Multimedia Đọc Báo in

Nhà máy chế biến tinh bột sắn xả thải gây ô nhiễm môi trường

08:09, 07/04/2017

Dù đang trong quá trình chạy thử nhưng gần 7 tháng nay, Nhà máy chế biến tinh bột sắn đóng trên địa bàn huyện M’Đrắk liên tục xả thải ra suối Krông Á làm ảnh hưởng tới sinh hoạt của người dân và gây ra tình trạng thiếu nước tưới trên địa bàn xã Krông Á.

Theo phản ánh của người dân, Nhà máy chế biến tinh bột sắn, chi nhánh Công ty cổ phần xuất nhập khẩu tổng hợp Bình Phước hoạt động từ đầu tháng 9-2016. Đến ngày 15-9-2016, nước thải từ nhà máy tràn ra một nhánh của suối Krông Á (có chiều dài khoảng 15 km, phục vụ nước tưới cho xã Krông Á và xã Cư San) làm cho nước có màu đen, nổi bọt trắng và có mùi hôi khó chịu. Không những thế, lượng nước thải còn tràn vào ao, hồ cá và ruộng lúa của người dân gây thiệt hại nặng nề. Chẳng hạn như, hồ cá của bà Nguyễn Thị Cúc (thôn 2, xã Krông Á) chỉ sau một đêm cá đã chết trắng hồ, hay gia đình anh Ngô Văn Quang (cũng ở thôn 2) thiệt hại hơn 30 tấn cá. Bên cạnh đó, nhiều diện tích lúa của bà con bị vùi lấp, bờ ruộng bị vỡ.

Lo lắng nước suối bị ô nhiễm bởi nguồn nước thải của nhà máy, thời gian qua, người dân trên địa bàn xã Krông Á không dám sử dụng nước suối để tưới cho cây trồng và phục vụ chăn nuôi. Dẫn đến, hàng chục héc-ta lúa, ao cá bị khô cạn, nhiều diện tích tiêu bị úa vàng, quả nhỏ vì thiếu nước. Thậm chí, không ít người dân lội ruộng bị ngứa ngáy đành bỏ ruộng hoang.

Nguồn nước thải từ nhà máy ảnh hưởng đến môi trường và sức khỏe người dân.
Nguồn nước thải từ nhà máy ảnh hưởng đến môi trường và sức khỏe người dân.

Trước sự việc này, người dân xã Krông Á đã nhiều lần phản ánh lên chính quyền địa phương và đề nghị nhà máy chấm dứt việc xả thải gây ô nhiễm môi trường. Sau đó, Nhà máy chế biến tinh bột sắn đã hỗ trợ và đền bù gần 1,7 tỷ đồng cho người dân có kinh phí hút nước trong ao, hồ, đắp lại bờ ruộng…, đồng thời, làm cam kết thực hiện nghiêm công tác bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, nhiều tháng nay sự việc vẫn tiếp diễn. “Cứ  2 ngày, nhà máy lại xả nước thải ra suối một lần vào ban đêm. Nhiều hôm, chúng tôi đang ngủ cũng choàng tỉnh vì mùi hôi của nước thải xộc vào mũi. Thậm chí, nhiều người phải đeo khẩu trang để ngủ nhưng vẫn không được ngon giấc. Người lớn và trẻ em thường xuyên bị đau đầu, khó chịu” - bà Bùi Thị Hiên (thôn 3, xã Krông Á) bức xúc.

Nước suối đổi thành màu đen, nổi bọt và bốc mùi hôi.
Nước suối nổi bọt và bốc mùi hôi.

Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Phương, Bí thư Đảng ủy xã Krông Á cho hay: “Việc xả nước thải ra môi trường của nhà máy khiến cho các thôn 2, 3, 4, 5 của xã chịu ảnh hưởng nặng nề. Thời gian qua, Đảng ủy đã chỉ đạo  UBND xã mời lãnh đạo nhà máy lên để giải quyết dứt điểm vấn đề tránh gây ảnh hưởng đến đời sống của các hộ dân. Ngày 21-3, UBND xã đã có buổi làm việc cụ thể với lãnh đạo nhà máy, đồng thời báo cáo UBND và Phòng Tài nguyên & Môi trường huyện để có biện pháp xử lí kịp thời. Thế nhưng, tối ngày 27-3, nhà máy lại tiếp tục xả nước thải ra môi trường”.

Theo ông Khương Văn Phong, Trưởng Phòng Tài nguyên & Môi trường huyện M’Đrắk, cho đến thời điểm này, nhà máy vẫn đang trong quá trình chạy thử. Vào cuối năm 2016, UBND tỉnh đã chỉ đạo nhà máy tạm ngừng chạy thử để hoàn thiện các hạng mục nhưng phía nhà máy không thực hiện theo đúng chỉ đạo.

Theo ghi nhận của phóng viên, tối 29-3, nhà máy vẫn tiếp tục xả thải gây ra những bức xúc cho người dân địa phương. Để bảo vệ môi trường, cây trồng, sức khỏe của con người và vật nuôi, thiết nghĩ chính quyền địa phương và các ngành chức năng cần có biện pháp xử lý nghiêm đối với những sai phạm của nhà máy này.

Hồng Nguyên


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.