Multimedia Đọc Báo in

Cẩn trọng khi giao tài sản cho người khác

07:01, 28/03/2022

Cần tiền nhưng vì mù chữ, thiếu hiểu biết… nhiều người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh đã nhờ người khác đứng ra làm thủ tục vay ngân hàng. Họ không ngờ lại rơi vào “bẫy”, mất nhà, mất đất.

Mang bệnh trong người nhưng ngày nào chị H’Nin Niê (buôn Aring, xã Cuôr Đăng, huyện Cư M’gar) cũng làm việc quần quật suốt ngày để kiếm tiền lo cho mẹ già và 6 đứa cháu đang tuổi ăn học. Đã thế, chị lúc nào cũng nơm nớp nỗi lo bị đuổi ra khỏi nhà khi hơn 2 ha cà phê cùng căn nhà bỗng dưng rơi vào tay người lạ.

Chị H’Nin cho biết, năm 2015, chị cho người thân mượn Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) vay ngân hàng 100 triệu đồng. Đến kỳ trả nợ, người này bỏ đi, để chị H’Nin đối diện với khoản nợ “từ trên trời rơi xuống”. Chị H’Nin muốn đáo hạn ngân hàng nhưng không biết chữ. Đang lúc tìm cách xoay xở, chị H’Nin được hàng xóm giới thiệu với một người phụ nữ tên S. (trú TP. Buôn Ma Thuột) chuyên giúp đáo hạn ngân hàng.

Chị H'Nin phải làm đủ việc lo cho gia đình.

Chị H’Nin nhờ bà S. cho mượn 100 triệu đồng để trả ngân hàng và cam kết sẽ trả tiền ngay khi vay lại được ngân hàng. Bà này đồng ý rồi chở chị H’Nin vào ngân hàng trả tiền, sau đó đến phòng công chứng để ký giấy tờ. Chị H’Nin không biết chữ nên lăn tay chỉ điểm theo hướng dẫn của bà S. Xong việc, bà S. bảo chị H’Nin đưa sổ đỏ để lo đáo hạn ngân hàng. Kể từ đó, chị H’Nin không biết chuyện gì xảy ra, cũng không gặp được bà S.

Về sau, có nhóm người lạ mặt vào nhà chị H’Nin yêu cầu chuyển đi nơi khác vì họ đã mua hết tài sản rồi. Lúc đó, chị mới biết mình bị lừa. Chị H’Nin ủy quyền cho một người khác đi tìm hiểu sự việc mới biết, bà S. đã lừa chị ký vào vào hợp đồng chuyển nhượng toàn bộ hơn 2 ha đất cà phê cùng căn nhà. Từ đó đến nay, đất nhà chị đã bị sang tên cho nhiều người khác. Họ liên tục đưa nhóm người lạ xuống đuổi gia đình chị ra khỏi nhà. Không riêng chị H’Nin, hàng xóm của chị là H’Bih Kriêng cũng bị mất đất, mất nhà khi nhờ bà S. vay 100 triệu đồng. Hiện H’Nin và H’Bih đang làm đơn kiện bà S. ra trước pháp luật.

Cũng nhờ người đứng ra giao dịch với ngân hàng, gia đình anh Y Thắt Niê (xã Ea Kênh, huyện Krông Pắc) mất nhà, mất đất. Cụ thể, đầu năm 2020, anh Y Thắt thế chấp 2 sổ đỏ cho ngân hàng để vay 500 triệu đồng, thời hạn 1 năm. Tháng 2/2021, anh Y Thắt muốn mượn 500 triệu đồng của một người phụ nữ cùng huyện để trả nợ ngân hàng, lấy tài sản thế chấp về đi vay nơi khác. Y Thắt đã ủy quyền cho bà này đến ngân hàng lấy 2 sổ đỏ và đến Chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai huyện để xóa thế chấp. Sau đó, anh Y Thắt hỏi giấy tờ đất song người phụ nữ này tìm nhiều lý do không đưa. Nghi ngờ có chuyện chẳng lành, anh Y Thắt nhờ người tìm hiểu mới biết tài sản của mình đã bị sang tên cho người khác. Anh Y Thắt đang nhờ pháp luật can thiệp để lấy lại tài sản.

Luật sư Tạ Quang Tòng, Chủ nhiệm Đoàn luật sư tỉnh Đắk Lắk cho biết, vì muốn vay tiền nhưng không biết chữ, thiếu hiểu biết, nhiều người, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số đã nhờ môi giới (thường gọi là “cò”), nhờ người khác đứng tên tài sản bằng hợp đồng ủy quyền. Kẻ xấu tranh thủ kẽ hở này cộng thêm sự thiếu hiểu biết của người dân để trục lợi, chiếm đoạt tài sản.

Để tránh mất tài sản, người dân cần nhận thức rõ, vay nợ thì phải trả nên cần tính toán tài chính hợp lý. Khi cần hướng dẫn thủ tục vay ngân hàng, người dân nên nhờ những người có uy tín trong buôn làng hoặc cán bộ xã hướng dẫn, thậm chí nhờ các văn phòng tư vấn luật; trước khi ký tên, điểm chỉ bất cứ giấy tờ gì cần đọc rõ nội dung, nếu không biết chữ cần nhờ người thân cận xem xét để tránh xảy ra sự việc đáng tiếc.

Cẩm Anh


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.