Multimedia Đọc Báo in

Phòng chống bệnh vàng lá sinh lý trên lúa nước

07:10, 04/12/2012

Bệnh vàng lá sinh lý trên lúa nước là bệnh lúa bị nghẹt rễ do sự phân hủy của các chất hữu cơ trong ruộng lúa, trong quá trình phân hủy, một số chất khí độc sản sinh ra nằm trong đất như: H2S, CH4, CO2... tăng cao làm cho ruộng lúa có mùi hôi thối, trong khi lượng khí O2 thấp. Quá trình này vẫn tiếp tục cho đến khi các chất hữu cơ được phân hủy hoàn toàn có thể kéo dài từ 30-40 ngày tùy theo các chất hữu cơ là cỏ dại hay rơm rạ tồn dư từ vụ trước. Do sự thiếu hụt khí O2, lượng khí độc tăng cao, đã làm cho bộ rễ lúa phát triển kém, rễ đen nhiều, rễ trắng ít, gây bệnh thối rễ, dẫn đến sự hấp thụ các chất dinh dưỡng khó khăn trong đất. Từ đó cây lúa bị vàng lá, còi cọc chậm phát triển, nhìn kỹ có thể thấy đầu lá lúa khô, ít đẻ nhánh, nếu bị nặng có thể chết hàng loạt nếu không có biện pháp xử lý kịp thời.

Nguyên nhân chính của trường hợp này là trước đó ruộng bị khô, sau khi có nước vào ruộng bà con nông dân mới bắt đầu làm đất, cày bừa vùi lấp rơm rạ, cỏ dại... sau 7-10 ngày thì tiến hành gieo sạ luôn. Sau khi gieo sạ lúa mọc lên, quá trình phân hủy xảy ra đồng thời với sự sinh trưởng của cây lúa và dẫn đến hiện tượng nghẹt rễ, lúa bị vàng sinh lý.

Từ những nguyên nhân trên, để khắc phục tình trạng vàng lá sinh lý, bà con cần chú ý một số biện pháp như sau:

-Đối với những vùng chủ động được nước thì tiến hành làm ruộng, phay đất trước 25-30 ngày, ngâm ruộng với phân chuồng hoai (1.000kg/ha) + vôi bột 500-700kg/ha.

-Đối với những chân ruộng không có điều kiện làm ruộng trước thì cần tiến hành phay đất khi có nước đủ nhưng phải vớt sạch cỏ dại, rơm rạ còn lại từ vụ trước, bón lót phân chuồng và vôi như trên.

-Sau khi sạ lúa nếu bị nghẹt rễ thì cần tiến hành cho nước vào ruộng liên tục, kết hợp làm cỏ sục bùn để cho trôi bớt các độc tố trong đất, làm sạch môi trường đất trong ruộng lúa.

-Bón vôi 500kg/ha + 300kg phân lân Văn Điển/ha + phân hữu cơ vi sinh 500- 700kg/ha, kết hợp phun phân bón lá có hàm lượng lân cao như siêu lân.

-Bằng các dụng cụ như cuốc, cào phá váng nhiều lần để lượng khí độc thoát ra nhanh có thể giúp lúa phục hồi bộ rễ và phát triển bình thường trở lại. Trong điều kiện nhiệt độ xuống thấp từ 13-150C, khi lúa vàng chúng ta không nên bón đạm vì không làm cho lá lúa xanh hơn được do khả năng hấp thụ dinh dưỡng trong đất kém, nên phun phân bón lá là phù hợp nhất.

-Trong giai đoạn này bà con không nên sử dụng nhiều loại phân bón thúc để bón cho lúa, lúa chỉ xanh lại và phát triển bình thường khi bộ rễ có nhiều rễ mới, nhiệt độ không khí ấm lên và các khí độc trong đất thoát ra hết.

Trương Văn Cao

(Trạm BVTV huyện Krông Pak)


Ý kiến bạn đọc