Multimedia Đọc Báo in

“Củi” của ngày xưa

16:26, 23/10/2011

Ngày xưa, quê tôi nghèo lắm. Các thôn nữ thường đi nhặt củi ở bờ tre, ruộng mía, hoặc dùng cây bắp khô, rơm khô để làm chất đốt quanh năm. Và có một loại chất đốt rất đặc biệt được mọi người, mọi nhà “khai thác” tối đa. Đó là phân bò khô.

Con bò rất đỗi thân thuộc của nông gia không chỉ giỏi việc cày, kéo mà còn ban cho người miền quê chất đốt vô cùng tận. Bò ăn rơm, ăn cỏ nên phân bò khô không có mùi hôi. Chẳng hiểu ai đã nghĩ ra chuyện lấy phân bò khô làm chất đốt? Đó là một sáng kiến tuyệt vời của thời làng quê còn nhiều cực khổ!

Ngày còn thơ bé, biết bao lần tôi cùng lũ trẻ hàng xóm mót khoai hạ, khoai lang ở bãi đất soi ven sông đem chất rơm khô với phân bò khô thổi lửa nướng khoai. Những củ khoai chín nứt nẻ, thơm lừng được chúng tôi chia nhau ăn rất ngon và còn nhớ mãi đến tận bây giờ.

Cứ sáng sáng, chiều chiều, đoàn người chuyện trò rôm rả, quang gánh, thúng mủng đi vào rừng để nhặt phân bò khô về làm chất đốt. Những cục phân bò to bằng cái chén, cái đĩa khô khốc được mọi người nhặt sắp thành đống trong quang gánh như quả núi hình xoắn ốc. Trời nắng chang chang, cát trắng nóng bỏng như thiêu, như đốt làm phân bò khô rất nhanh. Người ta nhặt phân bò về làm chất đốt thổi cơm, hầm cháo heo hàng ngày và còn để đầy góc bếp dành sử dụng cho hết mùa đông, hết năm này sang năm khác.

Phân bò cháy, ngọn lửa không cao, nhưng than lửa lâu tàn, giống như loại củi gộc hầm bánh tét. Rơm và cỏ là hai thứ nguyên liệu chính làm cho phân bò trở thành chất bén lửa rất nhanh.

Thật đáng khen con bò đắc dụng đối với nhà nông. Phân của nó bón cây, bón ruộng, làm chất đốt; da của nó làm gỏi, làm trống; thịt của nó cực kỳ ngon, bổ và sức của nó bền bỉ vô cùng.

Bây giờ không còn ai vào rừng nhặt phân bò để làm chất đốt như ngày xưa. Nhưng lớp người như tôi chắc chưa ai quên kỷ niệm một thời ấy.

Trần Quốc Cưỡng

Ý kiến bạn đọc


Xem thêm

Đường về
16:46, 16/10/2011
Đường về
16:46, 16/10/2011
Lụt về, nhớ dế
16:27, 16/10/2011
Lụt về, nhớ dế
16:27, 16/10/2011