Multimedia Đọc Báo in

Cây hoa báo hiếu trong văn hóa tâm linh người Tày

12:11, 17/02/2017

Cây hoa báo hiếu trong đám tang là một trong những nét văn hóa mang đậm bản sắc dân tộc của người Tày ở xã Cư M’gar, huyện Cư M’gar. Hoa báo hiếu thể hiện tấm lòng của con cháu đối với người đã khuất.

Xã Cư M’gar hiện có 81 hộ dân tộc Tày sinh sống chủ yếu ở các thôn 2, 3, 5 và 7. Phần lớn người Tày đều di chuyển từ Cao Bằng vào xã Cư M’gar lập nghiệp từ năm 1990. Anh Y Thôn Niê, cán bộ văn hóa xã Cư M’gar cho biết, qua nhiều năm sinh sống tại đây, người Tày vẫn giữ được nhiều phong tục độc đáo, trong đó có Lễ hội Lồng Tồng được tổ chức hằng năm vào dịp Tết Nguyên đán hay Lễ báo hiếu trong các đám tang với tín vật chủ đạo là cây hoa giấy. Trong đời sống tâm linh của người Tày, khi gia đình có người thân mất, con cháu trong nhà sẽ phải làm cây hoa giấy để báo hiếu và làm tín vật đưa đường cho người thân sang thế giới bên kia. Tục lệ này đã trở thành nét văn hóa ăn sâu vào tiềm thức của mỗi người Tày, đến nay vẫn không hề thay đổi.

Chị Chu Thị Nơm ở thôn 7, xã Cư M'gar làm cây hoa báo hiếu để bán cho người Tày trong vùng.
Chị Chu Thị Nơm ở thôn 7, xã Cư M'gar làm cây hoa báo hiếu để bán cho người Tày trong vùng.

Ông Lý Văn Mào (SN 1951), một già làng người Tày có uy tín ở thôn 5 cho biết, cây hoa báo hiếu chỉ xuất hiện trong văn hóa tang ma. Nó có một ý nghĩa quan trọng trong đời sống tâm linh của của dân tộc Tày. Cây hoa này dùng để thể hiện lòng hiếu thảo của con cháu, đặc biệt là người con, cháu gái đối với ông bà, cha mẹ khi họ mất đi. Đồng thời nó còn mang ý nghĩa mong cho người đi được vui vẻ, linh thiêng để phù hộ, chúc phúc cho con cháu ngày ngày được vui vẻ. Người Tày thường gọi cây hoa này là “co zọoc”. Cây hoa trong đám ma của người Tày ở các tỉnh phía Bắc phân theo tầng lớp con cái, cháu chắt, anh em họ hàng nội, ngoại. Con trai, con gái, cháu ruột và cháu họ, ai cũng phải làm một cây hoa riêng để báo hiếu, cảm ơn công lao chăm sóc, dạy dỗ của cha mẹ, ông bà. Tùy theo cấp bậc, vai vế trong gia đình cây hoa sẽ có hình dáng to nhỏ, số vòng, dây hoa khác nhau. Tuy nhiên, khi di cư vào Đắk Lắk, phong tục làm cây hoa báo hiếu trong đám tang đã có nhiều thay đổi. Việc làm hoa báo hiếu chỉ bắt buộc với con gái, còn con trai có thể làm hoặc không làm. “Người Tày quan niệm con trai là người ở với cha mẹ và phụng dưỡng họ, còn con gái lớn lên phải gả chồng nên khi cha mẹ nằm xuống là cơ hội để thể hiện tấm lòng hiếu kính qua cây hoa. Người Tày ở xã Cư M’gar cũng không còn giữ quan niệm nhất thiết phải tự tay làm cây hoa báo hiếu mà có thể mua hoặc nhờ làm giúp nếu không có đủ thời gian. Cây hoa của chị cả phải cao, to hơn của các em, số dây trên mỗi tầng phải hơn 13. Con trai nếu có làm cây hoa thì cũng đơn giản, ít hoa hòe hơn, ít tầng hoa hơn con gái. Ngoài lễ vật bắt buộc là cây hoa giấy, người con gái còn chuẩn bị một mâm cỗ gồm: bánh giày, một con lợn hoặc gà để cúng cho người mất”, ông Mào cho biết thêm.

Cách làm cây hoa báo hiếu mới đầu nhìn thấy có vẻ đơn giản nhưng khi bắt tay vào lại thấy vô cùng cầu kỳ và tỉ mỉ. Những bông hoa được làm từ các loại giấy đủ màu sắc. Thân làm từ cây tre, nứa. Mỗi cây đều cần có một cái đế để làm điểm tựa vững chắc khi đứng. Cây hoa càng to, đẹp và rực rỡ thì càng thể hiện sự công phu của người làm. Gia đình nào càng có điều kiện thì cây hoa sẽ càng đẹp, càng rực rỡ. Một người thường phải làm tới 3 ngày đêm liên tục mới xong được một cây hoa báo hiếu. Chị Đàm Thị Hoa ở thôn 5 kể, bố chị mới mất cách đây hơn 1 tháng. Lúc bố mới mất, chị Hoa sợ không kịp làm xong cây hoa để đưa bố qua thế giới bên kia nên phải nhờ 3 người nữa làm cây hoa để thể hiện tình cảm và đền đáp công ơn sinh thành của bố. Bốn người phải làm suốt một ngày ròng thì cây hoa báo hiếu mới hoàn thành.

Trong tất các các đám tang của người Tày ở Cư M’gar đều có sự hiện diện của cây hoa báo hiếu, đặc biệt là những gia đình có con gái. Cây hoa sẽ trở thành tín vật linh thiêng và quan trọng để đưa người mất qua thế giới bên kia được suôn sẻ. Với người Tày, ai nằm xuống mà không có cây hoa trong đám tang sẽ bị coi là vô phúc.

Khả Lê


Ý kiến bạn đọc