Multimedia Đọc Báo in

Cội nguồn Pắc Bó

15:41, 03/09/2021

Năm 2012, nhân dịp Quốc khánh 2-9, tôi cùng đoàn văn nghệ sĩ - báo chí tỉnh Đắk Lắk hành hương xứ Bắc tìm về chiến khu Việt Bắc để phần nào cảm nhận sự gian khổ hy sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh và các bậc tiền bối cách mạng.

Đích đến đầu tiên là khu vực Pắc Bó thuộc huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng. Non xanh nước biếc trùng vây, dù đường đi đã dễ dàng hơn nhưng vẫn vất vả khi leo lên tận hang Cốc Bó, nơi Bác Hồ làm việc sau khi về nước mùa Xuân năm 1941.

Cảnh quan nơi này được Bác khái quát trong bài thơ “Pắc Bó hùng vĩ”: Non xa xa nước xa xa/Nào phải thênh thang mới gọi là/Đây suối Lê Nin, kia núi Mác/Hai tay xây dựng một sơn hà.

Chính Người đã đặt tên cho suối, cho núi, khẳng định con đường của cách mạng Việt Nam là theo chủ nghĩa Mác – Lênin. Bài thơ tràn đầy niềm tin vào thắng lợi cuối cùng của dân tộc.

Chủ tịch Hồ Chí Minh trong phòng làm việc tại căn cứ Việt Bắc. Ảnh tư liệu

Theo dòng hồi tưởng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp về giai đoạn này càng thương Bác hơn: “Khi Bác ở hang, khi ở hốc núi, khi ở trong một bụi rậm. Giường nằm là dăm ba cành cây, đôi lúc chỉ một mớ lá… Bác sốt rét luôn. Thuốc men hầu như không có gì. Cái ăn cũng rất thiếu. Món ăn quý giá anh Lộc dành riêng bồi dưỡng cho Bác hằng ngày là ít nước cơm chắt… Gạo không có, Bác cũng như các anh khác phải ăn toàn cháo bẹ hằng tháng ròng”. Trong bài “Tức cảnh Pắc Bó”, Bác Hồ đã phản ánh một phần thực trạng này: Sáng ra bờ suối, tối vào hang/Cháo bẹ, rau măng đã sẵn sàng/Bàn đá chông chênh dịch sử Đảng/Cuộc đời cách mạng thật là sang.

Chúng tôi đã đến nơi Bác ngồi câu cá, đã tới bên hòn đá làm bàn viết của Người ngồi dịch luận cương của Lênin, bên cạnh là cây ổi Bác lấy lá đun nước uống và chữa bệnh. Ở đây, Bác viết diễn ra “Lịch sử nước ta” bằng thơ lục bát tổng kết chiến công của dân tộc qua bốn ngàn năm đầy tự hào. Cuối cùng Bác ghi “Việt Nam Độc lập 1945”, mọi người thắc mắc thì Bác cười: “Để rồi xem!”. Lời tiên đoán đã thành hiện thực. Ở đây, ra báo Việt Nam Độc lập (gọi tắt là Việt Lập). Do giấy mực khan hiếm, khổ nhỏ và để tuyên truyền dễ đi vào quần chúng, Bác chỉ cho phép bài viết dưới một trăm chữ.

Chính ở nơi này, Hội nghị Trung ương lần thứ tám do Bác chủ trì quyết định thành lập Mặt trận Việt Minh, đề ra chuẩn bị vũ trang khởi nghĩa. Bác đã viết thư kêu gọi đồng bào cả nước: “Việc cứu nước là việc chung, ai là người Việt Nam đều phải kề vai gánh vác một phần trách nhiệm… Hỡi các chiến sĩ cách mạng, giờ giải phóng đã đến! Hãy phất cao cờ Độc lập lãnh đạo toàn dân đánh tan thù chung. Tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc đang vang dội bên tai các đồng chí! Máu nóng của các bậc anh hùng đang sôi sục trong lòng các đồng chí”. Lời hiệu triệu tâm huyết của Bác gây tác động lớn trong đồng bào, đồng chí suốt từ Bắc tới Nam.

Khu vực Pắc Bó là bảo tàng sống động của Cách mạng Việt Nam thời kỳ "trứng nước". Đến đây không chỉ là đến thăm mà là thanh lọc tâm hồn mình, như Tố Hữu đã viết: “Yêu Bác lòng ta trong sáng hơn”.

Cũng chính từ nơi này đề ra quốc sách: mở rộng vùng giải phóng, thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân, chuẩn bị Nam tiến, chuyển dần về xuôi để lãnh đạo cách mạng. Tháng 5-1945 Bác Hồ rời Pắc Bó về Tân Trào xưa có tên là Kim Long, khi cao trào chống Nhật lên cao như triều dâng mới đổi tên là Tân Trào.

Địa điểm mới được chọn đúng như ý của Bác: Thuận đường tiến, tiện đường thoái. Tân Trào có sông Phó Đáy, có núi Hồng che chở, có đường liên lạc thuận lợi sang Thái Nguyên xuống Phú Thọ về xuôi. Đặc biệt là thế trận lòng dân, Tân Trào nằm trong vùng cơ sở cách mạng phát triển sớm, thuận lợi cho một trung tâm lãnh đạo, Tổng khởi nghĩa.

Chính ở Tân Trào, Bác đã chỉ đạo Hội nghị toàn quốc của Đảng vào ngày 14 và 15-8-1945; thành lập Ủy ban khởi nghĩa toàn quốc và thành lập Bộ Tư lệnh Giải phóng quân Việt Nam. Tổ chức Quốc dân Đại hội ngày 16-8-1945, bầu ra Ủy ban Giải phóng dân tộc. Bác được bầu làm Chủ tịch và đọc lời tuyên thệ: “Trước lá cờ thiêng liêng của Tổ quốc, chúng tôi nguyện kiên quyết lãnh đạo nhân dân tiến lên, ra sức chiến đấu với quân thù, giành độc lập cho Tổ quốc. Dù phải hy sinh đến giọt máu cuối cùng quyết không lùi bước. Xin thề!”. Các đại biểu dự lễ xuất quân tại gốc đa Tân Trào, tiến về xuôi. Chỉ một tuần lễ cách mạng đã thành công trong cả nước để có ngày mùng 2-9-1945, tại Quảng trường Ba Đình, Bác đọc Tuyên ngôn Độc lập khai sinh nước Việt Nam mới.

Điểm lại giai đoạn lịch sử kiêu hùng, càng biết ơn Bác Hồ cùng các bậc tiền bối cách mạng đã cống hiến cả cuộc đời cho dân, cho nước mà khởi nguồn từ Pắc Bó để phát tích ở Tân Trào.

Hữu Chỉnh

 


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.