Multimedia Đọc Báo in

Bảo vật Quốc gia Mukhalinga tại Thánh địa Mỹ Sơn

09:05, 06/11/2016

Thánh địa Mỹ Sơn (huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam) là một chuỗi những công trình thể hiện đỉnh cao nghệ thuật kiến trúc Chămpa được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới.

Trong rất nhiều hiện vật còn lại tại đây có tượng Mukhalinga rất độc đáo và quý giá. Tượng Mukhalinga đã được Thủ tướng Chính phủ đã ra quyết định công nhận là Bảo vật Quốc gia vào đầu năm 2015. Có thể nói, đây là Mukhalinga độc nhất vô nhị tại Việt Nam.

 

Với những giá trị văn hóa và nghệ thuật rất đặc biệt, Mukhalinga tại Mỹ Sơn là một trong những Mukhalinga đẹp và độc đáo nhất, không chỉ của Chămpa mà còn của cả khu vực Đông Nam Á thời cổ.

 
 
 

Vào ngày 15-11-2012, sau một trận mưa lớn, tại Khu Di tích và Du lịch Mỹ Sơn đã phát lộ một Mukhalinga bằng đá cát màu xám, cao 126,5 cm và gần như còn nguyên vẹn. Mukhalinga được thể hiện như một Linga gồm ba đoạn có chiều cao bằng nhau (mỗi đoạn cao 42 cm) và có chiều rộng cũng bằng nhau (41,5 cm): đoạn dưới có đế vuông (Brahmabhaga), mỗi cạnh dài 41,5 cm; đoạn giữa có đế hình bát giác (Visnubhaga) với các mặt đối xứng rộng 18 cm và 16,5 cm; đoạn trên hình trụ hơi vồng lên ở chóp (Rudrabhaga) có đường kính 41,5 cm (bằng chiều dài chiều rộng của mỗi phần). Điều đặc biệt khiến hiện vật này được gọi là Mukhalinga chứ không phải là Linga là trên phần trụ tròn, tại vị trí bên trên lớp da mỏng của đầu sinh thực khí (dương vật), nhô ra chiếc cổ và đầu tượng thần Siva. Chiếc đầu tượng được tạc liền khối với Linga có chiều cao 23 cm, chiều rộng 13,5 cm và có búi tóc cao 5,5 cm.

Mukhalinga được  trưng bày  tại Khu  Di tích  và Du lịch  Mỹ Sơn.
Mukhalinga được trưng bày tại Khu Di tích và Du lịch Mỹ Sơn.

Đây là chiếc Mukhalinga (Linga có hình mặt hay đầu thần Siva) đầu tiên được phát hiện tại Việt Nam. Mukhalinga là một hiện vật gốc, độc bản. Điều đáng quý nữa là hiện vật này vẫn còn khá nguyên vẹn. Đây là một Mukhalinga điển hình, được thể hiện với đầy đủ những chuẩn mực về hình dáng và ý nghĩa biểu tượng. Khuôn mặt vị thần của Mukhalinga được tạo khối xung quanh đôi mắt và ở bên cạnh mũi nên có tính hiện thực cao, rất tự nhiên và sống động. Các nhà nghiên cứu sau khi so sánh niên đại của Mukhalinga này vào đầu thế kỷ thứ 8 cũng như vị trí phát hiện của nó tại góc Đông Bắc tháp Mỹ Sơn E1 đã đi đến kết luận: Nhiều khả năng đây chính là Linga được thờ trên Đài thờ Mỹ Sơn E1 (một kiệt tác của nghệ thuật điêu khắc Chămpa, từng được công nhận là Bảo vật Quốc gia năm 2012), được nhắc đến trong các văn bia Chăm tìm thấy tại di tích Mỹ Sơn. Vì vậy, tác phẩm này được đánh giá là một kiệt tác của nền điêu khắc Chămpa dựa trên phong cách thể hiện cũng như giá trị lịch sử của chính nó.           

Lê Khắc Niên


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.