Multimedia Đọc Báo in

Chuyển đổi số trong doanh nghiệp: Cơ hội và thách thức

08:02, 05/08/2021

Dịch COVID-19 đang gây nhiều khó khăn, thách thức cho doanh nghiệp (DN). Chuyển đối số được xem là một trong những “chìa khóa” giúp DN trụ vững và thành công trong bối cảnh thị trường có nhiều biến động như hiện nay.

Cơ hội từ chuyển đổi số

Dịch COVID-19 đẩy DN đứng trước nhiều khó khăn, nhưng cũng gợi ý thêm các kênh tiếp cận khách hàng, là dịp để DN thay đổi tư duy, chuyển đổi số, ứng dụng thương mại điện tử trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của mình. Những năm trở lại đây, nhiều DN của tỉnh đã quan tâm và dần “bước chân” vào chuyển đổi số, tạo ra hiệu quả đáng kể trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Qua đó, vươn lên khẳng định thương hiệu, ký thêm nhiều đơn hàng mới, cùng tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Ông Lê Văn Vương, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và thương mại Vương Thành Công (TP. Buôn Ma Thuột) cho hay, DN có kế hoạch thực hiện lộ trình chuyển đổi số và coi đây là đầu tư cần thiết trong chiến lược phát triển của mình. Hiện nay, đơn vị đã ứng dụng chuyển đổi số trong sử dụng phần mềm khai báo thuế, chữ ký số, phần mềm kế toán và đưa sản phẩm bán ở 4 sàn thương mại điện tử trong nước... Dưới tác động tiêu cực của dịch bệnh, đơn vị đang tiếp tục hoàn thiện các chương trình ứng dụng chuyển đổi số để duy trì hình ảnh và thu hút khách hàng.

Một buổi tập huấn trực tuyến về "Phát triển thương mại và chuyển đổi số" do Sở Công thương tổ chức vào đầu tháng 8-2021.

Ở Công ty Cổ phần Ban Mê Green Farm (TP. Buôn Ma Thuột), DN này đã ứng dụng chuyển đổi số trong quản lý sản xuất, sử dụng nhật ký điện tử để kiểm soát công việc từ xa, quản lý  DN và quản lý phân phối khách hàng. Bà Nguyễn Thị Thái Thanh, Giám đốc công ty chia sẻ, kết quả của chuyển đổi số giúp DN tiết kiệm được nhiều chi phí trong quá trình sản xuất, tăng hiệu quả kinh doanh thông qua tự động hóa, từ đó mang về thêm nhiều đơn hàng, khách hàng mới.

“Những năm gần đây, Chính phủ rất coi trọng việc chuyển đổi số và có nhiều quy định, chính sách hỗ trợ đã được ban hành để hướng đến nền kinh tế số, giúp DN Việt khẳng định mình trên thị trường quốc tế. Ở Đắk Lắk, ngành công thương tỉnh cũng đẩy mạnh tập huấn, cung cấp kiến thức, hỗ trợ DN về lộ trình chuyển đổi số, thúc đẩy tăng trưởng kinh doanh, tăng hiệu quả tương tác với khách hàng”.

Ông Huỳnh Ngọc Dương, Phó Giám đốc Sở Công thương.

 

Đơn cử như trong thời gian phải thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch COVID-19, đặc biệt là khi TP. Buôn Ma Thuột thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ thì nhờ ứng dụng chuyển đổi số trong sản xuất, quản lý bán hàng đã giúp đơn vị thuận tiện hơn rất nhiều trong việc thu thập thông tin khách hàng, danh mục sản phẩm và lên đơn, quản lý được số lượng hàng hiện có, tồn kho… Mỗi ngày, DN có thêm từ 400 - 500 đơn hàng. Đã tận dụng cơ hội từ việc chuyển đổi số, tuy nhiên theo chị Thanh, nếu khai thác tốt hơn các lợi thế, tiềm năng của chuyển đổi số thì doanh thu của DN sẽ còn tăng trưởng cao hơn nữa.

Theo các chuyên gia, chuyển đổi số mang lại nhiều cơ hội cho DN. Để nắm bắt những cơ hội từ hội nhập mang lại thì buộc DN phải “nhanh chân” ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, hướng đến nền sản xuất thông minh và từng bước tiến đến chuyển đổi số.

Cần có tư duy, lộ trình phù hợp

Chia sẻ với các DN của tỉnh trong việc phát triển thương mại điện tử và chuyển đổi số, ông Phí Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Hội tin học TP. Hồ Chí Minh nhận định, trong bối cảnh hội nhập quốc tế, muốn tạo ra bứt phá trong sản xuất thì chuyển đổi số là giải pháp tối ưu và cần thiết. Chuyển đổi số thu được nhiều lợi ích khi mà hoạt động sản xuất, kinh doanh ngày càng gắn chặt và phụ thuộc vào nền kinh tế số. Chính băn khoăn trong việc chậm chuyển đổi số sẽ làm mất đi cơ hội của DN.

Ông Lê Nguyễn Hồng Phương, Chủ tịch Hội đồng quản trị BIT Group khẳng định, trong cuộc cạnh tranh để giữ và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, DN nào chuyển đổi số nhanh sẽ chiếm được nhiều lợi thế. Bởi DN tham gia vào chuyển đổi số, phát triển thương mại điện tử càng sớm thì càng tạo ra được nhiều giá trị gia tăng và gặt hái được nhiều thành công so với sản xuất, kinh doanh truyền thống.

Trên thực tế, cái khó của DN Đắk Lắk là đa phần có quy mô vừa và nhỏ nên nguồn vốn đầu tư cho sản xuất, kinh doanh có hạn. Tuy nhiên, theo ông Phương, chi phí để đầu tư kinh doanh không còn là rào cản khi bắt đầu chuyển đổi số. Chẳng hạn, một DN khi bắt đầu khởi nghiệp chỉ cần đầu tư vài triệu đồng để kinh doanh online, trong khi giá trị thặng dư thu về khá cao, nhất là các ngành bán lẻ, tiêu dùng, dịch vụ, môi giới…

Chuyển đổi số đã mang lại hiệu quả tại Công ty Cổ phần Ban Mê Green Farm.

Bán hàng online cho thu nhập cao hơn so với bán hàng truyền thống, trong khi đầu tư về cơ sở hạ tầng ban đầu không cần phải nhiều. Ngày nay, kinh doanh online “lên ngôi”, người tiêu dùng có xu hướng mua bất cứ món gì đa phần đều lên mạng Internet để tìm kiếm. Ở Việt Nam, doanh thu online năm 2016 chỉ đạt 5 tỷ USD thì nay đã là 11 tỷ USD.

Có một số vấn đề tồn tại là hiện nay, nhiều DN của tỉnh Đắk Lắk vẫn lúng túng không biết thực hiện chuyển đối số từ đâu? Ứng dụng như thế nào để thay đổi mô hình tăng trưởng? Làm thế nào để kinh doanh online không vi phạm các quy định về thương mại điện tử? Làm sao để thông tin thị trường trở nên minh bạch?  Và còn nhiều khó khăn như: chưa có dữ liệu lớn cho ngành; kỹ năng ứng dụng, các bước để tăng hiệu quả trong kinh doanh online còn hạn chế…

Chia sẻ về vấn đề này Tiến sĩ Quách Ngọc Long, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần WORKIT cho rằng, trong chuyển đổi số, công nghệ là hỗ trợ, yếu tố con người mới trọng yếu. Trong đó, tư duy của người đứng đầu DN đóng vai quan trọng trong việc chuyển đổi số, căn bản DN có thực tâm muốn chuyển đổi và chuẩn bị cho bước đột phá hay không? Theo ông Long, DN nên có lộ trình chuyển đổi phù hợp với khả năng của mình để tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Muốn vậy, DN cần hiểu rõ tầm quan trọng của ứng dụng công nghệ vào sản xuất kinh doanh, tham gia vào chuyển đổi số để tăng sức cạnh tranh với hàng hóa cùng loại trên thị trường.

 Đỗ Lan

 


Ý kiến bạn đọc


(Video) Nâng cao vai trò, tiếng nói của phụ nữ dân tộc thiểu số huyện Buôn Đôn
Sau 3 năm triển khai Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em”, giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: 2021 - 2025 đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho phụ nữ, trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Buôn Đôn.