Multimedia Đọc Báo in

Tìm “gu” cho cà phê Việt

14:43, 21/01/2012

Cùng với đẩy mạnh xuất khẩu, ngành cà phê đang chú trọng mở rộng thị trường tiêu thụ nội địa, kích cầu tiêu dùng trong nước. Các doanh nghiệp đã có nhiều cố gắng tìm hiểu nhu cầu, thị hiếu, nắm bắt được “gu” người tiêu dùng cà phê trong nước để có hướng sản xuất, cung ứng sản phẩm phù hợp .

Theo giới kinh doanh, nhu cầu tiêu dùng khá đa dạng, mỗi vùng, miền lại có những “gu” thưởng thức cà phê khác nhau, nên muốn cà phê trở thành mặt hàng  tiêu dùng thông dụng thì trước hết phải đa dạng hóa sản phẩm chế biến. Nắm bắt xu thế này, nhiều doanh nghiệp khẩn trương vào cuộc với các thương hiệu đã tìm được chỗ đứng trên thị trường nội địa. Bên cạnh những sản phẩm quen thuộc của các “đại gia” cà phê , như cà phê hòa tan của Vinacafe Biên Hòa, G7 của Trung Nguyên, Nestcafe của Nestle …nhiều cơ sở sản xuất tại Dak Lak cũng bước đầu chiếm lĩnh thị trường với các sản phẩm cà phê bột, cà phê hòa tan được chế biến hoàn toàn bằng nguyên liệu cà phê Buôn Ma Thuột. Tại Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột năm 2011, các doanh nghiệp, cơ sở chế biến cà phê đã có dịp trình diễn thương hiệu với đủ cung bậc, sắc màu, gợi mở nhiều hướng tiếp cận thị trường. Trung Nguyên trình diễn cách rang xay truyền thống, cách chế biến với những phụ gia độc đáo từ thảo mộc, tạo nên hương vị đặc trưng cho sản phẩm. Nestlé giới thiệu sản phẩm mới Nescafe cafe Việt với hương vị đen đá truyền thống, mang đậm hương vị của cà phê phin pha với sữa đặc có đường, đúng theo gu thưởng thức của người Việt Nam; mời khách tham quan uống thử để phân biệt cà phê Arabica và Robusta, tự pha chế cà phê sao cho thơm ngon. Vinacafé giới thiệu 5 sản phẩm cà phê rang xay mới, sử dụng 100% cà phê thiên nhiên thuần khiết, mỗi loại là sự kết hợp độc đáo giữa hai loại nguyên liệu chính là cà phê Arabica và Robusta. Cơ sở cà phê bột Hương Giang chế biến theo cách truyền thống, không dùng hóa chất tạo mùi vị. Công ty TNHH An Thái giới thiệu các loại hạt rang, loại hòa tan 100% cà phê và loại hòa tan sữa “3 in 1” được trưng bày bắt mắt kèm theo thông tin về sản phẩm một cách đầy đủ nhưng ngắn gọn, dễ hiểu…

Cà phê được rang xay mộc giữ hương vị tự nhiên
Cà phê được rang xay mộc giữ hương vị tự nhiên

Bao nhiêu nhà chế biến thì có bấy nhiêu “gu” khác nhau, nhưng đều có chung nhận định, chung mục đích: Cà phê là một thức uống, nên muốn khách hàng chọn dùng thì tiêu chuẩn đầu tiên là “phải ngon”. Đại diện Nestlé cho rằng: Việt Nam tuy đứng thứ hai thế giới về xuất khẩu cà phê nhưng sản lượng cà phê, tiêu thụ trong nước khá thấp, muốn người tiêu dùng uống cà phê nhiều hơn thì phải làm ra những sản phẩm ngon, đáp ứng đúng khẩu vị của họ. Muốn cà phê ngon thì nguyên liệu phải thật chuẩn, hương vị phải tự nhiên, do đó doanh nghiệp đang triển khai các dự án sản xuất cà phê an toàn nhằm tạo nguồn nguyên liệu đầu vào bảo đảm chất lượng. Đại diện một hãng cà phê bột chia sẻ: Nhu cầu tiêu dùng khá đa dạng, mỗi vùng, miền lại có những “gu”, những tập quán uống cà phê khác nhau nên cà phê ngon là phải hợp “gu” với khách hàng từng vùng miền, dù họ ở bất cứ đâu. Như tập quán của người miền Tây Nam bộ, thì cà phê ngon là pha loãng, nhiều ngọt, nhiều đá, đặc biệt là phải dậy mùi thơm. Còn người ở Tây Nguyên khi uống cà phê lại thích vị đắng, đậm kẹo, ít đá, (trong khi Tây Nguyên có rất đông người miền Trung đến lập nghiệp) nên “gu” uống cà phê ở đây cũng giống miền Trung… Từ đó, với mỗi thị trường, DN có cách tiếp cận và chiếm lĩnh khác nhau.

Có một thực tế là  phần lớn người uống cà phê có thói quen uống tại một không gian nhất định với những đối tượng nhất định - giới kinh doanh thường gọi là uống không gian, uống cảm xúc chứ không đơn thuần là uống cà  phê. Trong xu thế phát triển chung, nhiều người còn chọn quán cà phê là địa điểm thuận tiện để gặp gỡ đối tác, trao đổi, thực hiện công việc làm ăn. Do đó, bên cạnh chất lượng, loại hình sản phẩm thì phong cách giới thiệu, thưởng thức sản phẩm cũng được đặc biệt quan tâm. Số lượng quán cà phê đang có sự gia tăng nhanh chóng với nhiều hình thức kinh doanh đa dạng, độc đáo nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng. Điều đáng nói là ở quán cà phê thì chất lượng cà phê chỉ là một phần, phần quan trọng là văn hóa của một ngành kinh doanh; quán có thu hút khách hay không phụ thuộc nhiều yếu tố, như hình ảnh, phong cách phục vụ…Nhiều doanh nghiệp giới thiệu đến người tiêu dùng thương hiệu cà phê của mình qua các gian hàng, quán cà phê phong phú về không gian thưởng thức: cổ điển, hiện đại, phong cách …kèm nhiều hoạt động chuyên biệt hợp thời như: cà phê địa ốc, cà phê Internet…tạo thành không gian để những người yêu thích cà phê cùng gặp gỡ, thưởng thức và chia sẻ. Dù số lượng quán cà phê ở Buôn Ma Thuột mọc lên ngày càng nhiều, nhưng những quán chuyên biệt luôn có một lượng khách trung thành nhất định, ở đó có những chủ quán rất tâm huyết với nghề, không chỉ để kiếm tiền mà còn là để thỏa mãn niềm đam mê sáng tạo - đó cũng chính là “gu” riêng của từng quán, tạo sức hút với khách.

Đa dạng  phong cách giới thiệu, thưởng thức sản phẩm cà phê
Đa dạng phong cách giới thiệu, thưởng thức sản phẩm cà phê

Có một điều mà những người sành cà phê rất quan tâm, đó là làm sao tạo được “gu” cà phê Việt vừa thuần chất, vừa đáp ứng nhu cầu khách quốc tế. Ông Nguyễn Văn An, Tổng giám đốc Tập đoàn Thái Hòa, một doanh nghiệp hàng đầu về xuất khẩu cà phê Arabica chia sẻ: Để sản xuất, kinh doanh cà phê bền vững, cần có sự cân bằng cả ở xuất khẩu và tiêu thụ trong nước. Muốn thâm nhập thị trường cà phê tiêu dùng trong nước, trước hết phải thay đổi được “gu” cà phê phổ biến hiện nay. Theo đánh giá của giới kinh doanh cà phê, đang có tình trạng cà phê chế biến bị lạm dụng nhiều chất phụ gia, tạo vị thơm ngon giả tạo, có hại cho sức khỏe. Do đó, thay đổi “gu” là phải định hướng lại cho người tiêu dùng cách nhận biết như thế nào là một ly cà phê “tốt và ngon”, tức là vừa bảo đảm chất lượng vừa giữ được hương vị nguyên chất tự nhiên. Tùy loại cà phê, cách thu hoạch, cách rang… sẽ cho mùi thơm đặc trưng riêng. Để đạt được khẩu vị riêng, có thể pha hai hoặc nhiều loại cà phê với nhau như Arabica pha cùng Robusta hoặc cùng những loại khác. Đây chính là những bí quyết riêng, là sự hấp dẫn của thức uống này mà mỗi nơi có một tỷ lệ pha trộn sao cho khẩu vị ly cà phê của mình ngon nhất, độc đáo nhất. Ông An gợi ý: Vấn đề là làm sao tạo được một chiến dịch truyền thông, tư vấn cụ thể từ cách uống, cách pha cà phê, đến cách nhận biết một ly cà phê tốt hay dở như thế nào; rồi phải xây dựng được một hệ thống bán hàng riêng mà ở đó phải giới thiệu được về cà phê, về giá trị đích thực của các ly cà phê. Tại Lễ hội Cà phê hồi đầu năm 2011, khách hàng có cơ hội tiếp cận với những phong cách tiêu dùng mới: dây chuyền rang xay của NeuHaus Neotec (công ty hàng đầu thế giới trong lĩnh vực công nghệ ngành cà phê, ca cao) sử dụng hệ thống khí nóng để rang cà phê được điều khiển bằng hệ thống máy tính, lập trình toàn bộ quá trình rang xay. Tại đây, khách hàng có dịp được tự tay thiết kế “bữa tiệc cà phê nguyên chất” cho chính mình qua các công đoạn rang-xay-pha chế tại chỗ rất nhanh gọn. Còn với nguyên liệu là cà phê Buôn Ma Thuột, nhưng được rang xay mộc và pha chế theo cách của Ý, “mô hình cà phê nhanh” theo cách các quán cà phê starbucks của Hoa Kỳ sử dụng đã gợi mở hướng tạo ra một sản phẩm đủ tiêu chuẩn để tiếp cận với nhu cầu tiêu dùng của thế giới v.v… Đó cũng là những xu hướng mới trong kinh doanh cà phê chế biến, góp phần nâng cao nhận thức về sản phẩm, kích thích tiêu dùng, mở rộng thị trường đối với mặt hàng đặc biệt này.

Hoa Hồng


Ý kiến bạn đọc