Multimedia Đọc Báo in

Yêu nhau về Buôn Ma Thuột

16:58, 23/03/2022

Trong ca khúc “Còn thương nhau thì về Buôn Ma Thuột”, nhạc sĩ Nguyễn Cường - người gắn bó sâu nặng với vùng đất cao nguyên nói đại ý rằng: ở đây mọi thứ dường như rất thực, lại vừa nhuốm màu hư ảo: “Có cái nắng, có cái gió, có nỗi nhớ không mang tên, không mang tên, người ơi”. Vậy mà, chính cái nỗi nhớ không mang tên ấy lại khiến người phương xa quay quắt và luôn giữ một hoài niệm đẹp với thành phố đầy nắng gió này…

Với nhiều người, khi nói về những thành phố lớn trên cao nguyên bazan gồm Kon Tum, Pleiku, Buôn Ma Thuột và Đà Lạt thì cái tên Buôn Ma Thuột gợi lên sự tò mò hơn cả. Không chỉ vì âm sắc mang hơi hướng thổ ngữ mà bởi đô thị này còn được gọi bằng nhiều tên khác như Ban Mê Thuật, Buôn Mê Thuột hoặc có người lãng mạn hơn, chỉ gọi vắn tắt: Ban Mê, thành phố Ban Mê.

Truy tìm nguồn gốc các địa danh là vấn đề thú vị và được giới nghiên cứu quan tâm. Theo những gì được lưu truyền thì tên gọi chính xác của thành phố tỉnh lỵ Đắk Lắk ngày nay là Buôn Ma Thuột. Theo TS. Lương Thanh Sơn, nhà nghiên cứu văn hóa, nguyên Giám đốc Bảo tàng Đắk Lắk, hàng trăm năm trước, Buôn Ma Thuột còn là vùng đất nằm sâu giữa đại ngàn. Cho đến một ngày người tù trưởng Ama Thuột tìm đến khai khẩn thì vùng đất mới này mới có tên. Tuy nhiên, Buôn Ma Thuột lúc đó cũng chỉ là buôn làng nhỏ với số dân cư ít ỏi. Mãi sau này, cách đây hơn một thế kỷ, khi người Pháp dời tỉnh lỵ Đắk Lắk từ Buôn Đôn về đây thì Buôn Ma Thuột mới trở thành đô thị thu hút người dân từ nhiều nơi đến định cư.

Buôn trong phố, không gian kiến trúc đặc thù của đô thị Buôn Ma Thuột. Ảnh: Đình Đối

Cùng với các dân tộc bản địa anh em, người Kinh đã lên đây từ rất sớm. Đình Lạc Giao được xây dựng lần đầu vào năm 1928, được xem là nơi tụ hội quan trọng và là lời nguyền giao kết của những người Việt từ khắp các miền lưu lạc đến sinh sống ở Buôn Ma Thuột thuở ban đầu. Năm 1932, đình được vua Bảo Đại ban Sắc tứ phong Đào Duy Từ làm Thành Hoàng. Việc sắc phong Thành Hoàng cho đình làng Lạc Giao để khẳng định vùng đất thuộc về “Hoàng triều cương thổ” là vô cùng quan trọng trong lúc đang có sự tranh giành ảnh hưởng của triều đình Huế và nước Pháp. Chưa nói đến việc Đào Duy Từ - nhân vật được sắc phong Thần Thành Hoàng là một danh nhân văn hóa, một tài năng lớn trong nhiều lĩnh vực: chính trị, quân sự, văn hóa, kinh tế..., đặc biệt ông là người có công mở mang đất nước, khai lập nhiều vùng đất mới, xứng đáng được người đời tôn vinh.

Buôn Ma Thuột cũng là thành phố có nhiều dân tộc anh em sinh sống bao gồm người Kinh, đồng bào hai dân tộc bản địa M’nông, Êđê, trong đó người Êđê chiếm số đông. Vì vậy, đến đây, chúng ta sẽ được chứng kiến cảnh buôn trong phố, phố trong buôn. Nét đặc biệt này tạo nên sức hấp dẫn đối với khách phương xa khi đến thăm Buôn Ma Thuột. Nhiều buôn cổ nổi tiếng như buôn Ako Dhong, Păn Lăm, Kosia…

TP. Buôn Ma Thuột còn được xem là thủ phủ của vương quốc cà phê Tây Nguyên. Cây cà phê đã đem lại sự thịnh vượng cho xứ sở này. Thổ nhưỡng cùng với khí hậu đã tạo nên hương vị độc đáo riêng cho cà phê Buôn Ma Thuột - một trong những thương hiệu lớn không chỉ Tây Nguyên, Việt Nam mà còn cả các nước trong khu vực và thế giới.

Gần nửa thế kỷ sau ngày đất nước thống nhất, TP. Buôn Ma Thuột đã có nhiều nét đổi thay. Từ một thị xã nhỏ giờ đã trở thành đô thị loại I và là một trong những đô thị trung tâm phát triển kinh tế ở khu vực Tây Nguyên. 

Tháng ba, mùa con ong đi lấy mật, mùa lễ hội của Buôn Ma Thuột sẽ là nơi hội tụ những tinh hoa văn hóa của các dân tộc anh em trên cao nguyên, đồng thời cũng là nơi giao lưu các hoạt động văn hóa đặc sắc giữa nhiều vùng miền...

Đến Buôn Ma Thuột, dạo chơi và nhìn ngắm đất trời Tây Nguyên, để thấy một thành phố đặc trưng miền cao là niềm yêu thích của nhiều người. Tất cả chúng ta, lòng hẹn lòng một ngày nào đó, tình yêu với Buôn Ma Thuột sẽ khiến trái tim mỗi chúng ta nhắc thầm lời hẹn: rằng yêu nhau thì hãy tìm về nơi đây, dù chỉ một lần…

Phạm Xuân Hùng


Ý kiến bạn đọc