Multimedia Đọc Báo in

Kiểm tra hiện trạng rừng và tiến độ thực hiện dự án của các công ty, doanh nghiệp trên địa bàn huyện Ea Súp

14:00, 03/07/2013

UBND tỉnh vừa tổ chức Đoàn kiểm tra hiện trạng rừng và tiến độ thực hiện dự án của các lâm trường và công ty, doanh nghiệp thuê rừng và đất lâm nghiệp trên địa bàn huyện Ea Súp.

Đoàn đã đến kiểm tra Công ty 27-7, Công ty cổ phần xây dựng thủy lợi Bình Dương, Công ty Đức Tâm và Công ty cổ phần cao su Phước Hòa. Qua kiểm tra thực tế cho thấy, hầu hết các công ty đều có chung thực trạng: tiến độ thực hiện các dự án chậm, hàng trăm ha rừng và đất rừng giao cho các công ty quản lý đã và đang bị người dân phá và lấn chiếm trong khi các doanh nghiệp thì bất lực trong công tác quản lý và bảo vệ rừng. Trong quá trình triển khai dự án một số công ty thực hiện sai mục đích: Công ty cổ phần xây dựng thủy lợi Bình Dương được UBND tỉnh cho thuê đất với mục tích cải tạo và trồng rừng thì công ty này lại trồng cây cao su; hay Công ty cổ phần cao su Phước Hòa mặc dù chưa được UBND tỉnh cấp giấy phép thực hiện dự án nhưng đã kết hợp với Công ty TNHH Một thành viên lâm trường Cư M’lan trồng trên 100 ha cây cao su…

Cũng trong chuyến công tác, đoàn đã làm việc với Ban Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên lâm trường Cư M’lan. Đây là đơn vị được giao quản lý và bảo vệ trên 14.000 ha rừng thuộc hai xã Cư Mlan và Ea Lê, tuy nhiên tình trạng người dân phá rừng và lấn chiếm đất lâm nghiệp trong lâm phận Công ty quản lý diễn biến rất phức tạp và trở thành điểm “nóng” phá rừng. Giải trình về thực trạng này, ông Nguyễn Hữu Thu, Giám đốc Công ty cho rằng: Do nhu cầu đất sản xuất nông nghiệp ngày càng tăng nên trình trạng chặt phá rừng làm rẫy rất khó kiểm soát, ngăn chặn và đang còn diễn ra phức tạp. Người dân ở đây chủ yếu trồng khoai mì, ngô, đậu; tuy lợi ích kinh tế đem lại không cao nhưng vẫn có hàng chục, hàng trăm ha rừng bị tàn phá. Bên cạnh đó, hệ quả của các công ty thuê đất để thực hiện dự án bị thất bại, khi tỉnh có quyết định thu hồi và giao lại cho Công ty lâm trường Cư M’lan quản lý thì chỉ còn lại đất trắng vì rừng đã bị phá hoàn toàn. Đơn cử như Công ty Vinamit được UBND tỉnh cho thuê rừng và đất rừng với tổng diện tích trên 900 ha, tuy nhiên chỉ trong vòng 2 năm rừng và đất lâm nghiệp giao cho công ty này quản lý đã bị phá và lấn chiếm hoàn toàn. Đứng trước tình hình trên, Công ty TNHH Một thành viên lâm trường Cư M’lan đã triển khai nhiều biện pháp nhằm ngăn chặn trình trạng chặt phá rừng trên địa bàn và khắc phục các khu rừng bị chặt phá do Công ty quản lý.

Đoàn kiểm tra đã yêu cầu những công ty thực hiện sai mục đích dự án thì phải dừng lại và thực hiện đúng theo dự án đã đăng ký. Riêng Công ty cổ phần cao su Phước Hoà, sẽ đề nghị với UBND tỉnh ra quyết định tạm đình chỉ hoạt động do chưa có giấy phép. Các công ty doanh nghiệp tiếp tục tăng cường công tác quản lý và bảo vệ rừng, phối hợp với chính quyền địa phương và các ngành chức năng kiên quyết xử lý những trường hợp phá rừng, lấn chiếm đất rừng, đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân ra khỏi vùng lấn chiếm, hạn chế vấn đề tranh chấp đất đai với người dân gây ảnh hưởng đến tình hình trật tự an toàn xã hội tại địa phương.

Văn Tân


Ý kiến bạn đọc


(Video) Sôi nổi Giải Bóng đá mini nam Báo Đắk Lắk mở rộng lần thứ X – Năm 2024
Chào mừng kỷ niệm 99 năm Ngày báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925-21/6/2024), nhằm tạo sân chơi bổ ích cho những người yêu thích môn bóng đá mini, từ ngày 13 đến 15/6, Báo Đắk Lắk đã tổ chức Giải Bóng đá mini nam Báo Đắk Lắk mở rộng lần thứ X – Năm 2024.