Multimedia Đọc Báo in

Tri âm của buôn làng

15:58, 25/01/2023

Từ rừng già bước vào đời sống của cộng đồng các dân tộc thiểu số, voi gắn bó với biết bao thế hệ trong gia đình, trở thành tri âm của các cộng đồng dân tộc nơi đây.

Còn nhớ, hơn 10 năm trước, những ngày đầu đến với miền đất đỏ bazan, tôi vẫn thường nghe mọi người kể chuyện vui rằng, người Đắk Lắk đi học bằng… voi. Nghe chừng vô lý, nhưng có lẽ câu chuyện ấy cũng dễ khiến người ta tin, bởi từ xa xưa, voi đã trở thành biểu tượng văn hóa đặc trưng của vùng đất này.

Rất nhiều gia đình, khu du lịch vẫn còn lưu giữ hàng nghìn tư liệu, hình ảnh, đồ vật thuần dưỡng voi rừng. Trong nghề thuần dưỡng voi, những cái tên như Y Thu Knul, R’Leo Knul, Ama Kông đã trở thành huyền thoại sống động. Họ lưu danh trong nước và cả vùng Đông Nam Á về những chiến tích lẫy lừng trong thuần dưỡng, chăm sóc voi dữ, voi đặc biệt quý hiếm (voi bạch tạng).

Với cộng đồng các dân tộc nơi đây, voi được xem như một thành viên trong gia đình, là biểu tượng thiêng liêng, tượng trưng quyền uy, giàu có và cả sự may mắn của buôn làng. Bởi vậy mà loài vật đáng yêu này luôn diện hiện trong mọi hoạt động sinh hoạt, đời sống hằng ngày của bà con. Nếu trước đây, voi cùng bà con lên nương rẫy, kéo gỗ làm nhà, vận chuyển nông sản… thì ngày nay, voi tham gia vào ngành du lịch, góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế của nhiều gia đình. Đàn voi nhà vì vậy luôn được chia sẻ yêu thương như một thành viên trong cộng đồng.

Cô dâu H’Quy Byă cùng chú rể chụp hình cưới bên voi nhà. Ảnh do nhân vật cung cấp

Tôi nhớ mãi lần chứng kiến sự gần gũi, thân thiết mà nài voi Y Lit Ksơr (xã Krông Na, huyện Buôn Đôn) và voi nhà Pắk Blang dành cho nhau từ nhiều năm trước. Khi ấy, Pắk Blang đang được thả tự do giữa rừng xanh. Đi tìm Pắk Plang, anh Y Lit Ksơr luồn giữa vạt rừng, dựa theo các dấu chân, âm thanh để tìm hướng người bạn mình đang trú. Hơn 20 năm chia ngọt sẻ bùi nên chỉ cần anh Y Lit Ksơr ra hiệu đứng, ngồi, đi…, Pắk Blang thuộc lòng và răm rắp thực hiện. Ấm áp nhất là khoảnh khắc cả hai cùng xuống dòng suối mát, Pắk Plang đầm mình giữa cái hanh hao của mùa khô, còn anh Y Lit Ksơr kỳ cọ cho voi để cậu thỏa thích phun nước, vẫy tai một cách khoan khoái.

Bởi là tri âm nên nài voi Y Lit Ksơr hiểu hết tính cách, sở thích và cả những lúc Pắk Blang buồn. Những lúc như thế, Pắk Blang được nài voi Y Lit Ksơr “thưởng” bó mía tươi ngọt, rồi đưa Pắk Blang về với rừng xanh.

Mới đây, chị H’Bluôn Êban – vợ anh Y Lit Ksơr chia sẻ thêm về người bạn của gia đình rằng, kể từ ngày dự án du lịch thân thiện với voi được triển khai trên địa bàn, Pắk Blang khỏe khoắn hơn bởi thường xuyên được thả về rừng và còn làm “mẫu ảnh” bên du khách một cách chuyên nghiệp, rất nhiều khung hình của Pắk Blang được các điểm du lịch trên địa bàn sử dụng để quảng bá thêm nét đẹp văn hóa du lịch của miền đất nổi tiếng về voi.

Tắm mát cho voi Pắk Plang.

Cũng bởi trân quý và mong muốn loài vật thông minh này luôn có mặt trong mọi sự kiện của gia đình, mới đây, cô dâu H’Quy Byă (dân tộc M’nông, ở xã Krông Na, huyện Buôn Đôn) cùng gia đình đã tổ chức lễ rước rể bằng… voi. Ngày vui trọng đại, hai con voi của gia đình cô dâu được tô điểm bằng những chiếc bóng rực rỡ sắc màu. Bên cạnh voi chở cô dâu, chú rể là một chú voi khác chở bố mẹ cô dâu.

Lễ rước rể độc đáo này đã tạo ấn tượng đẹp trên địa bàn và gây sốt cộng đồng mạng. Nhiều người trầm trồ yêu thích bởi lâu lắm rồi trên địa bàn mới có màn rước rể bằng voi. Bên cạnh đó, đám cưới của đôi vợ chồng trẻ vẫn giữ được nhiều phong tục truyền thống như: mặc trang phục truyền thống, làm lễ buộc chỉ tay nhằm cầu may mắn, hạnh phúc cho gia đình. Chị H’Quy Byă bộc bạch: “Theo truyền thống của người Êđê và M’nông, thì cô dâu sẽ “bắt” chồng về sinh sống tại nhà vợ. Gia đình mình có truyền thống nuôi voi và việc rước dâu, rể bằng voi cũng đã có từ rất lâu đời. Hiện nay, số lượng voi ngày càng suy giảm, có thể mai này voi nhà sẽ không còn, nên hình ảnh voi đồng hành trong ngày vui của gia đình mãi là kỷ niệm đẹp”.

Mai này voi nhà liệu có còn? Tâm tư của cô dâu H’Quy Byă cũng là đau đáu của đồng bào Tây Nguyên về đàn voi nhà đang dần suy giảm nghiêm trọng. Cũng có lẽ ý thức được điều này mà tình yêu của đồng bào dành cho voi ngày càng sâu sắc hơn. Để người bạn tri âm ấy sống lâu, sống khỏe bên gia đình, người dân nơi đây đã chăm chút, lo lắng cho voi nhiều hơn, trong đó, đặc biệt dành nhiều thời gian cho voi được tự do giữa đại ngàn…

Quỳnh Anh


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.