Multimedia Đọc Báo in

Vang vọng nhịp chiêng

06:29, 11/12/2022

Tham gia Liên hoan Văn hóa cồng chiêng tỉnh Đắk Lắk mới đây, Câu lạc bộ (CLB) Cồng chiêng trẻ buôn Ea Súp (thị trấn Ea Súp, huyện Ea Súp) tạo ấn tượng với khán giả bởi phần trình diễn thể hiện nét văn hóa đặc sắc của người Gia Rai, cùng sự xuất hiện của thành viên nhí chỉ vừa mới 7 tuổi.

Hòa cùng dàn chiêng rộn rã và các nhạc cụ dân tộc tại đêm liên hoan, em Y Rô Ben Ksơr (thành viên nhỏ tuổi nhất CLB Cồng chiêng trẻ buôn Ea Súp) không hề bị lạc nhịp với đôi tay vỗ xập xèng (một loại nhạc cụ hỗ trợ đi kèm với dàn cồng chiêng) dứt khoát, tự tin, những bước nhún chân chắc nịch.

Bố Y Rô cũng là một thành viên của CLB kể rằng, từ khi còn rất nhỏ, Y Rô đã theo bố đến các lễ hội xem người lớn trong buôn đánh chiêng và bày tỏ niềm yêu thích thực sự. Đầu năm 2022, em đã xin bố cho cùng tham gia CLB Cồng chiêng trẻ buôn Ea Súp. Với niềm say mê, em chịu khó học hỏi, tiếp thu sự chỉ dạy của nghệ nhân và cần mẫn luyện tập, làm quen với nhiều bài chiêng.

Vinh dự được chọn đại diện cho huyện Ea Súp tham gia Liên hoan Văn hóa cồng chiêng tỉnh Đắk Lắk, các thành viên CLB cùng các nghệ nhân đã tích cực luyện tập thành thục những tiết mục biểu diễn thể hiện nét văn hóa truyền thống của người Gia Rai như: phục dựng lễ cúng mừng lúa mới, đánh đàn goong, hát dân ca...

Hoàn thành bài trình diễn cùng tập thể, Y Rô hồn nhiên bộc lộ niềm vui rằng, em học hỏi thêm được rất nhiều và mong muốn bản thân có thể được tham gia nhiều chương trình biểu diễn nghệ thuật lớn như thế này nữa.

Em Y Rô Ben Ksơr (thứ tư từ phải sang) là thành viên nhỏ tuổi nhất của Câu lạc bộ Cồng chiêng trẻ buôn Ea Súp.

Anh Y Khăm Ta Niê, Chủ nhiệm CLB Cồng chiêng trẻ buôn Ea Súp chia sẻ, đối với cộng đồng người Gia Rai ở thị trấn Ea Súp (huyện Ea Súp), cồng chiêng rất linh thiêng, là sợi dây gắn kết con người với đất trời, thần linh. Cồng chiêng không thể thiếu trong các nghi lễ, lễ hội của buôn làng, mang tính gắn kết cộng đồng, do đó văn hóa cồng chiêng vẫn được trao truyền, tiếp nối qua các thế hệ.

 

“Sắp tới, huyện sẽ phối hợp mở các lớp truyền dạy đánh cồng chiêng cho thế hệ trẻ, đặc biệt ở các trường học, nhằm giáo dục tình yêu văn hóa truyền thống cho học sinh, thiết thực góp phần bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc” - ông Nguyễn Mạnh Cương, Giám đốc Trung tâm Truyền thông, Văn hóa, Thể thao huyện Ea Súp.

Từ năm 2015, nhiều thanh thiếu niên trong buôn A1 (thị trấn Ea Súp) say mê tiếng chiêng đã tập hợp nhau lại, thành lập nên CLB Cồng chiêng trẻ buôn A1. Được sự truyền dạy tận tình của những nghệ nhân trong buôn, các thành viên CLB dần thuần thục những điệu cơ bản và tự tin thể hiện tại nhiều lễ hội, sự kiện của địa phương. Từ đây, người Gia Rai ở các buôn làng trên địa bàn thị trấn Ea Súp có cơ hội gặp gỡ, giao lưu, gắn kết tình cảm. Nhờ đó, số lượng thành viên đã tăng lên, từ hơn 10 thành viên ở buôn A1 những ngày đầu thành lập, đến nay đã phát triển lên gần 40 thành viên, phân bố ở cả 5 buôn người Gia Rai trên địa bàn thị trấn Ea Súp, từ đó hình thành nên CLB Cồng chiêng trẻ buôn Ea Súp.

Nhiều năm qua, nghệ nhân Y Ghit Siu ở buôn A1 vẫn miệt mài truyền dạy cách đánh chiêng cho thành viên trong CLB. Nghệ nhân bày tỏ, trước cuộc sống hiện đại, không gian diễn xướng cồng chiêng bị thu hẹp, cồng chiêng dần vắng bóng. Bởi thế, ông rất hạnh phúc và tự hào khi được truyền dạy đánh chiêng cho thế hệ trẻ, chỉ mong con cháu sẽ tiếp nối mạch nguồn văn hóa của cha ông.

Câu lạc bộ Cồng chiêng trẻ buôn Ea Súp biểu diễn tiết mục "Mừng lúa mới" tại Liên hoan Văn hóa cồng chiêng tỉnh Đắk Lắk.

Hiện người Gia Rai ở thị trấn Ea Súp vẫn duy trì một số nghi lễ truyền thống như: lễ bỏ mả, lễ trưởng thành, lễ mừng lúa mới, lễ cúng thần buôn... Những nghi lễ này luôn có sự hiện diện của cồng chiêng.

Đến nay, CLB còn lưu giữ được hai bộ chiêng của người Gia Rai, trong đó có một bộ chiêng Aráp và một bộ chiêng Pêl, các thành viên CLB vẫn miệt mài tập luyện đánh chiêng, các điệu múa truyền thống, trình diễn mỗi khi buôn làng tổ chức nghi lễ, lễ hội.

Không chỉ sinh hoạt tại địa phương, CLB còn tham gia biểu diễn tại nhiều sự kiện quan trọng ở huyện, tỉnh, từng được chọn trình diễn tại Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 7 - năm 2019. Nhờ đó, thanh âm của cồng chiêng vẫn được vang vọng giữa núi rừng, âm vang trong các lễ hội, mang đậm hơi thở đại ngàn.

Huyền Diệu


Ý kiến bạn đọc