Multimedia Đọc Báo in

KỶ NIỆM 60 NĂM CHIẾN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ (7-5-1954 – 7-5-2014)

Cựu chiến binh Điện Biên Phủ và những ký ức hào hùng

15:19, 11/04/2014

Những cựu chiến binh Điện Biên năm xưa, nay đều đã ở cái tuổi “xưa nay hiếm”. Song ký ức về những năm tháng tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ cách đây 60 năm dường như vẫn không hề phai nhạt trong trí nhớ của những người lính già từng một thời xông pha lửa đạn…

“Hò dô ta nào, kéo pháo ta vượt qua đèo...”

Đối với ông Dương Văn Loát, hiện trú tại tổ dân phố 5, phường Ea Tam (TP.Buôn Ma Thuột), “đi bộ đội, đi theo cách mạng” là một bước ngoặt lớn, mang lại nhiều thay đổi cho cuộc đời.

Hằng năm ông Dương Văn Loát (hàng đầu, thứ hai từ trái sang) và các đồng đội  đều tổ chức gặp mặt nhân kỷ niệm Chiến thắng Điện Biên Phủ.
Hằng năm ông Dương Văn Loát (hàng đầu, thứ hai từ trái sang) và các đồng đội đều tổ chức gặp mặt nhân kỷ niệm Chiến thắng Điện Biên Phủ.

Mồ côi cha mẹ từ nhỏ, chàng trai quê lúa Thái Bình Dương Văn Loát phải lang thang kiếm ăn, ở đợ cho người khác. Năm 1952, ông Loát đi theo bộ đội, tham gia chiến đấu ở các đơn vị địa phương rồi được bổ sung vào bộ đội chính quy. Năm 1953, ông trở thành chiến sĩ Trung đoàn 367 cao xạ pháo 37 ly – đơn vị pháo cao xạ được thành lập ở Định Hóa, Thái Nguyên. Được sang tập huấn ở Trung Quốc, đến tháng 12-1953, đơn vị của ông hành quân bí mật về Tuyên Quang, sau đó tiến quân vào Điện Biên. Ông nhớ lại: “Từ địa điểm tập kết, chúng tôi được lệnh kéo pháo vào trận địa. Mỗi khẩu pháo nặng đến 2,4 tấn, nòng vươn cao lên trời, đường đi lại dốc, có nơi dốc cao đến 60 độ. Mỗi khẩu pháo phải huy động cả một đại đội kéo (khoảng 100 người), dùng dây rừng để làm tời, có 4 người làm nhiệm vụ chặn 4 bánh xe của khẩu pháo. Kéo pháo nặng nề khó khăn như vậy, lại thường xuyên bị máy bay và  pháo địch cản trở nên di chuyển rất chậm, nhích từng chút một, có đêm chỉ đi được chừng 1 km. Tháng 1-1954, sau khi kéo pháo vào trận địa, chúng tôi chỉ còn chờ lệnh tấn công; thế rồi lại được lệnh... kéo pháo ra. Kéo vào đã khổ, kéo pháo ra còn khổ hơn. Ai cũng thắc mắc, sau này mới biết chúng ta chuyển từ phương châm “đánh nhanh, thắng nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc”. Có thể nói, nhờ quyết định sáng suốt đó của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, chúng tôi mới còn sống đến ngày hôm nay”.

Sau hai tháng củng cố đội ngũ, đơn vị ông Loát lại được lệnh kéo pháo vào trận địa. Ông kể: “Ngày ấy Điện Biên Phủ có mật danh là Trần Đình. Ngày 13-3-1954, ngày mở màn chiến dịch, chúng tôi nhận lệnh: hôm nay không đánh Trần Đình mà chúng ta đánh Điện Biên Phủ. Đêm đó ta đánh cứ điểm Him Lam, pháo bắn sáng rực một góc trời, đến cả một cái kim cũng nhìn thấy; hôm sau thì đánh đồi Độc Lập...”. Đơn vị của ông Loát chiến đấu tại khu vực Mường Thanh. Cứ tối đến, đơn vị lại kéo pháo đến sát hàng rào Mường Thanh bắn máy bay, ngăn không cho chúng thả dù tiếp viện lương thực, vật dụng vào đồn giặc. Gần sáng lại kéo pháo ra, bố trí lại trận địa. Ông nhớ có lần khẩu đội của mình bắn rơi một chiếc máy bay B24. Chiếc máy bay khổng lồ rơi xuống một cánh rừng, bị một cây cổ thụ chọc thủng xuyên qua bụng. Cả đơn vị của ông tìm đến cánh rừng và chụp ảnh bên cạnh xác chiếc máy bay ấy. Giờ đây trong trí nhớ ông Loát vẫn in đậm tinh thần chiến đấu hăng hái, sục sôi của đồng đội, dù phải đối mặt với nhiều gian khổ, thiếu thốn. Ông bảo: Chiến đấu liên tục, không được nghỉ ngơi; ăn uống kham khổ, chỉ có cơm nếp gói thành bánh ăn với món mắm tôm đặc nhưng mọi người đều đồng lòng, hăng hái.

Sau chiến thắng ngày 7-5-1954, đơn vị của ông Loát còn ở lại thu dọn chiến trường, thu chiến lợi phẩm và giám sát địch vận chuyển thương binh cho đến tháng 7-1954 mới xong. Miền Bắc được giải phóng, ông Loát được đi học văn hóa, chuyển sang ngành địa chất, dầu khí. Tháng 3-1975, ông lại xung phong nhập ngũ, vào chiến trường Tây Nguyên, từ Kon Tum, sang Gia Lai và cuối cùng gắn bó với Dak Lak đến nay.

“Giọt nước trong biển cả chiến thắng”

Năm nay đã ngoài 80 tuổi nhưng ông Võ Trọng Phi ở phường Tân An (TP. Buôn Ma Thuột) vẫn rất nhanh nhẹn, giọng nói hào sảng. Nhắc đến Điện Biên Phủ, ông như sôi nổi hẳn lên, kể lại rành rọt từng ngày tháng, mốc sự kiện trong những trận đánh mình đã tham gia.

Ông Võ Trọng Phi
Ông Võ Trọng Phi

 “Cuối năm 1953, sau trận đánh Xiêng Khoảng ở Thượng Lào, đơn vị tôi (Đại đội 54, Tiểu đoàn 418, Trung đoàn 57, Sư đoàn 304) về Thanh Hóa để chỉnh huấn chính trị, chuẩn bị tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ - khi đó chỉ được biết với bí danh Trần Đình. Đầu năm 1954, sau khi ăn Tết Nguyên đán ở Phú Thọ, chúng tôi được chở bằng ô tô thẳng tiến đến Điện Biên Phủ. Bước vào chiến dịch với không khí khẩn trương, bí mật, Đại đội Bộ binh chúng tôi được điều đến khu B ở Hồng Cúm thực hiện theo phương án của cấp trên là “đánh nhanh - thắng nhanh” rồi chuyển sang “đánh chắc - tiến chắc”. Thời gian đầu, ban ngày chúng tôi rút vào rừng, ban đêm đào giao thông hào; từ nằm sấp để đào, đào được sâu hơn thì bắt đầu quỳ xuống để đào, rồi tiếp đó là có thể đứng đào được… Qua mỗi ngày, các đường hào lại kéo dài thêm; cứ thế lấn dần, tiến về phía đồn địch. Có những hôm quân Pháp đưa máy bay thả dù tiếp tế, chúng tôi phục kích sẵn đoạt các dù tiếp tế, một mặt làm giảm tiếp tế của quân địch, mặt khác để cải thiện bữa ăn hằng ngày và tăng cường đạn dược cho quân ta… Càng vào giai đoạn cuối của chiến dịch, không khí càng khẩn trương, quyết liệt hơn. Khi đơn vị chúng tôi đánh chiếm được đồn C, anh em chiến sĩ vào hầm nhìn thấy súng đạn quân địch để lại khi bỏ chạy thì phấn khởi, vui sướng lắm. Chúng tôi dùng súng đại liên của chúng bắn mấy phát chỉ thiên mừng thắng lợi. Địch rút chạy, đơn vị chúng tôi được lệnh truy kích, phối hợp cùng với các đơn vị khác bắt hết tàn quân địch. Đó là những ngày tháng hào hùng nhưng cũng rất ác liệt và nhiều hy sinh, mất mát. Tiểu đội tôi từ Thanh Hóa lên Điện Biên Phủ là 14 người, trải qua chiến đấu hy sinh gần hết, chỉ còn lại 4 người…”.

Những kỷ niệm, hình ảnh của một thời hào hùng như ùa về trong ký ức của ông. Đó là những lần kéo pháo vào, kéo pháo ra, rồi lại kéo pháo vào đổ bao mồ hôi trước trận đánh; là 29 ngày đào hầm, giao thông hào trên trận địa; là những nắm cơm nếp của đồng bào cưu mang ròng rã hơn 1 tháng trời trước khi có gạo ở miền xuôi đưa lên; là sự hy sinh anh dũng của bao đồng đội… Sau chiến dịch Điện Biên Phủ, với những đóng góp của mình, từ một chiến sĩ tiểu đội bộ binh, ông được thăng cấp lên Tiểu đội trưởng. Ông khiêm tốn nói: “Tôi chỉ là một giọt nước nhỏ trong biển cả góp phần làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ. Đây là chiến thắng của cả nước, của sự đoàn kết toàn dân, trên mọi mặt trận cùng chia lửa với chiến trường…”.

Vốn là con nhà nghèo không một tấc đất cắm dùi ở vùng quê của xã Hưng Xá, huyện Hưng Nguyên (tỉnh Nghệ An), ông Võ Trọng Phí xung phong tham gia vào quân đội năm 1951. Được điều về Sư đoàn 304 tham gia các chiến dịch đường 6 Hòa Bình, chiến dịch Thu – Đông 1952 ở Nam Định, tiến sang Thượng Lào đánh Xiêng Khoảng, rồi tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ khi mới đôi mươi – lứa tuổi thanh xuân, tràn trề nhựa sống và hừng hực khí thế, với ông, những chiến trường đã từng góp mặt, những niềm vui của tháng ngày sống trong quân ngũ, những mất mát, hy sinh… đều là những kỷ niệm được ông nâng niu, trân trọng suốt cuộc đời.

Củng cố niềm tin theo từng chiến thắng

Chiếc Huy hiệu Chiến sĩ Điện Biên có khắc dấu thời gian “Xuân 1954” đã hoen gỉ, tờ giấy khen của Bộ Tư lệnh Đại đoàn 804 dành cho chiến sĩ “anh dũng chiến đấu ở Điện Biên Phủ” đã ố vàng theo dấu tích thời gian… vẫn được ông Nguyễn Quang Bộc, xã Ea Tu (TP.Buôn Ma Thuột) trân trọng cất giữ như báu vật dù đã 60 năm trôi qua kể từ Chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.

Đã 60 năm trôi qua, ông Nguyễn Quang Bộc vẫn giữ được tờ giấy khen trong Chiến dịch Điện Biên Phủ.
Đã 60 năm trôi qua, ông Nguyễn Quang Bộc vẫn giữ được tờ giấy khen trong Chiến dịch Điện Biên Phủ.

Đang là một nhân viên của TAND huyện Thái Thụy (tỉnh Thái Bình), năm 1950 ông Bộc xung phong nhập ngũ khi mới tròn tuổi 18. Với trình độ văn hóa 7/10, ông được chọn đào tạo trở thành lính thông tin và biên chế về Đại đội thông tin (C 162), Trung đoàn 9, Sư đoàn 304. Tham gia từ chiến dịch Hoàng Hoa Thám, rồi đến chiến dịch Quang Trung ở Hà Nam Ninh, tiếp đó là chiến dịch Hòa Bình, Thượng Lào, rồi Điện Biên Phủ… ông trưởng thành dần theo tuổi quân. Những năm tháng hào hùng khi tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ có lẽ là những kỷ niệm không bao giờ phai nhạt trong trí nhớ của ông: “Sau khi chỉnh huấn chính trị ở Thanh Hóa, mùng 3 Tết Nguyên đán 1954 đơn vị tôi tiến về Điện Biên Phủ. Tính bí mật của chiến dịch rất cao, ngay cả tôi là Trung đội phó thông tin, luôn theo sát Sư đoàn trưởng mà cũng không biết được sẽ đánh ở chiến trường nào; chỉ đến cây số 59 mới biết là đơn vị tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ. Thật sự mà nói, dù tinh thần quân ta rất cao, rất quyết tâm nhưng nếu so sánh tương quan lực lượng lúc bấy giờ thì quân Pháp mạnh gấp nhiều lần, tổng số binh lực ở tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ lúc cao nhất là trên 16.000 tên, bố trí thành 49 cứ điểm nằm trong tám cụm cứ điểm được tổ chức liên hoàn với nhau, rồi lại hai sân bay Mường Thanh, Hồng Cúm…, khi ấy tôi cũng e ngại làm sao mà thắng được. Sau đó ta chuyển từ phương án “đánh nhanh - thắng nhanh” sang phương án “đánh thắng - tiến chắc”, mỗi người lính được trang bị thêm một chiếc xẻng để đào hầm, giao thông hào; đào tiến sát tới đồn địch mà đánh. Với 120 km đường hào ngang dọc, rồi có cả hầm phục vụ cho cả bệnh viện, văn công, chiếu bóng… giờ nhìn lại, tôi vẫn nghĩ đây là kỳ tích. Rồi chiến thắng Him Lam, đồi Độc Lập, Bản Kéo… nối tiếp nhau; khí thế và niềm tin chiến thắng ngày càng được củng cố, nâng cao.

Ban đầu máy bay thả dù tiếp tế cho quân địch bay khá thấp, sau đó bị quân ta “bắn rát” nên càng ngày bay càng cao; thậm chí có những đợt chúng thả dù tiếp tế sang… đơn vị bộ đội ta. Cũng từ những chiếc dù tiếp tế thu được của quân địch, thực phẩm đồ hộp, thuốc men, đạn dược của chúng tôi được tăng cường thêm phần nào… Đơn vị tôi được phân công đánh vào đồi A1. Do nằm ở vị trí trọng yếu bảo vệ tập đoàn cứ điểm của Pháp nên chiến sự ở đây diễn ra vô cùng ác liệt, ta và địch giành giật nhau từng tấc đất, mét giao thông hào. Lúc lực lượng địch còn mạnh thì quân ta hy sinh khá nhiều; chỉ cần chạy từ giao thông hào này sang giao thông hào khác là đã có thể bị thương… Tuy chiến sự căng thẳng, ác liệt là vậy nhưng trong những giờ phút thư giãn, giải lao chúng tôi vẫn được xem chiếu bóng, xem văn công biểu diễn văn nghệ…”.

Là Trung đội phó thông tin, trong chiến dịch ông Bộc luôn đeo hai chiếc máy bên người, đề phòng máy này hỏng còn có máy khác thay thế để kịp thời truyền tin cho các đơn vị. Nhờ sự nhạy bén, nhận thức nhanh, xử lý tình huống kịp thời, những mệnh lệnh của cấp trên được ông truyền đi có hiệu quả rất cao, đặc biệt là trong các lệnh điều pháo nên ngay sau thắng lợi của chiến dịch, ngày 7-5-1954, ông đã được Bộ Tư lệnh Đại đoàn 804 khen thưởng vì “đã có công anh dũng chiến đấu ở Điện Biên Phủ”. Ông tâm sự: “Chỉ tiếc là đúng vào đêm 6-5, tôi bị thương phải điều về tuyến sau nên không được chứng kiến giây phút tướng Đờ Cát đầu hàng. Sau này tôi có dịp về lại chiến trường xưa, nhìn những chứng tích của một thời đạn bom ấy lại càng tự hào hơn về kỳ tích của Chiến thắng Điện Biên Phủ oanh liệt, chấn động địa cầu…”.

Lan Anh – Hồng Thủy


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.