Multimedia Đọc Báo in

Giải quyết tình trạng quá tải tại các bệnh viện: Vẫn loay hoay tìm giải pháp

15:48, 02/05/2012

Những thông tin tại hội nghị bàn về phương án chống quá tải bệnh viện (BV) do Bộ Y tế tổ chức vào cuối tháng 4 vừa qua cho thấy, công suất sử dụng giường bệnh chung toàn quốc đã lên đến 110%. Quá tải diễn ra ở khắp các tuyến BV, điều đó cho thấy tình trạng quá tải là có thực, chứ không phải quá tải ảo do bệnh nhân vượt tuyến tự do như đồn đoán lâu nay.

Bệnh nhân nằm ghép chỉ có ở Việt Nam

Khảo sát của Bộ Y tế về công tác khám, chữa bệnh tại cuộc họp này cho thấy, tình trạng quá tải BV đã xuất hiện ở cả 3 tuyến điều trị (trung ương, tỉnh, huyện và BV ngành) với công suất sử dụng giường bệnh chung toàn quốc đã lên đến 110%. Đáng lưu ý, có BV công suất sử dụng giường bệnh tới 200%. Nhiều lúc, đã có những giường bệnh phải chứa 4-5 bệnh nhân, nhất là tuyến BV trung ương. Bệnh nhân không được nằm mà phải ngồi truyền dịch, thậm chí ở nhiều BV bệnh nhân ngồi truyền dịch cả ngoài hành lang và đây không còn là hiện tượng lạ.

Ông Nguyễn Hoàng Long, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch -Tài chính (Bộ Y tế) cho hay, công suất giường bệnh chỉ nên ở mức 70-80%, lên đến 90% đã coi là quá tải vì không còn thời gian chuẩn bị để phục vụ người bệnh mới.  Đối chiếu công suất "nên" này và công suất thực tế mới thấy sự quá tải ghê gớm của mạng lưới khám, chữa bệnh. Ông Long khẳng định, tình trạng bệnh nhân nằm ghép chỉ có ở Việt Nam, công suất sử dụng giường bệnh chỉ tăng mà không giảm. Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là do dân số tăng nhanh nhưng số BV, giường bệnh lại không tăng tương xứng. Tỷ lệ giường bệnh/vạn dân của cả nước tuy hằng năm có tăng, nhưng vẫn còn thấp so với sự gia tăng nhu cầu khám, chữa bệnh của nhân dân và phân bố không đồng đều giữa các vùng, miền, chủ yếu tập trung nhiều ở các đô thị, vùng kinh tế lớn. Hiện bình quân giường bệnh/vạn dân ở Việt Nam đạt 20,5 giường, vào loại thấp nhất thế giới, trong khi đó theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (năm 2009), trung bình số giường bệnh/vạn dân toàn cầu là 25, riêng khu vực Tây Thái Bình Dương là 33.

Bệnh viện quá tải, bệnh nhân phải nằm điều trị trên giường xếp
Bệnh viện quá tải, bệnh nhân phải nằm điều trị trên giường xếp. Ảnh: K.O

Chưa biết bao giờ hết quá tải

Trước tình trạng người bệnh phải vạ vật xếp hàng hàng giờ chờ khám chữa bệnh, mỗi giường bệnh nằm ghép 2-3 người, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến thẳng thắn thừa nhận, tình trạng quá tải tại nhiều bệnh viện trong cả nước là khá trầm trọng.

Cho dù trong thời gian qua, ngành Y tế cũng đã cố gắng thực hiện một số biện pháp giảm tải bệnh viện như: tăng số giường bệnh, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, mở thêm bệnh viện tư, chuyển giao công nghệ từ tuyến trên cho tuyến dưới để tuyến dưới có thể chữa bệnh mà không cần chuyển lên tuyến trên… nhưng tình trạng quá tải bệnh viện vẫn tăng. Bởi lẽ, hiện nay tỷ lệ giường bệnh/vạn dân ở nước ta vẫn còn khiêm tốn: 20,5 giường/vạn dân. Trong khi đó, theo tiêu chuẩn của WHO thì ít nhất phải là 33 giường/vạn dân. Ngoài ra, mô hình bệnh tật cũng thay đổi khiến số người mắc các bệnh không lây nhiễm, mãn tính gia tăng.

Đồng thời, do thu nhập tăng, kéo theo nhu cầu khám chữa bệnh của người dân cũng tăng lên dẫn tới việc nhiều người bệnh muốn vượt lên tuyến trên nhiều hơn. Điều đó, tạo sự quá tải lớn, nhiều khi không cần thiết, có khi có sự quá tải ảo vì qua nghiên cứu có tới 60% bệnh nhân ở tuyến trung ương có thể điều trị ở tuyến dưới.

Cần giải pháp từ gốc

Tại cuộc họp này, lần đầu tiên Bộ Y tế công bố dự thảo quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án chống quá tải BV do Bộ Y tế đang chủ trì xây dựng. Mục tiêu chung của đề án là đưa bình quân giường bệnh/vạn dân lên 25-27 giường vào năm 2015. Tuy nhiên, theo ý kiến của nhiều chuyên gia tham dự cuộc họp thì mục tiêu này là quá tham vọng do không đủ nhân lực phục vụ. Một số đại biểu đưa ra ý kiến không nên xây dựng những BV quá lớn, như vậy sẽ rất khó quản lý và không đạt hiệu quả mong đợi. Và việc đề án đặt mục tiêu giảm tải đến năm 2015 tại các BV chuyên khoa, đa khoa trung ương mới chỉ là giải pháp giải quyết tình trạng quá tải ở phần ngọn chứ không phải giải pháp từ gốc.

Căn nguyên người dân vượt tuyến, lên tuyến cao nhất chữa bệnh gây ra tình trạng quá tải chính là do sự yếu kém ở tuyến y tế địa phương. Vì vậy, các BV tỉnh, huyện cần phải năng động phát triển kỹ thuật và quảng bá cho người dân biết về những kỹ thuật mình làm được để từ đó tin tưởng đến khám, chữa bệnh, hạn chế vượt tuyến. Ông Nghiêm Trần Dũng, Phó Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm y tế (Bộ Y tế) nhấn mạnh đến giải pháp chăm sóc sức khỏe tại cộng đồng với nhóm bệnh nhân mạn tính, đồng thời mở rộng loại hình "BV ban ngày” (dành cho bệnh nhân mắc các bệnh liên quan đến sức khỏe tâm thần).

Tiếp thu những ý kiến đóng góp của các chuyên gia, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Xuyên cho biết, khi xây dựng đề án, Bộ sẽ chú trọng đến nhiều nhóm giải pháp, trong đó có giải pháp tăng cường cơ sở vật chất cho BV đã có, mở rộng BV mới, đào tạo nhân lực, phát triển hệ thống bác sĩ gia đình, chăm sóc sức khỏe tại cộng đồng. Bộ Y tế cũng sẽ thí điểm mô hình khám, chữa bệnh theo nhu cầu và bảo hiểm y tế có mức hưởng tùy theo mức đóng chứ không đóng khung một mức đóng - một mức hưởng như hiện hành.

K.O (tổng hợp)
 


Ý kiến bạn đọc