Multimedia Đọc Báo in

Phòng, chống các bệnh truyền nhiễm mùa hè

14:44, 06/05/2022

Thời tiết đang bước vào mùa hè với khí hậu nắng nóng, mưa nhiều, độ ẩm không khí cao, trong khi ý thức và hành vi vệ sinh phòng bệnh của một số người dân chưa cao là những điều kiện thuận lợi cho nhiều mầm bệnh truyền nhiễm phát sinh, phát triển và lây lan. Do đó, người dân cần chủ động thực hiện các biện pháp phòng ngừa, nhất là đối với người cao tuổi và trẻ em.

Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, trong 3 tháng đầu năm 2022, các dịch bệnh hiện diễn biến ổn định và được giám sát, kiểm soát chặt chẽ. Toàn tỉnh ghi nhận 52 trường hợp mắc bệnh lỵ trực tràng, giảm 18,8% so với cùng kỳ năm 2021; 48 trường hợp mắc lỵ A míp, giảm 40%; 730 trường hợp tiêu chảy, giảm 59,4%; ghi nhận 165 trường hợp sốt xuất huyết, tăng 1,4 %; 76 trường hợp mắc viêm gan vi rút, giảm 51,6 %; 10 trường hợp mắc thủy đậu, giảm 91,5 %; 3 trường hợp mắc sởi; 3 trường hợp mắc quai bị, giảm 76,9%; 1.503 trường hợp mắc bệnh cúm, giảm 42% và có 4 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng, giảm 98,7%. Tất cả các trường hợp mắc bệnh đều được phát hiện, điều trị và xử lý kịp thời, không có ca tử vong.

Để chủ động phòng, chống các bệnh truyền nhiễm, không bùng phát dịch, Sở Y tế đã có Công văn số 1560/SYT-NVYD về việc tăng cường công tác bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng chống dịch bệnh, ngộ độc thực phẩm trong mùa hè năm 2022. Trong đó, đề nghị các đơn vị chỉ đạo, phối hợp triển khai, thực hiện việc tham mưu UBND huyện, thị xã, thành phố tăng cường chỉ đạo chính quyền địa phương, huy động các phòng, ban, ngành, tổ chức, chính trị - xã hội phối hợp chặt chẽ với ngành y tế triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng chống, ngăn chặn hiệu quả sự bùng phát dịch bệnh tay chân miệng, sởi, cúm, tiêu chảy do vi rút Rota, sốt xuất huyết, viêm não… và các dịch bệnh mùa hè khác trên địa bàn.

Đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục sức khỏe, tổ chức các chiến dịch tuyên truyền vệ sinh cá nhân và vệ sinh nơi sinh hoạt; tổ chức phát động chiến dịch vệ sinh môi trường, rửa tay bằng xà phòng; chiến dịch diệt lăng quăng, bọ gậy; vận động người dân đưa trẻ đi tiêm chủng đúng lịch, đủ mũi tiêm; tuyên truyền các biện pháp phòng, chống dịch bệnh mùa hè tại các hộ gia đình và cộng đồng…

Nhân viên y tế kiểm tra lăng quăng (bọ gậy) trong các vật liệu phế thải ở khu dân cư.
Nhân viên y tế kiểm tra lăng quăng (bọ gậy) trong các vật liệu phế thải ở khu dân cư.

Sở Y tế cũng yêu cầu các đơn vị tăng cường giám sát, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh, thực hiện cách ly, kịp thời xử lý triệt để ổ dịch không để bùng phát dịch trong cộng đồng; tăng cường lấy mẫu xét nghiệm xác định tác nhân gây bệnh; củng cố các đội chống dịch cơ động, đội cấp cứu lưu động sẵn sàng điều tra, xác minh, đánh giá, xử lý ổ dịch và hỗ trợ tuyến dưới trong việc khống chế ổ dịch, cấp cứu, điều trị khi cần thiết. Tổ chức tốt việc thu dung điều trị bệnh nhân, lưu ý đối với các bệnh nhân nặng, hạn chế thấp nhất các trường hợp tử vong. Thực hiện tốt phòng tránh lây nhiễm chéo trong các cơ sở điều trị, đặc biệt phòng việc lây nhiễm chéo giữa bệnh tay chân miệng với bệnh sởi, viêm phổi và viêm đường hô hấp khác.

Nhờ tăng cường giám sát, xử lý kịp thời các ca bệnh truyền nhiễm, ngoài dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, các dịch bệnh khác được kiểm soát tốt. Tuy nhiên, với tình hình thời tiết diễn biến phức tạp, dự báo nắng nóng tiếp diễn trong những ngày tới, nếu người dân không phòng ngừa tốt rất có thể bị nhiễm bệnh và nguy cơ bùng phát dịch hoàn toàn có thể xảy ra.

Các chuyên gia y tế khuyến cáo, để phòng bệnh hiệu quả cho bản thân và các thành viên trong gia đình, giải pháp hiệu quả nhất là người dân thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh cho gia đình và cộng đồng, như: Giữ vệ sinh chung, ăn uống hợp vệ sinh, thực hiện tốt nguyên tắc “ăn chín, uống sôi”, rửa tay sạch cho mình và con em bằng xà phòng trước, sau khi ăn uống, chế biến thức ăn, đi vệ sinh; sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh... giúp phòng các bệnh về đường ruột như tả, lị, tay - chân - miệng; thường xuyên vệ sinh khu vực sinh sống, phát quang bụi rậm, lật úp chai, lọ... tránh để nước đọng tạo điều kiện muỗi phát triển để phòng bệnh sốt xuất huyết.

Bên cạnh chủ động phòng chống các dịch bệnh mùa hè, phụ huynh cũng cần lưu ý theo dõi, đưa con em trong độ tuổi đi tiêm chủng đầy đủ theo chương trình tiêm chủng mở rộng; cho trẻ ăn đầy đủ chất dinh dưỡng, uống các loại nước trái cây nhằm bổ sung vitamin, khoáng chất giúp cơ thể tăng sức đề kháng, phòng bệnh. Khi phát hiện bệnh không tự ý điều trị tại nhà mà đến ngay các cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời, tránh để bệnh lây lan.

Kim Oanh

 

 


Ý kiến bạn đọc


(Video) Tự hào trang sử anh hùng
Cách đây 49 năm, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 của quân và dân ta, đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, đã kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, mở ra kỷ nguyên độc lập dân tộc, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.