Multimedia Đọc Báo in

Một số phong tục cắt tóc, xâu tai, cà răng, căng tai của người M’nông

06:10, 04/05/2012

Theo phong tục tập quán của người M’nông, trẻ em sinh ra khoảng hơn một tuổi là phải bắt đầu thực hiện những thủ tục để bước vào giai đoạn trưởng thành.

Một trong những nghi lễ đầu tiên là đứa trẻ phải thực hiện việc cắt tóc. Cha đứa trẻ sẽ làm lễ krah sok (cắt tóc) cho đứa trẻ. Ông dùng dao sắc cắt bỏ những sợi tóc tơ của đứa trẻ đã có từ trong bụng mẹ. Từ nay, tóc của đứa trẻ mọc lên mới là tóc đã trưởng thành. Những sợi tóc tơ bị cắt ra, không được vứt bỏ mà phải để trong một ống tre có nắp đậy, gọi là đing sok (ống đựng tóc). Đing sok cùng với ding pur (ống đựng nhau, rốn của đứa trẻ), pêh koh pur (con dao cắt rốn đứa trẻ) và xâu cườm đỏ đeo cổ dùng trong lễ mở mắt đứa trẻ (nhong gur kai măt) phải được giữ gìn hết sức cẩn thận và bảo quản cho đến tận cuối đời của một con người. Sau lễ krah sok, cha mẹ đứa trẻ phải làm lễ cúng thần linh một vò rượu và một con gà, để thỉnh báo với các vị thần linh lễ cắt tóc cho đứa trẻ đã được thực hiện.

 Cụ bà người M’nông với  đôi  dái tai căng rộng để đeo trang sức ống nứa.
Cụ bà người M’nông với đôi dái tai căng rộng để đeo trang sức ống nứa.

Khi đứa trẻ chừng ba, bốn tuổi, cha mẹ phải chuẩn bị làm lễ chuh tôr (lễ xỏ tai) cho con. Trẻ con Bu Nong vào độ tuổi này đều bắt buộc phải xỏ tai, bất kể con trai hay con gái. Việc xỏ tai cũng chứng tỏ đứa trẻ đã bước vào một giai đoạn trưởng thành của cuộc đời. Người Bu Nong cho rằng, việc xỏ lỗ tai cho trẻ sẽ làm cho hồn của nó vui lòng vì từ nay đứa trẻ đã có thể đeo chiếc vòng tai bằng ngà voi như người lớn. Nếu không xỏ tai cho trẻ, hồn (yôn) của nó sẽ buồn mà bỏ về bon phan (làng ma) và đứa trẻ sẽ chết. Sau khi xỏ tai đứa trẻ, cha mẹ cũng phải làm một lễ cúng để thỉnh báo với tổ tiên, với các vị thần linh bảo hộ gia đình, làng xóm đứa trẻ đã vượt qua một chặng nữa trong cuộc đời. Lễ vật trong lễ chuh tôr cũng gồm một vò rượu và một con gà.

Cụ ông người M’nông với  hàm răng trên  được  cà sát nướu.
Cụ ông người M’nông với hàm răng trên được cà sát nướu.

Khi đứa trẻ ở vào độ tuổi từ sáu đến mười hai tuổi, cha mẹ của đứa trẻ tiến hành làm lễ khôm tôr (lễ thổi tai) cho con. Lễ thổi tai có thể được tổ chức riêng cho mỗi đứa con trong gia đình hoặc tổ chức cùng một lúc cho nhiều cháu ở trong độ tuổi đó. Lễ thường được tổ chức vào lúc nửa đêm, tháng tám, ngày trăng tròn (một sự trùng hợp ngẫu nhiên vào đêm trung thu, theo lịch của người Việt). Vào ngày trăng tròn tháng tám, đợi lúc nửa đêm, cha mẹ dẫn con (một hay vài đứa) đến ngã ba của một dòng suối gần nhà nhất. Họ múc nước hợp lại của cả hai dòng suối, gội đầu cho từng đứa trẻ. Nước suối hòa với bột vỏ bồ kết trộn thêm bát ngải thổi tai (gun rlong tôr, loại ngải không biết lấy từ đâu, loại cây nào. Người Bu Nong thấy khỉ thổi tai cho con để lại, liền lấy để dùng). Những đứa trẻ được tắm gội đầu sạch sẽ, thay áo khố mới (áo khố cũ đang mặc trên người phải giặt sạch ngay tại suối đó). Cha mẹ đứa trẻ lấy cây tôt thôn, cắt làm ống thổi rồi bẻ lát ngải gun rlong tôr làm hai mảnh, đặt vào lỗ tai. Người cha khẩn cầu thần linh giúp cho những đứa con mình đôi tai thính, thông minh sáng dạ, học các câu nói vần, luật tục, kể gia phả, cổ tích, sử thi… phải giỏi hơn người, học dệt, học đan lát, làm ra các đồ dùng phải khéo léo hơn người… Cầu khấn xong, cha đứa trẻ dùng ống tôt thôn thổi vào tai con mình. Mỗi bên tai, chỉ thổi một lần. Nếu thổi một hơi, miếng ngải trong tai văng ra ngoài, có nghĩa là đứa trẻ đó thông minh lanh lợi, học hành sáng dạ. Nếu người cha thổi một hơi mà miếng ngải vẫn dính trong tai thì đứa trẻ đó học hành chậm tiếp thu. Sau khi thổi ngải, cha mẹ dẫn các con về nhà và tổ chức cho chúng làm việc ngay. Con gái bắt tay và kéo chỉ, dệt vải, con trai đan gùi, đan nia… Cha mẹ còn kể gia phả, đọc các câu luật tục, hát kể Ót N’rong… cho các con nghe. Những đứa trẻ mê say các câu chuyện cổ, có thể thức luôn đến sáng. Sau đó, cha mẹ các đứa trẻ còn dặn dò con cái một số điều phải kiêng cữ sau khi làm lễ khôm tôr: không được liếm tay hoặc các ngón tay, không được liếm đũa bếp, không được ăn bốc cơm ở đầu nồi, phải kính trọng cha mẹ, anh chị, phải siêng năng cần cù, chịu khó, học hỏi những điều hay lẽ phải, phải thương yêu các em… Lễ khôm tôr không phải cột rượu, giết gà mà chỉ cần một con gà và một chiếc cào cỏ để đổi lấy ngải, nếu nhà mình chưa có.

Sau lễ thổi tai là lễ cà răng (ot sek) và lễ căng tai (chuih tor) cho các chàng trai và cô gái vào tuổi 15-17 để chuẩn bị lấy chồng lấy vợ, xây dựng cuộc sống gia đình. Nghi lễ cà răng, căng tai cũng có một ché rượu, một con gà để cúng thần linh. Sau khi cúng thần linh, cha hoặc mẹ của chàng trai, cô gái đưa con ra suối dùng đá mài cà hai hàm răng cho bằng nhau. Cứ một ngày làm một lần, sau một tuần thì việc cà răng được kết thúc. Các chàng trai, cô gái có đôi hàm răng trắng bằng nhau, trông khá đẹp và xinh xắn. Còn việc căng tai thì sau lễ cúng thần linh, bố mẹ của các chàng trai, cô gái xâu vào tai các con những vòng đồng có buộc khúc gỗ tròn bằng ngà voi. Việc đeo khúc gỗ này phải thực hiện trong 6 tháng hoặc 1 năm thì hai dái tai mới được căng dài theo quy định của phong tục cộng đồng. Đây là một phong tục bắt buộc, là nét thẩm mỹ của người M’nông cổ đại, nhằm hướng các thành viên vươn đến chân- thiện – mỹ của cộng đồng.

Trương Bi


Ý kiến bạn đọc