Multimedia Đọc Báo in

Trong những cánh rừng đất K

07:13, 27/07/2022

Trong cuộc chiến giúp nhân dân Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng và sau đó, giúp nước bạn gìn giữ chính quyền cách mạng còn non trẻ kéo dài hơn 10 năm (1979 - 1989), rất nhiều người lính trẻ Việt Nam đã ngã xuống trên đất nước Chùa Tháp. Chúng tôi đã theo chân nhiều cựu binh tình nguyện quân Việt Nam trở lại những vùng đất Kratie, ngã ba Snuol, cửa khẩu Poi Pet, Cao Melai… và chạm vào ký ức tuổi hai mươi của họ với những xúc động khôn nguôi khi tưởng vọng hương hồn đồng đội chốn quê người…

“Ngày giỗ trận” ở Takong Krao

“Bọn tôi quay lại thắp nhang cho anh em đồng đội đây, sống khôn thác thiêng thì khoan mưa đã, đợi cúng xong ra tới quốc lộ rồi hẵng mưa nha”, anh Phạm Sỹ Sáu - “nhà thơ của tình nguyện quân chiến trường K” và mấy anh em cựu binh cứ khấn thầm như vậy trên chuyến xe từ Quốc lộ 5 vào phum Takong Krao. Bầu trời vùng biên giới Tây Nam giữa Campuchia và Thái Lan vần vũ mây đen báo hiệu mùa mưa năm nay đến sớm.

Một thời tuổi trẻ tham gia tình nguyện quân ở Campuchia, các anh quá hiểu mưa xuống sẽ thế nào trên những con đường đất vào sâu trong các phum sóc gần biên giới Thái - Cam như thế này.

Cựu binh Phạm Sĩ Sáu thắp nhang viếng mộ liệt sĩ Nguyễn Việt Hùng.

Đã là ngày thứ ba chúng tôi theo chân các cựu binh của Trung đoàn 4, Sư đoàn 5 (E4, F5 - Quân khu 7) trở lại với chiến trường xưa ắp đầy ký ức của những năm tháng làm lính tình nguyện. Điểm đến sắp tới là Takong Krao, nơi từng xảy ra trận đánh bi tráng vào ngày 23/4/1980, trận đánh như một vết thương trong quân sử của sư đoàn mà những cựu binh của E4, F5 mỗi lần gặp nhau đều nhắc đến.

Hơn 60 người lính của Trung đoàn 4, Sư đoàn 5 đã lại nằm lại ngay trên những thửa ruộng của phum Takong Krao này trong trận đánh ấy. Trên trang Quân sử Việt Nam (Vn military history), những cựu binh tình nguyện quân chiến trường K vẫn góp nhặt ký ức để tái hiện chiến trận.

Anh Phạm Sĩ Sáu ngậm ngùi nhớ về những đồng đội rất trẻ đã nằm lại, trong đó có hạ sĩ Nguyễn Việt Hùng, một thanh niên nhập ngũ lứa “Hồng binh” của tuổi trẻ thành phố vào năm 1978. Vốn là Tiểu đội phó bộ binh nhưng Hùng lại hát hay, đàn giỏi, sáng tác được nhạc. Hùng là “thị dân” quận Ba, học sinh Trường Lê Hồng Phong. Chưa đủ tuổi nhưng anh đã tìm mọi cách để vào lính.

“Hùng rất có năng khiếu, mấy lần anh đề xuất rút Hùng về Ban Tuyên huấn Trung đoàn nhưng Hùng thích ở đơn vị hơn. Trước trận Takong Krao mấy ngày, gặp Hùng, anh nhắc lại việc đó, Hùng bảo: “Anh để em đánh trận này xong rồi sẽ về đội tuyên văn Trung đoàn với anh”. Vậy rồi Hùng hy sinh trong trận Takong Krao” - anh Phạm Sỹ Sáu hồi tưởng về người em - người đồng đội Việt Hùng như thế.

Thấy chúng tôi đang soạn đồ lễ cúng trên con đường đất băng ngang qua trảng ruộng, mấy người dân trong phum Takong Krao ra xem với vẻ tò mò. Một người dân cho biết: Năm trước, khi nạo vét hồ sen trước ngôi chùa của phum, dân đã tìm thấy hai bộ hài cốt, di vật kèm theo là chiếc bi đông của bộ đội tình nguyện Việt Nam, nhà chùa sau đó đã bàn giao lại cho đội quy tập hài cốt liệt sĩ…

Cao Melai - địa danh ám ảnh

Takong Krao được anh em cựu binh lưu dấu như một vết thương bởi trận chiến ngày 23/4/1980, nhưng địa danh ám ảnh nhất với những người lính tình nguyện Việt Nam trên đất bạn lại là Cao Melai - hay Phnom Melai, một nơi được mệnh danh là “thủ đô của mìn và sốt rét”.

Cao Melai gần như là hiện thân của tất cả những gì gian nan khốc liệt nhất của chiến trường K. Sau khi Campuchia được giải phóng, hầu hết tàn quân của Pôn Pốt cùng các sắc quân khác đều co cụm lên dọc theo biên giới, dọc dài từ vùng ngã ba biên giới Thái – Lào – Cam, qua rặng Dângrek phía Bắc Campuchia, qua Poipet, Pailin và xuôi về tận biển, nhưng những căn cứ mạnh nhất đều nằm dọc biên khu vực Cao Melai.

Các cựu binh cúng vọng đồng đội hy sinh ở Takong Krao.

Trung đoàn 4 của F5 được đưa lên đây trong giai đoạn đầu, nhưng sau đó địa bàn khốc liệt này được giao cho Trung đoàn 2, cũng thuộc Sư đoàn 5 nhưng đây là đơn vị có nhiều kinh nghiệm về trận mạc vùng biên bởi E2 vốn là Trung đoàn công an vũ trang (sau này đổi thành bộ đội biên phòng).

Trên hành trình thăm viếng hương hồn đồng đội, các cựu binh E4 đăng tải lên mạng hình ảnh về chuyến đi. Nhiều cựu binh chiến trường K đã vào bình luận bên dưới với những thông tin rất chi tiết về Cao Melai. Nhờ thế, tôi may mắn kết nối với anh  Nguyễn Đức Thảo, Đại úy, Đại đội trưởng Đại đội 5, Tiểu đoàn 2 của E2, F5 và anh Lê Trung Chánh, Thượng úy, Đại đội phó Đại đội 7, cùng Tiểu đoàn với anh Thảo. Anh Chánh là thương binh, với cánh tay phải đã gửi lại trên chiến trường đất bạn.

“Từ Việt Nam, lính mới bọn tôi chỉ một giờ đồng hồ máy bay là hạ cánh xuống Siem Reap, rồi theo xe cơ giới hành quân lên hướng Sisophon, hành quân bộ xuyên rừng mấy mấy hôm là đặt chân lên Cao Melai. Vào Cao Melai, về nhận đơn vị ở Tiểu đoàn, rồi xuống Đại đội, Trung đội, giữa trưa nắng mà chỉ huy Tiểu đoàn trùm kín chăn bông đứng “quán triệt”, về tới Đại đội thì chỉ huy ngồi trên ghế, cũng quấn chăn bông nhận quân. Những gương mặt lính cựu ai cũng vàng võ, tái mét, chúng tôi cứ nghĩ thế này thì làm sao đánh đấm, vậy mà hôm sau, tụi Pôn Pốt tập kích, anh em lại tung chăn, lao ra công sự phản kích, xong trận đánh lại lao về chụp vội cái chăn cuộn lên. Chỉ về đơn vị chưa được mười ngày, đã chứng kiến anh em lên cơn sốt rét chết ngay trước mắt…”, anh Thảo kể chậm rãi, quá khứ cứ như từng thước phim cứ hiện ra, rõ ràng từng chi tiết.

Thi thoảng anh Chánh lại bổ sung thêm. Câu chuyện về độ khốc liệt của chiến trường khu vực giáp biên Thái - Cam này sẽ khó đủ để kể hết, nhưng anh Thảo chỉ nói về một con số đủ cho tôi hình dung ra: “Sau ngày rút quân về nước, anh em trong đơn vị cũ đi tìm thăm mộ phần đồng đội, hầu như nghĩa trang nào cũng có mộ của anh em Tiểu đoàn 2. Chỉ riêng Tiểu đoàn tôi quân số duy trì khoảng 200 lính nhưng số anh em thương vong lên đến hơn 300 người.”

Cao Melai quá gần biên giới, đường vận tải tiếp liệu khó khăn, trong khi các căn cứ của quân Khmer Đỏ lại nằm áp sát biên giới. Lính Khmer Đỏ ở khu vực này hầu hết là những cựu binh sừng sỏ, trong khi lính ta lại quá trẻ. Tổn thất trong giao tranh đã đành, rất nhiều anh em lại hy sinh vì sốt rét, vì mìn.

Tư lệnh mặt trận Campuchia bấy giờ, tướng Lê Đức Anh sau khi thị sát đã cho các đơn vị lùi lại ra phía ngoài gần Quốc lộ 5 hơn. Tiểu đoàn anh Thảo lùi ra Mohon, một địa điểm nằm cách Quốc lộ 5 chừng 12 km nằm trên tuyến đường từ ngã ba Con Voi vào Cao Melai.

Sau sốt rét, sự tàn sát của mìn sát thương từ Cao Melai ra tới Mohon luôn là nỗi ám ảnh của lính. Mìn chất đầy các kho áp biên giới Thái từ viện trợ của nước ngoài. Đám tàn quân này thông thuộc địa hình, địa vật nên đêm đêm mò ra gài mìn dày đặc, chúng lại lắm mưu mẹo nên anh em rất khó mà không bị dính.

Trong hồi ức khi đơn vị đóng ở Mohon, anh Thảo vẫn khó quên chuyến đi của hai mươi anh em trong đơn vị ra phía ngoài Trung đoàn bộ để nhận quân nhu. Không ngờ chuyến mang hàng trở về ấy, một người trong đội dẫm phải mìn KP2. Quả mìn KP2 ấy đã cưới đi sinh mạng gần chục anh em trong đội.

Đã ba mươi lăm năm qua rồi, nhớ về chuyến đi tiếp liệu của anh em trong đơn vị, anh Thảo vẫn còn đau: “Cả một đoàn đi như thế mà chỉ nhận được chưa đến 20 kg đậu xanh từ ngoài Trung đoàn. Coi như cái giá mất một tay súng của Tiểu đoàn chúng tôi chỉ đổi được chưa đến hai ký đậu xanh”. Chiến tranh luôn có những điều phi lý như thế!

Lê Đức Dục


Ý kiến bạn đọc