Multimedia Đọc Báo in

Xuân về trên đồi 519 lịch sử

10:13, 12/02/2015

Chúng tôi đến thăm ngọn đồi 519 - một chứng tích gắn với những chiến công của Trung đoàn 25 anh hùng nằm bên Quốc lộ 26 đoạn đi qua thôn 1, xã Ea Pil (huyện M’Drak) vào những ngày cuối năm. Giữa lưng chừng quả đồi nay đã được phủ xanh, một đài tưởng niệm đã được xây dựng uy nghiêm nhằm khắc ghi những chiến công và hy sinh các chiến sĩ trung đoàn ngày ấy.

Trên bia đá tại đài tưởng niệm, ngoài danh sách các liệt sĩ được ghi công, còn có những dòng giới thiệu về đơn vị: Trung đoàn 25 là trung đoàn chủ lực - cơ động - tinh nhuệ, đã có những chiến công vẻ vang như: diệt gọn đại đội bảo an, phá khu Dồn xã 23 (thuộc H5), giải phóng hơn 4000 dân, đưa 700 đồng bào về căn cứ an toàn (1972); chiếm lĩnh khu vực Hà Lan, cắt đường 14, suốt 30 ngày đêm kiên cường bám trụ đập tan âm mưu “Tràn ngập lãnh thổ, chiếm đất giành dân” của địch (1973); đánh bại cuộc hành quân lấn chiếm vùng giải phóng tại Bắc Pleiku (1973); tiêu diệt cứ điểm Ea Súp, diệt gọn tiểu đoàn 211 bảo an, giải phóng 1.000 dân để mở rộng vùng giải phóng (1974); mở màn chiến dịch mùa Xuân 1975, diệt gọn đại đội bảo an ở chốt Cư Asch (Chư Sê), cắt đứt triệt để đường 21, đánh đoàn xe của địch rút chạy về Nha Trang (đoạn qua đồi Chư Cúc), diệt 140 tên địch, cùng Sư đoàn 10 giải phóng quận lỵ Khánh Dương; tiêu diệt tiểu đoàn 6 và một đại đội tiểu đoàn 5 trên đèo Phượng Hoàng mở đường giải phóng Nha Trang; bao vây tiêu diệt địch ở căn cứ không quân Thành Sơn ở Phan Rang - Ninh Thuận (1975). Trong chiến dịch Tổng tiến công mùa xuân 1975, Trung đoàn 25 có 367 chiến sĩ hy sinh, đã góp phần không nhỏ vào việc giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. 

Du khách đến Đài tưởng niệm các liệt sĩ trên đồi 519.
Du khách đến Đài tưởng niệm các liệt sĩ trên đồi 519.

Trung đoàn 25 Bộ binh cơ động thuộc Bộ Tư lệnh B3 (Quân khu V) được thành lập ngày 15-9-1972, đóng quân tại vùng hậu cứ H5. Ngày 25-2-1975, đơn vị nhận nhiệm vụ quan trọng là cắt đường 21 (nay là Quốc lộ 26) tại cao điểm 519 thuộc huyện Khánh Dương, Khánh Hòa (nay là huyện M’Drak - Dak Lak). Trước nhiệm vụ khẩn trương này, trong vòng một tuần, Trung đoàn đã củng cố công sự, đào hầm kiên cố cho các vị trí quan trọng. Ngày 2-3, các đơn vị áp sát đường 21, bố trí trinh sát bám địch, bám đường. Đúng 4 giờ 30 ngày 5-3, tiểu đoàn 1 nổ súng tiêu diệt gọn đại đội ở đồn Chư Sê, tiểu đoàn 2 phá các lô cốt đầu cầu số 2, đồng thời, lực lượng công binh đánh sập cầu hòng tiêu diệt địch, tiểu đoàn 3 nhanh chóng chiếm cao điểm 519 và khống chế khu vực chân núi Cư Pa và cùng với các vị trí khác tạo thành tuyến phòng thủ: chặn đầu, khóa đuôi và đánh quyết chiến điểm.

Sáng ngày 6-3, địch nã pháo và huy động máy bay ném bom đồn Chư Sê và cao điểm 519, huy động tiểu đoàn 207 pháo binh bắn đi trước rồi ồ ạt xông thẳng vào vị trí cầu số 2, bộ đội ta tấn công bất ngờ từ 3 phía không cho chúng rút, tiêu diệt hàng trăm tên địch, bắt sống tên tiểu đoàn trưởng và thu nhiều vũ khí. Ngày hôm sau, địch huy động máy bay trút hàng chục tấn bom xuống cao điểm 519 và nã pháo vào tuyến phòng thủ của ta. Chúng huy động 2 tiểu đoàn có xe tăng thiết giáp yểm trợ hùng hổ tiến đánh trực diện, nhưng bị quân ta tiến công từ nhiều hướng, nên phải quay lại huyện lỵ Khánh Dương. Những ngày sau đó, địch liên tục huy động máy bay trực thăng đổ quân, thả hàng chục tấn bom, bắn hàng trăm quả pháo vào cả vùng đóng quân của Trung đoàn. Nhưng trước sự kiên cường của các chiến sĩ Trung đoàn 25, địch không thể lọt qua được vị trí này. Ngày 10-3-1975, Buôn Ma Thuột được giải phóng, cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 25 được chỉ đạo ngăn chặn không cho địch tiếp ứng lên Buôn Ma Thuột. Ngày 11-3, địch huy động đến 11 tiểu đoàn lính biệt động, lính dù, dưới sự yểm trợ của pháo binh, xe tăng, máy bay trực thăng với quyết tâm phá tuyến phòng thủ của Trung đoàn hòng chiếm lại Buôn Ma Thuột. Chúng vấp phải sự kháng cự quyết liệt của ta kiên cường trên cao điểm 519, buộc phải rút lui và đến ngày 22-3-1975, đơn vị đã giải phóng được toàn bộ huyện Khánh Dương.

Đến thăm quả đồi gắn với những chiến công đã đi vào lịch sử và nghe những câu chuyện, trận đánh về “trung đoàn thép” năm xưa, càng thấm thía hơn những hy sinh, mất mát của các thế hệ đi trước cho hòa bình hôm nay. Nhằm bảo tồn và phát huy những giá trị của địa danh lịch sử này, xã Ea Pil đã giao cho đoàn thanh niên trông nom, dọn vệ sinh và tu sửa một số hư hỏng nhỏ khu vực xung quanh đài tưởng niệm. Bên cạnh đó, vào các ngày lễ Quốc khánh (2-9), ngày Thương binh Liệt sĩ (27-7), ngày thành lập Quân đội nhân dân (22-12) hay Tết Nguyên đán hằng năm, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân địa phương đều tổ chức tưởng niệm, hay mỗi dịp đại hội của Đảng bộ, các tổ chức đoàn thể xã đều tổ chức thắp hương báo công trước các liệt sĩ. Đồng thời, nhằm giáo dục truyền thống lịch sử cho thể hệ trẻ, các trường học ở đây cũng thường xuyên tổ chức các buổi đi thực tế đến địa danh này và mời các cựu chiến binh nói chuyện về Trung đoàn 25 và chiến công trên đồi 519. Hiện ngành văn hóa Dak Lak đang lập hồ sơ đề nghị công nhận Di tích lịch sử văn hóa cho địa danh này.

Đứng trên đỉnh đồi phóng tầm mắt ra xa sẽ thấy những ngôi trường cao tầng, những ngôi nhà mới khang trang sừng sững mọc lên giữa màu xanh bạt ngàn. Dọc theo chân đồi 519, trải dài đến dưới chân đèo Phượng Hoàng là những triền núi hình mai rùa liên tiếp, vẫn còn những khối đá lớn bên vệ đường hay rải rác ở các cánh đồng. Trong chiến tranh, đá là lô cốt che chở cho bộ đội trước bom đạn kẻ thù, hôm nay, sự sống đã hồi sinh, nảy mầm, xanh tươi trên vùng đất cằn đá sỏi. Những ngày đầu sau giải phóng, vùng đất này trở nên hoang tàn, nham nhở từng phiến đá lớn xen giữa những đám lau lách. Rồi người dân từ Phú Yên, Bình Định, Quảng Bình đến đây lập nghiệp ngày càng nhiều, họ khai hoang, trồng trọt để phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống mới ấm no. Giờ đây, dân cư vùng này trở nên đông đúc, cuộc sống có nhiều đổi thay nhờ một số loại cây trồng có hiệu quả kinh tế cao như mía, sắn và keo. Đặc biệt, bén duyên với mảnh đất này từ 20 năm nay, cây mía đã khiến cho cuộc sống của người dân Ea Pil thật sự khởi sắc, trong đó có nhiều người vươn lên làm giàu. Ông Vũ Viết Chuyền, Phó Chủ tịch UBND xã Ea Pil cho biết, trước đây mía chỉ được trồng ở những khu vực bằng phẳng, nhưng loại cây này có ưu điểm dễ trồng, lợi nhuận khá, nên người dân liên tục khai hoang mở rộng diện tích; giờ đây cây mía đã phủ kín khắp các quả đồi. Hiện toàn xã có hơn 80% số hộ dân trồng mía với tổng diện tích hơn 3.200 ha, bình quân khoảng 2 ha/hộ bằng các giống mía chất lượng cao, năng suất đạt 75 tấn/ha, trong đó, nhiều hộ canh tác 15 - 20 ha.

Gia đình ông Huỳnh Ngọc Thanh từ Phú Yên lên lập nghiệp tại vùng đất mới từ năm 1990, nay cuộc sống đã thật sự no đủ. Ông nhớ lại, những ngày đầu mới lên đây, địa hình toàn đồi trọc và sỏi đá, dân cư thưa thớt, con cái nheo nhóc, nên cuộc sống hết sức vất vả. Nhưng với bản tính cần cù, ông bắt tay vào cải tạo đất, trồng cây sắn, bắp vừa kiếm cái ăn, vừa tích góp để có vốn phát triển kinh tế gia đình. Đến nay, gia đình ông có 3 ha đất trồng mía, mỗi năm thu nhập hơn 100 triệu đồng sau khi trừ chi phí. Điều thuận lợi của người dân địa phương là cây mía được các nhà máy đường 333, Cam Ranh, Ninh Hòa, Cư Jút thu mua, đồng thời, nhiều hộ còn liên kết với các công ty mía đường để được hỗ trợ cây giống, phân bón và hướng dẫn kỹ thuật. Từ cây mía, nhiều hộ dân xung quanh đồi 519 đã vươn lên làm giàu, mà việc xây được nhà lầu, sắm xe ôtô là chuyện bình thường. Thời gian tới, bên cạnh mía là cây trồng chủ lực, địa phương sẽ mở rộng thêm diện tích sắn, cây ăn quả như nhãn, vải và phát triển chăn nuôi đại gia súc.

Từ một vùng đồi trọc lẫn đá sỏi do bị chiến tranh tàn phá trở thành mảnh đất xanh tươi với những ruộng mía, vườn cây là một câu chuyện hồi sinh kỳ diệu nhờ tình đất, tình người và bàn tay, khối óc của con người nơi đây. Mùa Xuân đã về trên đồi 519 lịch sử!

Minh Thông


Ý kiến bạn đọc