Multimedia Đọc Báo in

Đẩy mạnh phát triển cây mắc ca bền vững trên địa bàn huyện Ea H’leo

15:24, 28/05/2022

Ngày 28/5, UBND huyện Ea H’leo tổ chức Hội thảo phát triển cây mắc ca trên địa bàn huyện do Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Văn Hà chủ trì.

Tham dự hội thảo có ông Nguyễn Hoài Dương, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Giám đốc Sở NN-PTNT; đại diện lãnh đạo Huyện ủy; Hiệp hội Mắc ca Việt Nam và các HTX, hộ nông dân sản xuất mắc ca.

ảnh
Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Văn Hà phát biểu khai mạc hội thảo.

Huyện Ea H’leo có diện tích đất sản xuất nông nghiệp trên 78.379 ha (chiếm 58,75% diện tích tự nhiên), chủ yếu là đất bazan màu mỡ, rất thuận lợi để phát triển nông nghiệp và các loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao, trong đó có cây mắc ca. Hiện trên địa bàn huyện đã có 4 xã trồng cây mắc ca gồm: Ea Nam, Dliê Yang, Ea Hiao, Ea Sol, với tổng diện tích 356,25 ha.

Qua thực tiễn cho thấy loài cây này khá phù hợp với vùng đất của huyện, đạt năng suất cao, chất lượng tốt và đang đem lại thu nhập cao cho người dân. Ngoài ra, mắc ca là loại cây lâm nghiệp đa mục đích, bên cạnh việc mang lại nguồn lợi kinh tế cao cho người trồng, cây mắc ca còn góp phần trồng lại rừng, phủ xanh đất trống đồi trọc, giúp cải thiện lại mội trường thiên nhiên đang bị suy giảm.

ảnh
Các đại biểu tham dự hội thảo.

Mặc dù có nhiều tiềm năng về phát triển cây mắc ca, tuy nhiên, việc phát triển cây mắc ca trên địa bàn huyện Ea H’leo cũng gặp không ít khó khăn, trở ngại và thách thức, nhất là công tác quản lý giống mắc ca tại một số điểm bán chưa được quan tâm, nên vẫn có hiện tượng kinh doanh cây giống chất lượng kém; việc tiếp cận, nắm bắt thị trường tiêu thụ sản phẩm còn hạn chế cũng là một thách thức trong phát triển sản xuất…

Tại hội thảo, bên cạnh việc chia sẻ các kiến thức và kinh nghiệm trồng, chăm sóc, thu hoạch, bảo quản mắc ca; giới thiệu gói tín dụng trồng và chăm sóc cây mắc ca… các đại biểu cũng cho rằng, để Ea H’leo trở thành vùng trồng mắc ca của tỉnh thì cần có cơ chế chính sách đặc thù, tạo điều kiện để doanh nghiệp, cộng đồng, hộ gia đình và cá nhân dễ dàng tiếp cận nguồn vốn; quan tâm đến khâu giống chất lượng tốt và kỹ thuật trồng; hình thành các chuỗi liên kết sản xuất; áp dụng công nghệ đối với sản xuất và chế biến mắc ca, để triển khai thực hiện các biện pháp canh tác tiên tiến, đồng bộ; sớm xây dựng nhà máy chế biến để sản phẩm tiêu thụ được ổn định giúp bà con yên tâm khi trồng…

ảnh
Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Giám đốc Sở NN-PTNT Nguyễn Hoài Dương phát biểu tại hội thảo.

Phát biểu tại hội thảo, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Giám đốc Sở NN-PTNT Nguyễn Hoài Dương cho biết, huyện Ea H’leo nói riêng, tỉnh Đắk Lắk nói chung có nhiều cơ hội để phát triển cây mắc ca thành sản phẩm có giá trị kinh tế cao nhưng chúng ta cũng gặp nhiều thách thức. Đó là, chưa có quy hoạch vùng nguyên liệu tập trung mắc ca làm điểm nhấn để xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm; chưa xây dựng mô hình để nghiên cứu và đánh giá theo các giải pháp phát triển rừng; chất lượng hạt là yếu tố quan trọng nhưng hiện nay chưa có kết quả nghiên cứu cụ thể theo dòng và lập địa để làm cơ sở cho sản phẩm được tiếp cận thị trường xuất khẩu; kết quả nghiên cứu, đánh giá về phòng trừ sâu bệnh hại còn hạn chế…

Trong thời gian tới, để mắc ca thành sản phẩm thế mạnh, huyện Ea H’leo cần tập trung tuyên truyền về giá trị kinh tế của cây mắc ca, cũng như hướng dẫn kỹ thuật từ các khâu trong sản xuất và thu hoạch, chế biến; xác định được vùng trồng, giống trồng phù hợp; quản lý tốt hoạt động sản xuất, kinh doanh, cung ứng giống mắc ca; hình thành được các HTX sản xuất mắc ca để liên kết các hộ sản xuất theo hướng bền vững. Đồng thời, thu hút doanh nghiệp kết nối với các HTX, tổ hợp tác để ổn định đầu ra cho sản phẩm, từng bước xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm mắc ca. Đề nghị Hiệp hội Mắc ca Việt Nam phối hợp với UBND huyện để đồng hành cùng người nông dân, HTX, doanh nghiệp trong lộ trình phát triển cây mắc ca bền vững trên địa bàn huyện.

Minh Thuận - Hoàng Tuyết

 

 

 

 


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.