Multimedia Đọc Báo in

Xã Ea Wer (huyện Buôn Đôn): Bãi rác tạm bao giờ di dời?

08:18, 22/06/2021

Nước rỉ rác chảy trực tiếp ra môi trường, mùi hôi thối, ruồi nhặng, khói khét… từ bãi rác tạm của huyện Buôn Đôn ảnh hưởng đến đời sống của người dân các thôn 3, 4, 9 và Ea Duất của xã Ea Wer.

Bãi rác tạm được huyện quy hoạch, đưa vào sử dụng từ năm 2012, do công ty TNHH Môi trường Hoàng Phương Nam (gọi tắt là công ty) xử lý rác. Ban đầu chỉ là bãi rác trung chuyển nhưng sau chuyển thành bãi chứa rác của 7 xã: Ea Bar, Cuôr Knia, Tân Hòa, Ea Nuôl, Ea Wer, Ea Huar, Krông Na.

Bãi rác tạm nằm lộ thiên ở khu vực đất trũng giáp ranh giữa các thôn 3, 4, 9 và Ea Duất của xã Ea Wer, có diện tích hơn 1 ha. Do không được xây tường rào xung quanh nên rác tràn ra cả đường. Người dân sinh sống gần khu vực bãi rác đã nhiều lần phản ánh với UBND xã Ea Wer về tình trạng ô nhiễm, những bất cập trong khâu xử lý rác.

Khói nghi ngút  từ bãi rác tạm ở xã Ea Wer  (huyện Buôn Đôn)  ảnh hưởng đến  đời sống, sinh hoạt của người dân.
Khói nghi ngút từ bãi rác tạm ở xã Ea Wer (huyện Buôn Đôn) ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của người dân.

Trong những lần họp dân, công ty đã đưa ra quy trình xử lý rác là phun hóa chất và chôn lấp để tránh mùi hôi, khói và khi nào xử lý rác thải thì có đại diện các thôn giám sát. Song không hiểu vì sao, bãi rác tạm liên tục cháy, nhất là vào mùa khô nhưng chính quyền các thôn lại không hay biết thông tin! (PV). Về nguyên nhân bãi rác bị cháy, đại diện công ty cho rằng: do người dân sinh sống gần khu vực bãi rác hoặc những người đi nhặt ve chai đốt!

“Bãi rác tạm ngay phía sau nhà tôi, chưa đến 300 m. Chúng tôi rất ủng hộ việc thu gom rác thải tập trung để đảm bảo vệ sinh môi trường, nhưng ở đây rác không được phân loại, không xử lý, cứ thấy chở về là đốt và đốt; người trẻ còn không chịu được thì người già, trẻ em phải làm sao?”. 
Chị Tống Thị Hoài, thôn 4 (xã Ea Wer, huyện Buôn Đôn)

Bà Nguyễn Thị Liên, Trưởng thôn 4 bức xúc: “Điều này vô lý. Người dân không có kinh phí để duy trì việc đốt bãi rác rộng hơn 1 ha suốt nhiều năm, còn về người nhặt ve chai nếu đốt bãi rác như vậy, họ lấy gì mà nhặt nhạnh. Chúng tôi đã từng thường xuyên giám sát tại bãi rác để tìm người đốt, nhưng chỉ được một thời gian ngắn vì không thể cứ bám bãi rác mãi được”. Bà Liên cho biết, cách đây khoảng một tháng, bãi rác cháy nghi ngút, khói đen, mùi khét lẹt, bà vào quay clip, chụp hình, rồi điện thoại báo cho đại diện công ty, nhưng đáp lại từ phía đại diện công ty là câu trả lời: "Thông cảm xe ủi đang bị hư".

Nếu như người dân thôn 3, 4, Ea Duất phải sống chung với mùi hôi, khói, ruồi nhặng thì người dân thôn 9 lại thấp thỏm lo âu khi đầu nguồn con suối chạy dọc thôn là bãi rác tạm. Do chỉ làm đê đắp tạm thời nên nước rỉ rác ngấm qua, chảy trực tiếp xuống suối. “Con suối này là nguồn sinh kế của không ít hộ dân trong thôn. Người dân đã nhiều lần phản ánh, đề nghị nhưng vẫn chưa được giải quyết”, ông Vi Hồng Tá, Trưởng thôn 9 cho hay.

Tháng 5 vừa qua, tại hội nghị tiếp xúc cử tri, người thôn 3 tiếp tục phản ánh đến đại biểu HĐND huyện về tình trạng ô nhiễm của bãi rác tạm. Và nhận được câu trả lời là huyện đã có phương án di chuyển bãi rác tạm đi nơi khác, nhưng chưa có kinh phí thực hiện.

Ông Nguyễn Văn Tám, Phó Chủ tịch UBND xã Ea Wer cho biết, bãi rác tạm gây ô nhiễm môi trường đã kéo dài nhiều năm nay, đã có lần người dân chặn đường không cho các xe chở rác vào bãi. Chính quyền xã nhiều lần phản ánh bức xúc của người dân đến Phòng Tài nguyên Môi trường (TNMT); đồng thời kiến nghị huyện sớm chuyển bãi rác ra xa khu dân cư.

Lắng nghe, tiếp thu ý kiến của người dân, đầu năm 2020, UBND huyện cử một đơn vị đến khảo sát, định hướng làm khu chế biến, xử lý rác thải ngay tại bãi rác tạm. Phương án này không được nhân dân đồng tình, vì như vậy bãi rác tạm vẫn tồn tại, tiếp tục ảnh hưởng đến cuộc sống người dân xã Ea Wer. 

Khói nghi ngút  từ bãi rác tạm ở xã Ea Wer  (huyện Buôn Đôn)  ảnh hưởng đến  đời sống, sinh hoạt của người dân.
Không có tường rào nên rác thải từ bãi rác tạm huyện Buôn Đôn tràn ra cả đường đi.

Xung quanh vấn đề xử lý bãi rác tạm, ông Nguyễn Thế Thành, Trưởng Phòng TNMT huyện cho biết, hằng năm huyện chi 400 triệu đồng cho việc xử lý rác. Hiện bãi rác phải tiếp nhận hơn 20 tấn rác/ngày; quy trình xử lý bằng biện pháp thủ công chôn, lấp khiến quỹ đất ở bãi rác xã Ea Wer chỉ còn hạn sử dụng khoảng 2 năm. Đây cũng chính là nguyên nhân khiến ô nhiễm trở nên nghiêm trọng. Hiện huyện đã quy hoạch bãi rác mới với diện tích 6,5 ha tại thôn 8 (xã Ea Huar), đồng thời đề xuất tỉnh bố trí nguồn kinh phí từ năm 2015 và đẩy mạnh công tác xã hội hóa xử lý rác thải ở địa phương. Tuy nhiên, nơi được quy hoạch làm bãi rác khó khăn về giao thông, điện… nên các nhà đầu tư không "mặn mà".

Trong khi chờ phương án khả thi, chính quyền địa phương yêu cầu công ty đang xử lý rác thải thực hiện đúng phương án phun hóa chất, chôn lấp, giảm thiểu tối đa ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến đời sống của người dân. Để “bảo vệ” bãi rác trước tình trạng đốt trộm, ngoài thường xuyên kiểm tra, UBND xã giao cho Ban tự quản thôn 3, 4 cử người dân phối hợp cùng các lực lượng chức năng theo dõi hoặc bắt được người đốt để tiến hành xử lý. "Lượng rác ngày một quá tải, ô nhiễm môi trường từ bãi rác nghiêm trọng hơn, rất mong huyện đẩy nhanh tiến độ quy hoạch di dời bãi rác tạm để người dân bớt khốn khổ vì rác”, ông Nguyễn Văn Tám, Phó Chủ tịch UBND xã Ea Wer tha thiết. 

Hoàng Ân

 


(Video) Cùng kiểm lâm giữ rừng 
Bên cạnh lực lượng kiểm lâm chuyên trách giữ rừng, Vườn Quốc gia Yok Đôn với chính sách giao khoán rừng cho người dân vùng đệm đã “biên chế” thêm hàng nghìn người dân cùng chung tay bảo vệ rừng, trở thành cánh tay đắc lực giữ vững màu xanh cho đại ngàn Yok Đôn.