Multimedia Đọc Báo in

Triển vọng phát triển cây mắc ca ở xã Ea Sol

11:33, 15/07/2022

Nhận thấy hiệu quả của cây mắc ca, chính quyền xã Ea Sol (huyện Ea H’leo) đang tập trung đẩy mạnh xây dựng vùng nguyên liệu và phát triển thương hiệu, đưa loại cây này trở thành một trong những loại cây trồng chủ lực, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương.

Tiên phong trồng mắc ca ở xã Ea Sol, gia đình ông Vũ Đình Sơn (thôn Ea Yú) hiện sở hữu 20 ha mắc ca 4, 5 năm tuổi, đang bước vào thu hoạch ổn định, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Năm 2007, gia đình ông Sơn từng nhận Bằng khen của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam nhờ phát triển hiệu quả mô hình trồng cao su tiểu điền với tổng diện tích hơn 40 ha, thu nhập mỗi năm hàng tỷ đồng. Khi thị trường cao su chạm đáy, việc canh tác cao su không còn hiệu quả, ông bà tính toán phương án chuyển đổi cây trồng và thu hẹp diện tích để quản lý hiệu quả hơn.

Vườn mắc ca giống do ông Vũ Đình Sơn tuyển chọn từ những cây mắc ca giống OC, QN 1 phẩm chất tốt để cung ứng cho người dân trong vùng.

Đầu năm 2017, vợ chồng ông Sơn được tham gia hội thảo về cây mắc ca tại xã Cư Bao (thị xã Buôn Hồ). Khi ấy, nhiều người vẫn còn nghi ngại về hiệu quả lâu dài và đầu ra của loại cây trồng mới này. Tuy nhiên sau khi nghe chia sẻ của nhiều chuyên gia đầu ngành về cây mắc ca và nông nghiệp, ông bà nhận thấy đây có thể là cây trồng phù hợp với vùng đất canh tác của gia đình, có tiềm năng phát triển lớn.

Ngay sau hội thảo, ông bà liền đến nhiều vườn mắc ca thành công ở huyện Krông Năng để học hỏi kỹ thuật và tìm nguồn cung ứng giống. Mùa mưa năm ấy, ông bà trồng 1.000 cây mắc ca đầu tiên trong diện tích vườn tiêu kém hiệu quả. Sang năm sau, ông bà tiếp tục chuyển đổi toàn bộ diện tích trồng cao su còn lại của gia đình sang trồng cây mắc ca.

Nhờ điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu phù hợp, vườn mắc ca của gia đình ông Sơn phát triển nhanh, sinh trưởng tốt. Sau 3 năm xuống giống, những cây mắc ca đầu tiên đã cho trái bói với chất lượng hạt thơm ngon, vụ thu hoạch năm 2021 cho thu bói 5 tấn hạt khô. Toàn bộ sản lượng được ông bà rang sấy, chế biến, bán thử nghiệm cho người thân quen và trên mạng xã hội. Dự kiến năm nay, vườn mắc ca sẽ cho thu hoạch khoảng 20 tấn hạt khô với nhiều cây có lượng quả cao, ước đạt đến hơn 20 kg hạt khô mỗi cây. Ông bà đã đầu tư máy sấy công suất 1 tấn/mẻ để chuẩn bị chế biến và bán ra thị trường cho vụ thu hoạch này. Các thành viên trong gia đình ông cũng đang góp sức từng bước xây dựng thương hiệu gắn với bộ nhận diện “Macca Sơn Nụ Ea Sol”.

Ông Vũ Đình Sơn (bên trái) chia sẻ về kỹ thuật trồng macca.
 
Định hướng thời gian tới, xã Ea Sol sẽ hình thành hợp tác xã chuyên sản xuất, kinh doanh mắc ca để tập hợp người dân liên kết sản xuất, huy động các nguồn lực cùng xây dựng thương hiệu, mở rộng thị trường cho sản phẩm mắc ca sản xuất tại địa phương, góp phần nâng cao chất lượng tiêu chí số 13 về tổ chức sản xuất trong xây dựng nông thôn mớ.
 
Chủ tịch UBND xã Ea Sol Ksơr Y Grư cho hay

Ông Sơn chia sẻ, hiệu quả kinh tế bước đầu của cây mắc ca cao gấp 4 - 5 lần so với cây cà phê, tiêu, lại dễ chăm sóc, ít tốn công, hầu như không phát sinh sâu bệnh hại. Bên cạnh đó, mắc ca vốn là dòng cây rừng nên chỉ cần sử dụng lượng phân bón, nước tưới rất ít so với các loại cây công nghiệp, cây ăn trái khác, phù hợp với điều kiện canh tác trên đất đồi cao, thường xuyên khô hạn như ở địa bàn xã Ea Sol.

Từ mô hình của gia đình, ông Sơn khẳng định, đây là loại cây trồng hiệu quả, có thể giúp nông dân tăng thu nhập gấp 2 - 3 lần nếu biết xen canh hợp lý với các loại cây trồng cũ trên cùng diện tích. Với suy nghĩ ấy, ông bà đã tích cực giới thiệu, cho bà con gần xa đến tham quan, học hỏi kinh nghiệm, tận tình hướng dẫn kỹ thuật canh tác. Ông Sơn cũng lựa chọn những cây mắc ca giống OC, QN1 phẩm chất tốt trong vườn ghép giống và cung ứng với giá thành hợp lý cho người dân. Tham vọng của ông Sơn là sẽ xây dựng được vùng nguyên liệu mắc ca quy mô lớn ngay tại xã Ea Sol và các địa bàn lân cận. Gia đình ông cũng đã chuẩn bị các bước hoạch định, tiến tới việc đầu tư nhà máy sản xuất, chế biến hạt mắc ca và các phụ phẩm của cây trồng này ngay tại thôn Ea Yú.

Ý tưởng ấy của ông Sơn được chính quyền địa phương hết sức ủng hộ. UBND xã đã phối hợp với Phòng NN-PTNT huyện hoàn thiện hồ sơ đăng ký sản phẩm OCOP cho mô hình sản xuất của gia đình ông với tên thương hiệu là Macca Sơn Nụ Ea Sol. Bên cạnh đó, trong các chương trình khuyến nông, UBND xã cũng tăng cường động viên, khuyến khích nông dân tìm hiểu kỹ thuật, chọn nguồn cung ứng giống uy tín để phát triển cây mắc ca theo hướng bền vững, chú trọng trồng xen canh hợp lý để nâng cao hiệu quả canh tác nông nghiệp. Nhờ đó, chỉ trong vòng hơn 1 năm qua, diện tích đất sản xuất nông nghiệp có trồng xen mắc ca trên địa bàn xã đã tăng nhanh, lên đến hàng trăm héc-ta.

Đinh Nga


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hỗ trợ người dân vùng khó tiếp cận bảo hiểm y tế
Nghị định số 75/2023/NĐ-CP của Chính phủ có nhiều điểm đổi mới, trong đó có quy định hỗ trợ 70% kinh phí mua thẻ bảo hiểm y tế cho một số đối tượng đã giúp người dân huyện Krông Bông có thẻ bảo hiểm y tế phòng thân.