Multimedia Đọc Báo in

Gạo ruộng "hút" người tiêu dùng

17:33, 30/05/2014
Nhiều người tiêu dùng (NTD) ở TP. Buôn Ma Thuột đang có xu hướng tìm mua gạo được trồng bởi các hộ nông dân trong tỉnh (thường gọi là gạo ruộng hoặc gạo mùa) về dùng, bởi loại gạo này khi nấu cơm có mùi thơm và vị ngọt đặc trưng. Điều quan trọng hơn theo họ, gạo không phải bảo quản lâu nên bảo đảm độ an toàn.
 
Trước thông tin người bán xịt thuốc chống mối, mọt vào gạo (nhập từ nơi khác về) để bảo quản được lâu, nhiều NTD có xu hướng tìm về với gạo ruộng do địa phương sản xuất thay vì chọn mua gạo từ các vùng khác chở lên như trước đây. Đánh đúng tâm lý lo sợ “Thực phẩm bẩn” của đa số NTD, các cửa hàng tạp hóa, đại lý bày bán gạo ruộng hiện đang thu hút được nhiều khách hàng, luôn là lựa chọn của nhiều bà nội trợ để mong “săn” được gạo sạch. Tại một số cửa hàng, tạp hóa chuyên bán gạo trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột, nếu để ý sẽ thấy bên cạnh các loại Nàng Hương, gạo Dẻo, … còn có các tấm biển trưng bày đề chữ gạo ruộng hoặc cụ thể hơn là gạo Lak. Cùng bán gạo như nhiều cửa hàng khác, nhưng tiệm tạp hóa của chị Hiếu (đường Hồ Tùng Mậu, phường Tân Tiến) luôn tấp nập người đến mua. Dù giá có đắt hơn gạo thường từ 1-2 giá ( khoảng từ 12.000-14.000 đồng/ kg) nhưng lượng gạo ruộng chị Hiếu bán ra khá chạy. Gạo ở đây được chị mua lại của các hộ nông dân tại các huyện tự làm ra để sử dụng trong gia đình, mùa nào dư dả thì đem bán để kiếm thêm thu nhập. Thế nhưng, theo chị Hiếu, gạo ruộng không phải khi nào tìm mua cũng có, bởi thông thường loại gạo này chỉ có sau mỗi dịp thu hoạch vụ mùa, được các tiểu thương đặt hàng với nông dân tại các huyện mang lên thành phố tiêu thụ. Do mỗi năm chỉ có một, hai đợt, nên nhiều NTD chấp nhận bỏ tiền ra một lúc để mua về dùng dần cho thời gian dài. Nhiều năm nay, chị Nguyễn Thị Hoa (NTD phường Tân Tiến) giữ thói quen mua gạo địa phương về trữ để ăn dần. Chị cho hay: gạo địa phương bây giờ chất lượng không thua kém gì các loại gạo khác có bán sẵn trên thị trường. Lý do để chị tìm mua cho bằng được loại lương thực này, theo chị: lúa gặt về phơi khô mang ra xay rồi đến tay NTD ngay, chứ không phải qua bất cứ một công đoạn bảo quản nào. Hơn nữa, gạo ruộng thường không phải qua xay xát quá kỹ làm mất lớp vỏ cám mỏng bên ngoài chứa nhiều vitamin, do đó, mua về dùng chị thấy rất yên tâm.

Về hình thức, gạo ruộng có màu trắng đục, xỉn màu, nhiều hạt bị vỡ làm đôi chứ không trắng đều như các loại gạo hiện có trên thị trường. Song, điều mà nhiều người hài lòng nhất ở gạo ruộng là khi cầm nắm gạo trên tay còn lấm tấm lớp bụi cám, lúc nấu thành cơm dù hơi cứng nhưng có vị ngọt và bùi. Tuy nhiên, theo chị Hiếu, để có gạo ruộng, sau mỗi vụ mùa, chị thường mua của những người quen ở huyện tự trồng đem về bán kiếm lời, nhưng số lượng không nhiều. Còn về lâu dài, để đủ nguồn đáp ứng cho khách hàng, chị đang tính tìm các đầu mối tại các vựa lúa lớn của tỉnh như buôn Trấp (Krông Ana) và Lak về bán cho khách.

Đỗ Lan


Ý kiến bạn đọc