Multimedia Đọc Báo in

Tràn lan thực phẩm bẩn, thực phẩm nguy hại: Chế tài chưa đủ mạnh

15:37, 02/05/2012

Tất cả các tỉnh, thành ở Việt Nam đang đối mặt với tình trạng tràn lan thực phẩm có thành phần nguyên liệu là phụ gia cấm hoặc dùng quá liều lượng cho phép. Kết quả kiểm tra mẫu thực phẩm các loại của cơ quan chức năng ở các vùng miền trên cả nước phần lớn cho kết quả dương tính với nhiều loại phụ gia không có trong danh mục dùng hoặc hạn chế sử dụng. Trong khi đó, việc xử lý những cá nhân, đơn vị vi phạm các quy định an toàn thực phẩm vẫn chưa thực sự đủ sức răn đe…

Thực phẩm “bẩn” ở khắp nơi

Thời gian qua, Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm và Viện Dinh dưỡng quốc gia đã tiến hành những đợt kiểm tra, xét nghiệm chất lượng thực phẩm tại khu vực phía Bắc. Kết quả, trong tổng số 81 mẫu ớt bột được kiểm tra thì có 50-80% mẫu chứa Rhodamine B với hàm lượng từ 20,2 đến 110,2 mg/kg; 11 trong số 31 mẫu xúc xích, jambon có sử dụng nitrit; 3 trên 25 mẫu có sử dụng phẩm màu kiềm (loại không được phép dùng trong thực phẩm) và tập trung vào nhóm nước giải khát, mì ăn liền; 10 trong số 64 mẫu bún, bánh phở, bánh giò, bánh su sê có sử dụng hàn the (chất không có trong danh mục phụ gia được phép sử dụng); 12,5% mẫu thực phẩm có hàm lượng acid benzoic và sorbic vượt quá giới hạn quy định, tập trung chủ yếu ở các mẫu nước giải khát, bánh su sê.

Kết quả kiểm tra tại khu vực phía Nam cũng cho thấy, 298 trong số 437 mẫu thực phẩm dương tính với hàn the;  21 trong 122 mẫu dương tính với formol (cả hàn the và formol đều là chất không có trong danh mục phụ gia thực phẩm được phép sử dụng); 74,8% mẫu sả bào, hoa chuối, bẹ chuối, măng chua dương tính với chất tẩy trắng; 28 trong 52 mẫu tôm khô, hạt dưa, mứt sử dụng phẩm màu ngoài danh mục cho phép của Bộ Y tế. Ngoài ra, một số loại phụ gia khác không được phép sử dụng, song vẫn bị phát hiện trong một số thực phẩm chay, khô, mứt, dưa muối các loại, cá viên. Một số loại phụ gia thực phẩm thuộc danh mục cho phép sử dụng như chất bảo quản Natri benzoate và Kali sorbate nhưng lại được dùng với hàm lượng vượt quá giới hạn như trong bánh bao (vượt đến 93,3%); phô mai (60%); sữa tươi tiệt trùng (66,7%); thực phẩm chay (55%), tương hột (46,7%), mì ăn liền (33,3%)…

Còn tại miền Trung, theo kết quả kiểm tra của Viện Pasteur Nha Trang, 17 trong số 30 mẫu được kiểm tra dương tính với phẩm màu công nghiệp; 7 trên 8 mẫu sử dụng đường hóa học cyclamat; 11 trong 60 mẫu sử dụng chất bảo quản natri benzoat ở hàm lượng cao vượt quá giới hạn cho phép. Khu vực Tây Nguyên cũng tràn lan thực phẩm "bẩn" với 29,6% mẫu thực phẩm có sử dụng phụ gia không được phép sử dụng (Saccharin, Aspartam, Acesulfam kali, Cyclamat) hoặc sử dụng phụ gia cho phép nhưng vượt quy định (Acid benzoic, Natri benzoate). Bánh, mứt, kẹo; sữa các loại; nước trái cây; thịt và các sản phẩm thịt... đều có thành phần là phụ gia cấm.

Đánh giá mới đây của Bộ Y tế về việc sản xuất kinh doanh thực phẩm ở nước ta hiện nay hầu như đều ở quy mô nhỏ lẻ, nên có tới 50% cơ sở chưa tuân thủ các quy định về bảo đảm ATVSTP. Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã thẳng thắn chỉ rõ, ý thức lẫn sự hiểu biết của người sản xuất, chế biến kinh doanh thực phẩm còn thấp, nhất là trong việc sử dụng phụ gia thực phẩm. Vì thế việc sử dụng phụ gia thực phẩm không đúng quy định xảy ra hầu hết ở các địa phương với vi phạm chủ yếu là sử dụng phụ gia ngoài danh mục cho phép (chiếm từ 50%-87%) hoặc với hàm lượng vượt quá mức giới hạn (chiếm từ 22%-93%).

Tại khu vực tây Nguyên, thịt và các sản phẩm từ thịt đều chứa
Tại khu vực Tây Nguyên, thịt và các sản phẩm từ thịt đều sử dụng phụ gia cấm. Ảnh minh họa

Thiếu hành lang pháp lý xử phạt

Rõ ràng, tình trạng mất an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) cũng như việc sử dụng tràn lan các loại phụ gia, hóa chất bị cấm trong chế biến thực phẩm, cũng như trong chăn nuôi đang khiến cho sức khỏe người tiêu dùng bị đe dọa, gây bất an cho xã hội. Đại tá Trần Trọng Bình, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát bảo vệ môi trường (C49), Bộ Công an chỉ rõ, tình hình về tội phạm vi phạm ATVSTP ngày càng diễn biến phức tạp, các vụ vi phạm ATVSTP rất nghiêm trọng và vô cùng nguy hiểm. Cảnh sát môi trường đã từng phát hiện bắt những vụ bỏ hàn the vào giò chả với khối lượng lên đến 8 tấn, hay như có cơ sở sản xuất bánh phở vi phạm bỏ formaldehyde vào bánh phở, với mỗi tuần tiêu thụ… một can 5 lít hóa chất formaldehyde. Chính vì thế ông Bình cho rằng Bộ Y tế cần nghiên cứu sớm xây dựng danh mục các chất cấm sử dụng trong thực phẩm, quy định hàm lượng bao nhiêu trong thực phẩm thì người sản xuất sẽ bị xem xét xử lý hình sự. Đại tá Trần Trọng Bình cho biết thêm, nhiều năm nay không có vụ việc vi phạm ATVSTP nào bị xử lý hình sự. Bởi theo luật định, để khởi tố hình sự đối với hành vi sử dụng các chất độc hại trong thực phẩm thì hành vi này phải gây hậu quả nghiêm trọng, tức phải có người chết hoặc ngộ độc hàng loạt lên đến hàng trăm người. Trong khi đó, những chất tồn dư trong thực phẩm không làm chết người ngay hay gây ngộ độc ngay mà gây tác hại lâu dài, cực kỳ nguy hại đối với sức khỏe con người và có sức ảnh hưởng rộng.

Nói về vấn đề này, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, các bộ ngành có liên quan cần tập trung vào công tác tuyên truyền cho nông dân và người dân nói không với trồng rau không an toàn; thay đổi hành vi mua bán và sử dụng phụ gia thực phẩm bị cấm tại các khu chợ. Không tổ chức giết mổ gia súc, gia cầm nếu chưa đảm bảo ATVS. Phó Thủ tướng cũng yêu cầu ngành Y tế cần tăng cường tổ chức kiểm soát chặt chẽ hơn vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm ở bếp ăn tập thể, bếp ăn tại các khu công nghiệp, kiểm soát thực phẩm đầu vào. Song ở khía cạnh của cơ quan chủ quản, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến khẳng định, việc quản lý phụ gia thực phẩm, bếp ăn công nghiệp và các cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ còn gặp nhiều khó khăn vì khó kiểm soát được các nguyên liệu đầu vào. Bộ trưởng nhấn mạnh, tình trạng thực phẩm không bảo đảm an toàn vẫn công khai lưu thông trên thị trường; đặc biệt là những nơi cung cấp thức ăn nhỏ lẻ. Trong khi đó nghị định xử phạt hành chính thì lại chưa được ban hành. các quy định về việc xử lý vi phạm về ATVSTP vẫn chưa thực sự đủ mạnh để răn đe.

Có thể thấy, đã đến lúc các cơ quan chức năng cần sớm ban hành thông tư danh mục các chất cấm sử dụng trong thực phẩm; đồng thời định lượng hàm lượng, mức độ độc hại của các chất, để cơ quan công an có cơ sở xử lý hình sự, nhanh chóng khởi tố những vụ vi phạm về ATVSTP vào tội “kinh doanh chất cấm, buôn bán hàng cấm”, góp phần răn đe đối với loại tội phạm đang diễn ra ngày càng nhiều và phức tạp.

K.O (tổng hợp)
 


Ý kiến bạn đọc