Multimedia Đọc Báo in

Suy thoái môi trường sinh thái - mối lo hiện hữu

15:27, 23/06/2021

Tình trạng ô nhiễm, suy thoái môi trường gây những tác động tiêu cực đến nhiều mặt đời sống khiến con người không khỏi âu lo, đi cùng đó là sự trăn trở tìm cách cải thiện tình hình.

Một vấn đề đáng quan ngại hiện nay là tình trạng ô nhiễm môi trường sinh thái do các hoạt động sản xuất và sinh hoạt của con người gây ra, ngày càng đe doạ trực tiếp đến cuộc sống người dân cũng như sự tồn tại, phát triển của các hệ sinh thái. Phần do ý thức, phần do thói quen mà nhiều người vẫn tùy tiện xả rác bừa bãi gây ô nhiễm môi trường, mất mỹ quan đô thị, đồng thời gây tắc nghẽn cống thoát nước dẫn đến úng ngập cục bộ.

Trong khi đó, việc quản lý chất thải rắn hiện nay đang là bài toán khó đối với cơ quan quản lý và chưa đáp ứng được yêu cầu về bảo vệ môi trường. Hầu hết chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh được xử lý bằng phương pháp chôn lấp và đốt, nhưng cách thức này cũng có nhiều nhược điểm khi mà một số điểm chôn lấp, xử lý chất thải sinh hoạt lại đang trở thành điểm gây ô nhiễm, tác động đến cuộc sống và sản xuất của người dân sống xung quanh.

Mô hình làm phân vi sinh từ rác thải sinh hoạt của một hộ dân trên địa bàn xã Hòa Phú (TP. Buôn Ma Thuột).
Mô hình làm phân vi sinh từ rác thải sinh hoạt của một hộ dân trên địa bàn xã Hòa Phú (TP. Buôn Ma Thuột).

Cùng với đó là nỗi lo về tình trạng ô nhiễm đất và nguồn nước sinh hoạt trong khu dân cư khi còn nhiều hộ dân phải sử dụng nước từ các giếng khoan, giếng đào không bảo đảm an toàn vệ sinh. Có một thực tế là những hóa chất độc hại chưa qua xử lý đã xả trực tiếp vào môi trường từ các nhà máy, khu công nghiệp, rác thải sinh hoạt từ các khu dân cư, từ sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật trong nông nghiệp, bể phốt, chất thải chăn nuôi… qua thời gian đã ngấm trực tiếp vào đất, gây ô nhiễm đất và nguồn nước ngầm. Đáng lo có những nguồn nước giếng khoan, giếng đào nhìn tưởng sạch bởi nó không màu, không mùi, nhưng thực tế đã bị nhiễm khuẩn Coliform và E.Coli (nguồn nước đã bị nhiễm phân), tùy mức độ nhiễm mà gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người dùng.

Việc tàn phá rừng cũng đã và đang gây ra nhiều hệ lụy. Rừng có vai trò to lớn trong việc chắn gió bão, giữ nguồn nước, chống xói lở, điều hòa không khí, nhưng nhiều diện tích rừng phòng hộ, rừng đầu nguồn bị chặt phá trong những năm qua là một nguyên nhân dẫn đến tình trạng biến đổi khí hậu, hiệu ứng nhà kính làm trái đất ấm dần lên, nước biển dâng cao, ô nhiễm môi sinh… Ngoài ra, ô nhiễm không khí cũng đang là thách thức lớn đối với cộng đồng và toàn xã hội. Cách đây 5 năm, khi các hoạt động xây dựng của các công trình, nhà máy, xí nghiệp, cơ sở sản xuất còn ít, phương tiện giao thông như ô tô chưa nhiều…, Sở Tài nguyên và Môi trường khảo sát hiện trường đã cho kết quả ở một số trục đường giao thông chính, khu vực đô thị có thời điểm nồng độ bụi và tiếng ồn đã vượt quy chuẩn cho phép. Đến nay, khi đời sống phát triển, các hoạt động nói trên cũng không ngừng gia tăng thì liệu tình trạng ô nhiễm không khí sẽ ra sao nếu chúng ta không kiểm soát tốt?

Phụ nữ thị xã Buôn Hồ tham gia trồng cây xanh.
Phụ nữ thị xã Buôn Hồ tham gia trồng cây xanh.

Trước những thực trạng trên, để bảo vệ môi trường sống đòi hỏi bản thân mỗi người nâng cao ý thức bắt đầu từ những hành động đơn giản nhất. Đó có thể là việc trồng thêm một cây xanh để tạo không khí trong lành; lên án, ngăn chặn những hành động phá rừng, đốt rừng bừa bãi; hạn chế sử dụng chất thải nhựa, túi ni lông, bỏ rác đúng nơi quy định... Song song đó, cơ quan chức năng cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về bảo vệ môi trường. Trong đó, cần phải có những biện pháp đủ mạnh để răn đe các đối tượng vi phạm; tăng cường công tác an ninh, thanh tra về môi trường; đồng thời, xây dựng hệ thống xử lý chất thải hiện đại để tránh xảy ra tình trạng ô nhiễm môi trường từ chính điểm xử lý chất thải..

Thúy Hồng