Multimedia Đọc Báo in

Khơi dậy tình yêu sách trong tuổi trẻ học đường

08:00, 06/05/2022

Với mong muốn gây dựng văn hóa đọc trở thành một thói quen trong học đường và lan tỏa ra xã hội, Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Đắk Lắk vừa phối hợp với Sở VH-TT&DL, Sở GD-ĐT, Tỉnh Đoàn, Thư viện tỉnh tổ chức Chương trình “Sách và tuổi trẻ học đường” tại Trường THPT Võ Văn Kiệt (huyện Ea H’leo).

Tại chương trình, hơn 1.000 học sinh của Trường THPT Võ Văn Kiệt và Trường Tiểu học Ea Khăl đã được đọc sách và tham gia các hoạt động liên quan đến sách. Em Đoàn Khánh Vy, học sinh lớp 4A3, Trường Tiểu học Ea Khăl bày tỏ: “Em rất thích đọc truyện, trong số những quyển đã đọc, có nhiều cuốn để lại ấn tượng như: chuyện kể về đức tính tiết kiệm của Bác Hồ, truyện Thạch Sanh, Sọ Dừa, Chú Cuội trên cung trăng… Em rất vui khi được tham gia chương trình “Sách và tuổi trẻ học đường”. Qua đây giúp em có thêm một số thông tin hữu ích về cách lựa chọn sách, cách đọc sách. Tham gia chương trình, em rất ấn tượng với gian hàng sách của Thư viện tỉnh vì có rất nhiều sách thú vị truyền đạt tri thức về cuộc sống”.

Học sinh tham quan gian hàng sách tại Chương trình “Sách và tuổi trẻ học đường”.

Tương tự, em Nguyễn Trịnh Công Chi, học sinh lớp 10A1 Trường THPT Võ Văn Kiệt bộc bạch: “Không khí vui tươi, nhộn nhịp của chương trình đã đem đến nhiều trải nghiệm thú vị cho chúng em. Chúng em đã tắt các thiết bị thông minh để hòa mình vào cuốn sách hay, cùng nhau lắng nghe những lời hay, ý đẹp, bài thơ do chính nhà thơ, nhà văn của Đắk Lắk trình bày tại chương trình. Sự giao lưu giữa độc giả và tác giả đem lại những cảm xúc tích cực cho học sinh giữa mùa ôn tập cuối năm học, giúp chúng em có thêm dự định mới trong việc đọc sách và yêu sách hơn”.

Chương trình “Sách và tuổi trẻ học đường” gồm nhiều hoạt động với sự tham gia của nhiều đơn vị, địa phương đã mang đến và lan tỏa không khí ngày hội đọc sách, tạo môi trường đọc sách cho nhiều học sinh.

Mỗi ngày, mỗi người có 24 giờ giống nhau nhưng không phải ai cũng có thể dành một khoảng thời gian trong ngày để đọc sách. Tuy nhiên, với nhiều học sinh ở huyện Ea H’leo, các em đã biết sắp xếp thời gian hợp lý để đọc sách mỗi ngày. Em Nguyễn Thị Phương Dung, học sinh lớp 12A2 cho hay, hằng ngày em thường chia thời gian biểu ra nhiều giờ để có thể có một ngày học tập hiệu quả. Theo đó, thời gian học xen kẽ với làm việc nhà, cùng với đó là dành khoảng một giờ để đọc sách. Các loại sách em thường đọc là truyện, sách khoa học, tài liệu, báo, tạp chí... bằng bản điện tử hay sách giấy. Việc duy trì thói quen đọc sách đã đem đến cho em nhiều kiến thức bổ ích.

Các em học sinh đọc sách tại chương trình.

Ngoài các hoạt động của Ban tổ chức Chương trình “Sách và tuổi trẻ học đường”, Trường THPT Võ Văn Kiệt còn có các hoạt động hưởng ứng Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2022. Cụ thể là tổ chức trưng bày, giới thiệu sách; xây dựng góc đọc ngay tại khuôn viên nhà trường với các chủ đề khác nhau; tham gia các trò chơi dân gian trong chương trình...

 Thầy Lê Như Cườm, Hiệu trưởng Trường THPT Võ Văn Kiệt chia sẻ, ham đọc sách thì sẽ say mê nghiên cứu bởi kiến thức của nhân loại là vô tận. Sách sẽ dạy cho các học sinh về nghề nghiệp, cách ứng xử trong cuộc sống và giáo dục chân - thiện - mỹ từ khi các em đang ngồi trên ghế nhà trường. Đọc nhiều sách, các em sẽ có sự so sánh nhằm phân biệt cái hay, tốt đẹp để học tập và làm theo.

Hiện tại, nhà trường đang xây dựng thư viện trường và bảo đảm cơ bản các loại sách trong chương trình học phổ thông, sách tham khảo, sách hướng nghiệp giúp học sinh có những định hướng ban đầu về nghề nghiệp. Ban tổ chức chương trình đã tặng nhà trường hàng trăm cuốn sách, đây là món quà quý giá đối với nhà trường và học sinh. Trường sẽ tạo điều kiện để học sinh tiếp cận sách, tạo tiền đề gây dựng, phát huy văn hóa đọc sách từ sách giấy đến sách điện tử thông qua các phương tiện có kết nối với mạng Internet…


Thanh Hường


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.