãi suất cao đến không tưởng!

Tận dụng điều này, dân “tín dụng đen” đã tìm mọi cách để biến những “con mồi” này thành nạn nhân của vay nặng lãi, thậm chí còn “thả mồi” để cho các “con cá” cắn câu. Ban đầu chúng cho vay chỉ với lãi suất thấp, đến khi “con mồi” nhận ra thì đã quá muộn, số tiền cả gốc lẫn lãi đã vượt ngoài khả năng trả nợ của cả gia đình. Mới đây, UBND một xã ngoại thành TP. Buôn Ma Thuột đã phải chấm dứt hợp đồng làm việc với một nhân viên văn phòng vì nhân viên này trót "dính" vào tín dụng đen. Chuyện là trong quá trình làm ăn, do thiếu tiền, nhân viên trên đã cầm cố chiếc xe của mình để lấy 20 triệu đồng. Đến hẹn lấy xe, nhưng phần do chưa có tiền chuộc xe, phần lại sợ gia đình phát hiện nên cô đã vay nóng số tiền 20 triệu đồng, với lãi suất 3 nghìn đồng/triệu/ngày để lấy xe ra. Sau một tháng, cố gắng lắm cô cũng chỉ có thể trả được tiền lãi. Để có tiền trả tiền gốc, cô nhân viên trên phải đến một chỗ cho vay khác vay 20 triệu đồng, với lãi suất 5 nghìn đồng/triệu/ngày. Cũng chỉ sau 1 tháng, “lãi mẹ đẻ lãi con”, lần này không những không trả được tiền gốc, mà tiền lãi cô cũng không thể trả được. Bị chủ nợ đốc thúc, dọa nạt, cô ta đã phải lên trung tâm TP. Buôn Ma Thuột, tiếp tục vay nợ với lãi suất đến 10 nghìn đồng/triệu/ngày. Sau 2 tháng, “lãi mẹ đẻ lãi con”, cô đã không còn khả năng trả khi số nợ đã lên đến trên 150 triệu đồng. Chủ nợ đã cho người đến cơ quan (thậm chí trong một lần cùng cơ quan biểu diễn văn nghệ cô đã bị đánh dằn mặt), cô đã phải viết đơn xin nghỉ việc. Như vậy, từ 20 triệu đồng ban đầu, số nợ của cô nhân viên trên đã lên đến hơn 150 triệu, nhưng cay đắng nhất là cô còn mất cả việc làm.

“Tín dụng đen” là cụm từ thường dùng để chỉ các dạng huy động và cho vay tín dụng không qua hệ thống ngân hàng, không đăng ký kinh doanh, cũng như chưa được cấp phép và chịu sự quản lý chính thức bởi bất cứ cơ quan quản lý Nhà nước hữu quan nào. Thị trường này được hình thành từ một bên là người có vốn và một bên là nhu cầu vốn. Do không phải chịu sự quản lý nào, nên lãi suất cũng “muôn hình vạn trạng” mà không tuân thủ theo bất kỳ trần lãi suất nào, tất cả hoàn toàn phụ thuộc vào sự thỏa thuận giữa các bên. Theo tìm hiểu của  phóng viên, trường hợp của cô nhân viên văn phòng nọ không phải là cá biệt, bởi hoạt động này đang khá sôi nổi, với lãi suất cũng khá đa dạng. Từ “hữu nghị” chỉ 4,5%/ tháng, tương ứng 54%/ năm (gấp 4–5 lần ngân hàng), thậm chí có nơi lên đến 10 nghìn đồng/triệu /ngày như trường hợp đã nêu ở trên. Đã vậy, có không ít trường hợp người vay do không có kênh tiếp cận trực tiếp nên buộc phải cầu viện đến các kênh trung gian để tiếp cận nguồn vay “tín dụng đen”, và phải chịu mức lãi suất lớn hơn rất nhiều, có khi cao gấp  2 – 3 lần lãi suất gốc… của thị trường “tín dụng đen”.

Cũng chính vì khả năng sinh lời cao, cùng cách vận hành “ngoài vòng pháp luật” nên đối tượng hoạt động trong lĩnh vực này cũng khá phong phú và đa dạng. Đáng ngại, đây là mảnh đất béo bở cho không ít phần tử “xã hội đen”, tạo ra nhiều hệ lụy tiêu cực cho xã hội. Do vậy, cần sớm loại trừ nạn “tín dụng đen” ra khỏi đời sống xã hội.

Quốc Anh


Ý kiến bạn đọc