Multimedia Đọc Báo in

Cần phương án khai thác hiệu quả nguồn nước ngầm

08:34, 04/04/2012

Trung tâm Quan trắc và Dự báo Tài nguyên nước cho biết, mực nước ngầm đang giảm dần ở cả đồng bằng Bắc Bộ và Nam Bộ, một vài chỉ số nguyên tố vi lượng vượt mức cho phép.

Theo tài liệu kết quả quan trắc tài nguyên nước dưới đất năm 2011 mà Trung tâm vừa công bố, tại đồng bằng Bắc Bộ, ở một số điểm quan trắc, mực nước đã hạ xuống gần mức cho phép như Mai Dịch, Cầu Giấy (Hà Nội), Hải Hậu - Trực Ninh (Nam Định), Quỳnh Phụ (Thái Bình).

dfgfd
Công trình cấp nước thị trấn Ea Drăng (huyện Ea H'leo) được khai thác từ nguồn nước ngầm. Ảnh minh họa: N.X

Vào mùa khô, 7/7 mẫu phân tích đều có hàm lượng trung bình các ion amôni cao hơn 92,4 lần tiêu chuẩn cho phép (TCCP). Hàm lượng amôni đặc biệt lớn đến 23,30 mg/lít (gấp 233 lần TCCP) phát hiện được tại điểm quan trắc Tân Lập, Đan Phượng, Hà Nội.

Ngoài ra, có 17/32 mẫu có hàm lượng mangan (Mn) vượt quá hàm lượng TCCP; có 4/32 mẫu có hàm lượng asen (As) vượt TCCP, hàm lượng As cao nhất là 0,1500 mg/l (gấp 3 lần TCCP) tại công trình Q.58a (Hoài Đức, Hà Nội).

Tại Nam Bộ, tại một số điểm quan trắc, mực nước đã hạ thấp sâu, vào khoảng tiệm cận với mực nước hạ thấp cho phép, đặc biệt ở khu vực quận 12, quận Bình Tân (TP Hồ Chí Minh).

Có hai chất vượt quá tiêu chuẩn cho phép tồn tại trong nước ngầm vùng đồng bằng Nam Bộ là mangan (Mn) và metan (CH4+).

Vùng có tầng nước ngầm khá an toàn là Tây Nguyên. Tổng hợp kết quả quan trắc từ 18 công trình cho thấy, mực nước thấp nhất ở khu vực này là vào tháng 4 và cao nhất vào tháng 10.

Chất lượng nước ở khu vực Tây Nguyên tương đối tốt, chưa thấy dấu hiệu ô nhiễm nước dưới đất. Hàm lượng các nguyên tố vi lượng trong nước dưới đất hầu hết đạt tiêu chuẩn cho phép, trừ Mn, với 13,04% mẫu (mùa khô) và 4,35% mẫu (mùa mưa) có hàm lượng cao hơn TCCP.

Theo đánh giá của chuyên gia từ Viện Công nghệ nước và môi trường, tiềm năng sử dụng nước ngầm rất lớn, chi phí khai thác thấp, chất lượng, độ an toàn lại cao hơn khai thác nước mặt nhưng do chưa sử dụng hợp lý nên không phát huy được hiệu quả.

Để khai thác hiệu quả nguồn nước ngầm, các địa phương nên tập trung đầu tư và khai thác, cải tạo, mở rộng và xây mới một số nhà máy nước ngầm, đồng thời tăng cường xây dựng mạng lưới đường ống phân phối để sử dụng hợp lý.

Đơn cử là TP. Hà Nội đang tiến hành cải tạo và mở rộng nâng công suất các nhà máy nước sử dụng nguồn nước ngầm như nâng công suất nhà máy nước Nam Dư và Gia Lâm từ 30.000m3/ngày đêm lên 60.000m3/ngày đêm, nhà máy nước Mai Dịch được khoan bổ sung từ bãi giếng Thượng Cát hoặc xây dựng thêm một số nhà máy nước như Yên Viên, Giáp Bát, Kim Giang.

Đây là hướng đầu tư hoàn toàn hợp lý nhưng tại một số vùng khai thác nước ngầm mạnh, mực nước giảm dần theo thời gian, cần chú ý đến việc điều chỉnh công suất khai thác.

N.X (chinhphu.vn)


Ý kiến bạn đọc