Multimedia Đọc Báo in

Những triệu phú người dân tộc thiểu số

06:14, 18/12/2022

Với nhiệt huyết của tuổi trẻ cùng tiềm năng, thế mạnh địa phương, các startup là người dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh đã nỗ lực làm giàu trên chính mảnh đất quê hương. Trong số đó có nhiều người đã khởi nghiệp, lập nghiệp thành công và trở thành những triệu phú khi tuổi đời còn trẻ.

Chàng trai người Êđê khởi nghiệp từ rượu cần

Với mong muốn gìn giữ nét đẹp truyền thống của dân tộc mình, chàng trai trẻ người Êđê Y Nay Ayun (SN 1992, ở thôn Hòa Thành, xã Hòa Đông, huyện Krông Pắc) đã quyết tâm lựa chọn nghề nấu rượu cần để khởi nghiệp.

Rượu cần là sản phẩm mang đậm giá trị văn hóa truyền thống, không thể thiếu trong các dịp lễ hội và sinh hoạt cộng đồng của đồng bào dân tộc thiểu số Tây Nguyên nói chung và người Êđê nói riêng. Rượu cần thể hiện mong ước của người dân về niềm vui, hạnh phúc, sự tốt lành.

Chính vì ý nghĩa đó, Y Nay đã đem lòng yêu thích loại rượu này. Từ khi còn nhỏ, chứng kiến ông bà, cha mẹ nấu rượu cần truyền thống của người Êđê, anh đã để ý cách nấu. Năm 2016, sau khi tốt nghiệp ngành Quản trị kinh doanh của Trường Đại học Công nghiệp TP. Hồ Chí Minh, Y Nay trở về Đắk Lắk làm tiếp thị cho một công ty bia.

Đến cuối năm 2018, anh trở về địa phương công tác và làm Phó Bí thư Đoàn xã Hòa Đông. Quá trình làm công tác Đoàn, Y Nay được đi nhiều nơi, tham quan những mô hình khởi nghiệp từ đặc sản trên vùng đất đỏ bazan.

Nhờ vậy, anh “bỏ túi” được khá nhiều kinh nghiệm khởi nghiệp. Luôn nung nấu ý định gìn giữ văn hóa truyền thống của dân tộc mình, đồng thời được sự khuyến khích từ gia đình, bạn bè, Y Nay đã quyết định lựa chọn nghề nấu rượu cần để khởi nghiệp.

Ban đầu, bản thân chưa có nhiều kinh nghiệm nên rượu nấu ra thường có mùi chua khó chịu, không thể uống được. Dù vậy, Y Nay không hề nản chí, anh quyết tâm tìm tòi, học hỏi thêm, thậm chí đi xa hàng trăm cây số tìm đến nhà những già làng có kinh nghiệm nấu rượu cần ở các buôn người Êđê để học hỏi bí quyết rồi về làm lại từ đầu.

“Thời gian đầu do mới học hỏi, chưa có nhiều kinh nghiệm nên tôi chỉ dám nấu với số lượng hạn chế để anh em trong gia đình thử, đồng thời bán rẻ cho bạn bè. Sau đó ghi nhận những phản hồi của họ để rút kinh nghiệm và dần hoàn thiện sản phẩm của mình”, Y Nay chia sẻ.

Anh Y Nay Ayun (thôn Hòa Thành, xã Hòa Đông, huyện Krông Pắc) bên những ché rượu cần do mình ủ.  

Với Y Nay, nấu rượu cần không phải là việc khó nhưng muốn nấu ngon thì phải có bí quyết riêng. Sau khi phát hiện ra hương vị đặc trưng của rượu cần nằm ở loại men và cách phối men, anh đã sử dụng cây hem (loại cây rừng có vị ngọt), cây riềng rừng (có vị cay, thơm nồng) và gạo xay nhuyễn trộn lẫn vào nhau tạo thành những cục men rồi đem phơi khô. Để ủ rượu cần, Y Nay dùng men này trộn đều với cơm để nguội và cho vào ché, lấy lá chuối bịt kín miệng rồi để nơi thoáng mát. Thời gian ủ phải kéo dài khoảng hai tháng mới có thể đem ra để dùng. Tuy nhiên, rượu cần ủ thời gian càng lâu, hương vị lại càng đậm đà và thơm ngon hơn.

Y Nay cho biết, hiện nay trên thị trường có khá nhiều sản phẩm rượu cần, vì vậy để thương hiệu “Rượu cần Y Nay” khẳng định được uy tín và được nhiều người biết đến, anh luôn đặt tiêu chí ngon, sạch lên hàng đầu. Đặc biệt, anh sử dụng những nguyên liệu tự nhiên để làm men, kết hợp với cách ủ gia truyền mà ông bà, cha mẹ truyền dạy. Để mở rộng quy mô và tiếp cận những đối tác lớn hơn, bên cạnh nâng cao chất lượng, Y Nay còn tham gia gian hàng giới thiệu sản phẩm tại các hội chợ, triển lãm. Nhờ vậy, dù mới ra đời nhưng thương hiệu “Rượu cần Y Nay” đã được nhiều khách hàng trong và ngoài tỉnh biết đến. Bình quân mỗi tháng, Y Nay sản xuất khoảng 80 - 100 ché rượu, với giá bán từ 190.000 - 500.000 đồng/ché tùy thể tích.

 

“Tôi đang ấp ủ ý định mở thêm xưởng ở địa bàn huyện Krông Búk để đưa thương hiệu rượu cần của mình "phủ sóng" rộng rãi hơn, đồng thời lên kế hoạch thành lập công ty để có thể đưa sản phẩm đến với nhiều người hơn" - Y Nay Ayun.

Ngoài nấu rượu cần truyền thống, Y Nay còn cung cấp các nguyên liệu tự nhiên để ngâm rượu và canh tác thêm 3 sào cà phê. Vì vậy doanh thu hằng năm của anh dao động từ 200 – 300 triệu đồng, trong đó chủ yếu là từ bán rượu cần.

Dựa trên bản sắc văn hóa dân tộc cũng như tận dụng được thế mạnh tại địa phương, Y Nay Ayun đã tìm ra hướng đi phù hợp để khởi nghiệp, qua đó truyền cảm hứng cho nhiều thanh niên dân tộc thiểu số ở địa phương trên con đường lập thân, lập nghiệp.

Làm giàu từ mô hình nuôi trùn quế

Anh Triệu Văn Hưng (SN 1987, dân tộc Tày, ở thôn Tam Đồng, xã Ea Tam, huyện Krông Năng) là một trong số những startup khởi nghiệp tiêu biểu tại địa phương. 

Sau khi tốt nghiệp Trường Cao đẳng Công nghệ Tây Nguyên, anh Hưng đã quyết định sẽ lập nghiệp trên mảnh đất Krông Năng. Vì vậy anh đã dành nhiều thời gian để học hỏi, tham quan các mô hình khởi nghiệp. Một lần lên mạng Internet, anh Hưng đọc được thông tin về mô hình nuôi trùn quế để làm thức ăn trong chăn nuôi. Nhận thấy mô hình này phù hợp với tình hình tại địa phương, hơn nữa nhu cầu của thị trường về trùn quế ngày càng cao nên anh quyết chí khởi nghiệp với mô hình nuôi trùn quế.

Anh Triệu Văn Hưng (thôn Tam Đồng, xã Ea Tam, huyện Krông Năng) bón phân trùn quế cho cây trồng.

Năm 2020, anh Hưng bắt tay vào cải tạo 2.000 m2 đất sản xuất của gia đình để làm trang trại nuôi trùn quế. Anh Hưng cho biết, việc học cách nuôi trùn quế khá đơn giản, thức ăn của chúng rất đa dạng, như phân gia súc, gia cầm; rơm rạ, cỏ khô, rau quả... Trùn quế ngoài lấy thịt làm thức ăn trong chăn nuôi còn có thể tận dụng phân để sử dụng như một thành phần của đất ươm, vườn ươm hay phân bón hữu cơ cung cấp dinh dưỡng cho cây trồng và cải tạo đất. Vì vậy, từ ngày nuôi trùn quế, gia đình anh Hưng không phụ thuộc vào nguồn phân bón bên ngoài, trang trại tự cung tự cấp hoàn toàn nên tiết kiệm được chi phí đầu tư và bảo vệ môi trường.

Đến nay, sau hai năm khởi nghiệp, trang trại nuôi trùn quế đang mang lại cho gia đình anh thu nhập khoảng 300 triệu đồng/năm. Ngoài ra, anh còn nuôi bò, gà và trồng cây ăn trái xen cây cà phê. Anh Hưng chia sẻ, bên cạnh những kiến thức học hỏi trên mạng Internet và nguồn vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội, sự đồng hành, hỗ trợ của các cấp, các ngành, tổ chức Đoàn cũng đã góp phần không nhỏ giúp anh khởi nghiệp thành công.

Khả Lê - Hoài Thương


Ý kiến bạn đọc