Multimedia Đọc Báo in

Xe hết niên hạn sử dụng sẽ về đâu?

06:15, 27/03/2022

Theo quy định, xe hết niên hạn sử dụng (thường gọi là xe “hết đát”) bị cấm lưu hành và buộc phải thu hồi biển kiểm soát, giấy đăng ký. Tuy nhiên trên thực tế việc thu hồi và quản lý phương tiện lưu thông gần như bị bỏ quên.

Hiểm họa từ xe “hết đát”

Theo quy định hiện hành, xe ô tô chở người (xe trên 10 chỗ ngồi) có niên hạn sử dụng tối đa 20 năm tính từ ngày sản xuất, còn xe chở hàng tối đa 25 năm. Số liệu thống kê từ Cục Đăng kiểm Việt Nam, hằng năm trên phạm vi cả nước có hàng chục nghìn phương tiện hết niên hạn sử dụng. Cụ thể, năm 2018 cả nước có trên 24 nghìn phương tiện hết niên hạn sử dụng, năm 2019 hơn 19 nghìn xe, năm 2020 có hơn 16 nghìn xe, năm 2021 có hơn 20 nghìn chiếc… Còn tại Đắk Lắk năm 2018 có hơn 500 phương tiện hết niên hạn sử dụng, năm 2019 có gần 550 chiếc, năm 2020 có 326 xe và năm 2021 có 386 xe.

Theo quy định, xe hết niên hạn sử dụng thuộc diện phải thu hồi biển kiểm soát (BKS), giấy đăng ký, song thực tế không ai biết số phương tiện này đi đâu về đâu? Thực tế, ở các địa phương, các phương tiện hết niên hạn sử dụng vẫn lưu thông trên một số tuyến đường nội vùng, khu vực sản xuất, vùng mỏ, vùng nguyên liệu… Mới đây, khi có mặt tại khu vực khai thác đất sét tại xã Ea Bông (huyện Krông Ana), phóng viên ghi nhận xe tải BKS 47K-8794 hiệu KAMAZ, sản xuất năm 1995, hết hạn từ năm 2020 nhưng vẫn lưu thông ở vùng mỏ và đường nội vùng. Quan sát thực tế cho thấy nhiều bộ phận của phương tiện bị hư hỏng, hoen rỉ, đặc biệt khi lưu thông khói xả ra mù mịt, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến cuộc sống người dân.

Xe hết niên hạn sử dụng tại khu vực tập kết đất sét ở xã Ea Bông (huyện Krông Ana).

Xã Ea Bông là địa phương có nhiều cơ sở sản xuất gạch nên đây không phải là phương tiện “hết đát” duy nhất hoạt động ở khu vực này. Đặc biệt, những năm trước khi chưa có quy định cấm khai thác đất sét của chính quyền địa phương, hàng loạt xe “hết đát” lưu thông ngày đêm vận chuyển đất, khiến người dân địa phương bức xúc. Bà T.T.N. (buôn Mblớt, xã Ea Bông, huyện Krông Ana) cho hay, nhà bà bán hàng tạp hóa ngay bên tuyến đường từ buôn đến khu khai thác đất sét nên hằng ngày phải hứng không biết bao nhiêu bụi, khói từ xe chở vật liệu. Tất cả hàng hóa đều phải bọc kín trong túi ni lông, chứ lau được một lúc đâu lại vào đấy, thậm chí lau ướt càng bị dính bụi nhiều hơn. Người dân địa phương đã nhiều lần kiến nghị nhưng không được giải quyết.

Ở Đắk Lắk chưa ghi nhận trường hợp xe hết niên hạn sử dụng gây tai nạn giao thông nhưng thực tế trên phạm vi cả nước đã có những vụ tai nạn xảy ra mà qua điều tra cơ quan chức năng phát hiện phương tiện “hết đát”. Đơn cử như cuối năm 2019 lực lượng chức năng phát hiện xe ô tô 15 chỗ mang BKS 29A-1636 (BKS giả, còn BKS thật là 29K-1636) lưu thông trên Quốc lộ 16, đoạn qua địa bàn xã Bắc Lý, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An gây tai nạn khiến 7 người thương vong. Qua điều tra phát hiện xe này đã hết niên hạn sử dụng từ ngày 1/1/2017, sử dụng BKS giả để lưu thông và thực hiện chở khách.

 

Khó xử lý

Theo Trung tá Nguyễn Viết Hải, Phó Trưởng Phòng CSGT Công an tỉnh, hầu hết xe hết niên hạn sử dụng không đưa ra đường để lưu thông, phần lớn được chủ phương tiện bán phế liệu, để ở nhà hoặc đưa vào các công trường, vùng khai thác vật liệu. Việc xử lý xe hết niên hạn sử dụng vẫn tham gia giao thông cũng như thu hồi đăng ký, BKS hết sức khó khăn. Do đó, đến nay trên địa bàn tỉnh không có báo cáo hay thống kê cụ thể nào về số phương tiện “hết đát” được thu hồi đăng ký, BKS. Còn về số liệu xử phạt phương tiện vi phạm thì rất khiêm tốn, nhưng thực tế các loại xe này vẫn lưu thông.

Thống kê của Phòng CSGT, từ năm 2020 đến nay chỉ xử phạt được 1 trường hợp vi phạm xe “hết đát”. Cụ thể, ngày 8/5/2020 UBND tỉnh ban hành Quyết định số 990/QĐ-UBND và Quyết định số 991/QĐ-UBND về việc xử phạt vi phạm hành chính đối với tổ chức và cá nhân do vi phạm sử dụng xe BKS 77H-2283 hết niên hạn tham gia giao thông trên đường. Qua điều tra xe này hiệu Hyundai, sản xuất năm 1992, hết niên hạn sử dụng từ năm 2017. Tuy nhiên đến năm 2020 phương tiện vẫn tham gia lưu thông trên đường và bị phát hiện, xử lý vi phạm hành chính.

Trung tá Nguyễn Viết Hải thông tin thêm: Theo quy định của Bộ Công an, hằng năm, Phòng CSGT căn cứ vào danh sách xe ô tô hết niên hạn sử dụng do Cục Đăng kiểm Việt Nam cung cấp để thông báo cho chủ xe thực hiện việc thu hồi đăng ký, BKS. Trong thời hạn 30 ngày (kể từ ngày thông báo) nếu chủ xe không tự giác nộp lại đăng ký, BKS thì thông báo cho công an các đơn vị, địa phương biết để phát hiện, xử lý theo quy định của pháp luật. Trường hợp nhận được phản ánh của người dân hoặc cơ quan báo chí, Phòng sẽ chỉ đạo lực lượng CSGT các địa phương theo dõi để có hướng xử lý. Đồng thời, nắm bắt thông tin, tiến hành kiểm tra, nếu phát hiện vi phạm sẽ xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Theo các văn bản của pháp luật cho thấy hành lang pháp lý về quản lý, xử lý vi phạm của xe hết niên hạn sử dụng khá rõ ràng, song chủ phương tiện không tự giác chấp hành việc nộp giấy đăng ký, BKS trong khi cơ quan quản lý chưa chú trọng việc thông báo thu hồi, tiến hành thu hồi. Do đó tình trạng phương tiện hết niên hạn vẫn lưu thông ở các tuyến đường vùng sâu, vùng xa là điều khó tránh khỏi, nếu không kiên quyết xử lý hậu quả sẽ khôn lường.

Khoản 9 Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung điểm b Khoản 7 Điều 16 Nghị định 100/2019-CP quy định: phạt tiền lên từ 10 - 12 triệu đồng, có thể bị tịch thu phương tiện, tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 1 - 3 tháng đối với hành vi điều khiển xe quá niên hạn sử dụng tham gia giao thông.

Hoàng Tuyết


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.