Multimedia Đọc Báo in

Trẻ em phải được sử dụng thực phẩm an toàn

10:47, 22/05/2012

Trẻ em phải được sử dụng thực phẩm an toàn là yêu cầu được đặt ra tại Hội thảo “Chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm cho trẻ em” do Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (Vinastas) vừa tổ chức nhằm đánh giá và cung cấp thông tin tư vấn kiến thức tiêu dùng, giúp việc chăm sóc đời sống vật chất cho trẻ em tốt hơn, an toàn hơn. Đồng thời, đây cũng là một diễn đàn trao đổi giữa cơ quan quản lý, nghiên cứu, các tổ chức xã hội, doanh nghiệp và người tiêu dùng để từ góc độ khác nhau, có cách đánh giá khách quan, khoa học việc bảo đảm chất lượng ATVSTP cho trẻ em. Qua đó, đưa ra giải pháp sử dụng những thực phẩm đạt chất lượng ATVSTP.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Vinastas cho biết, hiện nay nhu cầu về sản phẩm dinh dưỡng, thực phẩm cho trẻ em đang phát triển mạnh mẽ với rất nhiều chủng loại đa dạng. Tuy nhiên, đi cùng với sự phát triển này là không ít mối đe dọa về ATVSTP đối với trẻ nhỏ. Thống kê của Vinastas, từ năm 2008 đến nay hàng loạt vụ thực phẩm bẩn, thực phẩm nguy hại đe dọa, ảnh hưởng tới sức khỏe trẻ nhỏ được phát hiện ở quy mô lớn như: chất melamine trong sữa, thạch rau câu chứa chất tạo đục DEHP độc hại, lạp xưởng làm từ “mỡ thối”, kẹo phát sáng có PAHs, chất Biphenol-A trong bình sữa có nguy cơ gây ung thư. Còn ngay từ những tháng đầu năm 2012, việc phát hiện thịt heo chứa chất tăng trưởng, ô mai nhiễm hóa chất... cũng khiến người dân thực sự lo lắng cho sức khỏe, tính mạng của mình, nhất là với đối tượng trẻ nhỏ.

Bên cạnh đó, theo số liệu của cơ quan y tế, trong 8 năm (1999-2006) cả nước đã xảy ra 1.695 vụ ngộ độc thực phẩm, với 42.145 người mắc, 452 người tử vong. ATVSTP còn bị ảnh hưởng bởi các hóa chất độc hại như tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, chất tạo nạc thuộc diện cấm trong chăn nuôi, kim loại nặng, chất bảo quản, chất phụ gia thực phẩm ngoài danh mục được phép sử dụng hoặc sử dụng không đúng quy định. Theo bác sĩ Lưu Thị Mỹ Thục, Trưởng khoa Dinh dưỡng tiết chế, Bệnh viện Nhi Trung ương, khác với người lớn, cơ thể trẻ em có tốc độ phát triển rất nhanh nhưng các hệ thống cơ quan chưa hoàn chỉnh, sức đề kháng chưa cao nên nguy cơ ngộ độc cao hơn. Qua điều tra, trong các loại ngộ độc ở trẻ em thì ngộ độc thực phẩm phổ biến nhất, tiếp theo là ngộ độc hóa chất, ngộ độc thuốc. Đáng chú ý, những trẻ dưới 2 tuổi bị ngộ độc chủ yếu do thực phẩm được chuẩn bị tại nhà, trẻ từ 2-5 tuổi ngộ độc do nhiều yếu tố hơn, như: ở nhà, môi trường, lớp học. Ecoli và Salmonella là 2 tác nhân gây ngộ độc phổ biến nhất.

Dinh dưỡng ảnh hường trực tiếp đến sự phát triển thể chất của trẻ nhỏ. Ảnh: K.O
Dinh dưỡng ảnh hường trực tiếp đến sự phát triển thể chất của trẻ nhỏ. Ảnh: K.O

Mặc dù tình trạng mất ATVSTP diễn ra phức tạp, đe dọa tính mạng, sức khỏe trẻ em cũng như người tiêu dùng, nhưng Phó Cục trưởng Cục ATVSTP Nguyễn Hùng Long lại cho rằng, không phải vì số vụ thực phẩm vi phạm bị phát hiện nhiều hơn, số ngộ độc tăng hơn mà lo ngại. Thực tế, vấn đề ATVSTP ở nước ta những năm gần đây đã được quản lý tốt hơn rất nhiều. Năm 2011, thống kê của Cục cho thấy có gần 200 vụ ngộ độc thực phẩm trên cả nước với 4.700 trường hợp mắc chứ không phải hơn 30.000 trường hợp mắc như một vài con số không chính thức từng được nêu ra. Hơn nữa, tỷ lệ trẻ em từ dưới 4 tuổi bị ngộ độc thực phẩm trong 10 năm qua chỉ chiếm 4,1% số mắc, chiếm 3,9% số đi viện và 4,7% số chết trong tổng số các vụ ngộ độc thực phẩm.

Trong khi đó, TS Lê Thị Hồng Hảo, Phó Viện trưởng Viện Kiểm nghiệm ATVSTP quốc gia cho biết, qua kiểm nghiệm mẫu thực phẩm trong 2 năm gần đây, vấn đề ATVSTP cho trẻ nhỏ không tìm thấy nguy cơ đáng kể. Chứng minh cho nhận định này, bà Hảo cho biết, năm 2011, Viện đã lấy mẫu thực phẩm tại Hà Nội, Hà Nam, Hải Dương để kiểm nghiệm. Kết quả, 8/40 mẫu rau cải phát hiện có tồn dư Cypermethrin với hàm lượng nằm trong giới hạn cho phép; 10/40 mẫu rau muống tồn dư Chlorpyrifos với hàm lượng nằm trong giới hạn cho phép; 2/40 mẫu táo (quả tươi) phát hiện tồn dư hóa chất bảo vệ thực vật Fenobucarb nhưng nằm trong giới hạn cho phép theo tiêu chuẩn của Nhật Bản... Đáng chú ý, trong nhóm thịt gia súc, gia cầm sống phát hiện 21/40 mẫu có Stap.aureus; 24/40 mẫu có Ecoli. Tuy nhiên, TS Lê Thị Hồng Hảo cũng cảnh báo, kết quả kiểm nghiệm nói trên căn cứ vào khung giới hạn chung theo quy định về hàm lượng hóa chất, phụ gia trong thực phẩm (nghĩa là cho cả người lớn và trẻ em). Do đó, không thể loại trừ hoàn toàn nguy cơ các sản phẩm thực phẩm có tồn dư hóa chất bảo vệ thực vật, độc chất nằm trong giới hạn cho phép nói trên vẫn ảnh hưởng đến sức khỏe trẻ em.

Có thể thấy trẻ em phải chịu hậu quả nặng nề nhất do dùng phải thực phẩm không an toàn, bởi lẽ các em chưa đủ nhận thức và chưa hiểu biết bằng người lớn, sức đề kháng của trẻ lại chưa cao và do thể trọng của trẻ thấp hơn nhiều so với người lớn nên khi dùng thực phẩm ô nhiễm sẽ có nguy cơ ngộ độc nhiều và nguy hiểm hơn so với người lớn. Phó Cục trưởng Cục ATVSTP Nguyễn Hùng Long nhấn mạnh, bảo đảm được VSATTP vẫn là lĩnh vực “nóng” được xã hội quan tâm. Do đó, cần hiểu rõ là ở góc độ người tiêu dùng, trẻ em là nhóm đối tượng tiêu dùng đặc biệt, chịu hậu quả nhiều nhất của những hành vi vi phạm về VSATTP, từ đó có cách ứng xử thích đáng.

K.O (tổng hợp)
 


Ý kiến bạn đọc