Multimedia Đọc Báo in

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh khảo sát công tác cán bộ, công chức, viên chức ngành Giáo dục tỉnh

17:35, 25/09/2015

Ngày 25-9, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã có buổi làm việc với UBND tỉnh về tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về tuyển dụng, quản lý cán bộ, công chức, viên chức ngành Giáo dục và đào tạo tỉnh.

Tham dự có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Mai Hoan Niê Kdăm; lãnh đạo một số sở, ngành liên quan; đại diện lãnh đạo Phòng GD-ĐT các huyện: Ea H’leo, Krông Năng và TP. Buôn Ma Thuột-các đơn vị mà Đoàn đã khảo sát thực tế. 

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh
Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh làm việc với UBND tỉnh.

Theo số liệu cuối năm học 2014-2015, toàn tỉnh có 987 trường học, 16.613 lớp, 448.642 học sinh (153.781 học sinh dân tộc thiểu số); có 36.026 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên. Năm 2013 và 2014, UBND tỉnh giao cho các huyện, thị xã, thành phố 28.216 biên chế sự nghiệp giáo dục từ bậc mầm non đến trung học cơ sở; năm 2015 giữ nguyên biên chế như năm 2014. Từ năm 2013 đến 2015, có 13 địa phương tổ chức tuyển dụng viên chức, có 6.059 thí sinh tham gia dự tuyển, đã tuyển dụng 1.362 giáo viên, trong đó có 175 giáo viên dân tộc thiểu số. 3 năm qua, ngoài ký kết hợp đồng theo Luật Viên chức, UBND các huyện còn ký hợp đồng lao động đối với giáo viên, đơn cử TP. Buôn Ma Thuột hợp đồng 405 người, huyện Ea H’leo: 238 người, huyện Cư Kuin: 254 người; Krông Ana: 171 người.

1
Các đại biểu Quốc hội tỉnh trao đổi với giáo viên Trường Tiểu học Lê Đình Chinh ( xã Cư Amung, huyện Ea H'leo).

Trong 2 năm học 2013-2014 và 2014-2015, Sở GD-ĐT đã liên kết với các học viện, trường nghiệp vụ tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý cho 754 người; cử 120 cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên học thạc sĩ, tiến sĩ... Đến nay, cán bộ quản lý các cấp học, bậc học cơ bản đã được bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý. Công tác bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, điều động, luân chuyển đối với các chức danh lãnh đạo quản lý, viên chức sự nghiệp giáo dục được các địa phương thực hiện đúng quy định.

Tại buổi làm việc, các thành viên Đoàn khảo sát đã đề nghị UBND tỉnh làm rõ một số vấn đề như: số học sinh giảm, nhưng lại tăng trường, lớp; việc tuyển dụng chỉ mới thực hiện ở một số huyện, thị xã, thành phố, vẫn còn một số đơn vị chưa tổ chức tuyển dụng; những khó khăn trong tuyển dụng con em dân tộc thiểu số; số giáo viên hợp đồng nhiều...

Đại diện Sở GD-ĐT, Sở Nội vụ và lãnh đạo các địa phương đã giải trình rõ những vấn đề Đoàn quan tâm; đồng thời kiến nghị: cần tăng định mức biên chế giáo viên cho các trường tiểu học tổ chức dạy các môn tiếng Anh, Tin học, tiếng Êđê; cần có cơ chế đặc thù tuyển dụng giáo viên dân tộc thiểu số; nâng chuẩn trình độ giáo viên đối với từng bậc học khi tổ chức tuyển dụng; đặc biệt nhiều văn bản hướng dẫn của các bộ, ngành liên quan đến lĩnh vực giáo dục chồng chéo, không phân biệt rõ chức năng, nhiệm vụ của ngành Giáo dục hay ngành Nội vụ…

Phát biểu kết luận, ông Y Khút Niê, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đánh giá cao sự nỗ lực của tỉnh, ngành chức năng trong công tác quản lý, sử dụng viên chức thuộc ngành Giáo dục từng bước đi vào nền nếp, đúng quy định. Về những bất cập, kiến nghị, UBND tỉnh cần chỉ đạo các ngành chức năng rà soát, có văn bản gửi Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh để Đoàn có ý kiến với các bộ, ngành và Quốc hội trong kỳ họp sắp tới.

Nguyên Hoa


Ý kiến bạn đọc