Multimedia Đọc Báo in

Những bệnh thường gặp ở trẻ em vào mùa hè

14:44, 05/07/2011

Thời tiết nóng ẩm của mùa hè là thời điểm thuận lợi của nhiều bệnh; trong đó đáng lưu ý nhất là các bệnh do nhiễm virut, vi khuẩn, ký sinh trùng. Ở trẻ em, do sức đề kháng kém, hệ miễn dịch chưa hoàn thiện, nên vào mùa nắng nóng sẽ có nguy cơ cao mắc một số bệnh nguy hiểm. 

Say nắng: Đây là hiện tượng do nhiệt độ và tia cực tím (tia tử ngoại) của mặt trời gây ra. Tia tử ngoại có khả năng xuyên qua lớp sừng của da tới hạ bì gây cháy da (bỏng độ I) và say nắng. Nhiệt độ cao làm giãn mạch não gây ra tăng áp lực sọ và làm nhức đầu, có thể kèm theo nôn mửa hay hôn mê, co giật. Do đó, để phòng say nắng cho trẻ, cha mẹ nên cho trẻ uống nhiều nước và không để trẻ chơi ngoài nắng gắt. Trong dịp hè, cần đặc biệt lưu ý khi cho trẻ về quê hoặc đi tắm biển không cho trẻ chơi ngoài nắng nhiều trong khoảng thời gian từ 10 giờ sáng đến 4 giờ chiều. Ngoài ra, nên tăng cường các thức ăn có thể hỗ trợ giúp cơ thể chống lại các ảnh hưởng của ánh nắng và chống sự ôxy hóa như: các thức ăn giàu caroten (dưa hấu, dưa vàng, rau ngò, cải bó xôi...); vitamin E (dầu đậu nành, hạt điều, hạt dẻ...); vitamin C (trà xanh, trái cây tươi, rau cải xanh...).

Viêm não Nhật Bản B: Đây là một bệnh nhiễm khuẩn thần kinh gây dịch về mùa hè do một loại Arbovirus nhóm B gây nên. Vi rút gây bệnh được muỗi truyền từ súc vật sang người. Bệnh viêm não Nhật Bản có tỷ lệ tử vong khá cao hoặc để lại di chứng thần kinh nặng nề. Biểu hiện thường gặp là: sốt cao, đau đầu, nôn, rối loạn ý thức, co giật rồi đi vào hôn mê nhanh chóng, một số trường hợp có biểu hiện liệt thần kinh. Khi trẻ có những biểu hiện trên, cần nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế để được khám và điều trị nhằm hạn chế tỷ lệ tử vong và di chứng sau này. Để phòng ngừa bệnh cần phải giữ môi trường trong sạch, nhà ở thoáng mát, nằm màn khi ngủ, phun thuốc diệt muỗi và côn trùng, tiêm phòng vắc xin viêm não Nhật Bản cho trẻ đúng lịch.

Tiêm vắc xin cho trẻ đúng lịch là một trong những cách phòng bệnh Viêm não Nhật Bản B. Ảnh: TL

Sốt virut: Khi bị sốt virut, trẻ thường sốt cao, đau mỏi người, đau đầu, có thể có triệu chứng của viêm đường hô hấp trên như: hắt hơi, sổ mũi, ho (thường có ít đờm trắng trong không có màu vàng, xanh). Nếu trẻ bị sốt do virut Rubella sởi gây ra, trẻ có thể phát ban với biểu hiện chủ yếu là các ban đỏ mịn, thường xuất hiện vào ngày thứ 2-4 của bệnh, ban thường tuần tự từ đầu mặt xuống thân mình, chân và khi mất đi cũng theo tuần tự như vậy. Ngoài ra trẻ thường nổi hạch ở cổ, gáy, các hạch này có thể đau và tồn tại lâu mới mất đi. Bệnh thường diễn biến lành tính trong 3-5 ngày, điều trị chủ yếu là hạ sốt, bù nước điện giải bằng đường uống, bảo đảm dinh dưỡng và chăm sóc mũi họng tốt để hạn chế bội nhiễm. Tuy nhiên, cần lưu ý vì một số trường hợp có biến chứng, do đó phải theo dõi để phát hiện các triệu chứng của viêm não như đau đầu, nôn nhiều, rối loạn ý thức, co giật, để đưa trẻ đến cơ sở y tế khám và điều trị kịp thời.

Tiêu chảy cấp: Nguyên nhân gây tiêu chảy có thể là vi sinh vật gây bệnh như vi khuẩn (lỵ, thương hàn, tả...) hoặc virut, nấm, ký sinh trùng đường ruột. Cơ chế gây bệnh có thể do độc tố của vi khuẩn gây ra, triệu chứng thường xuất hiện sớm (dưới 6 giờ sau khi nhiễm bệnh), hoặc do vi khuẩn trực tiếp gây tổn thương hệ thống tiêu hóa, triệu chứng rối loạn tiêu hóa thường xuất hiện muộn hơn. Tiêu chảy cấp có thể gặp ở mọi lứa tuổi nhưng 80% xảy ra ở trẻ dưới 2 tuổi. Khi trẻ bị tiêu chảy cấp, việc quan trọng nhất là đánh giá mức độ mất nước và bù nước điện giải bằng đường uống dung dịch oresol, truyền dịch chỉ thực hiện khi mất nước nặng, trẻ nôn nhiều, không thể uống được hoặc đi ngoài rất nhiều không thể bù kịp bằng đường uống. Việc sử dụng kháng sinh và các men tiêu hóa vi sinh cần phải theo chỉ định của bác sĩ, tuyệt đối không được tự ý dùng thuốc trị tiêu chảy.

Bệnh ngoài da: Bệnh ngoài da hay gặp nhất là rôm. Đây là hiện tượng viêm các nang tuyến chân lông khiến chúng lồi lên mặt da thành các bọc nước nhỏ, đỏ và ngứa ngáy. Nguyên nhân chủ yếu của rôm là do bít tắc lỗ chân lông bởi các chất bẩn. Đặc biệt khi thời tiết nắng nóng, cơ thể tăng cường hoạt động của các tuyến mồ hôi và tuyến nhầy trong cơ chế tăng thải nhiệt. Xử trí rôm chỉ đơn giản là tắm rửa sạch sẽ bằng xà phòng hay quả chanh nhằm thông các ống thoát đổ ra ngoài của các tuyến trên bề mặt da. Khi nặng hơn và cần thiết thì có thể bôi các loại kem chống viêm chứa sterocorticoid. Đặc biệt ở trẻ nhỏ, nếu không chú ý lau sạch và khô mồ hôi thì chỉ sau vài giờ những vùng da kín như bẹn, nách cổ (dưới cằm), khe mông có thể nổi mụn ngứa, thậm chí loét chợt da. Ngoài rôm sảy, mùa hè nóng ẩm còn là điều kiện tốt cho các loại nấm phát triển (hắc lào, lang ben, nấm kẽ, nấm tóc...), viêm nang lông, kể cả các ký sinh trùng trên da (ghẻ lở, chấy, rận...) hay kích hoạt các quá trình viêm da do dị ứng (chàm eczema...). Chính vì vậy, ngoài việc giữ gìn vệ sinh cho trẻ, các bậc cha mẹ cần kiểm tra thường xuyên những vùng da kín, đặc biệt khi trẻ có biểu hiện ngứa để phát hiện và điều trị sớm các bệnh ngoài da. Điều trị các bệnh này thường phải bôi kem có chứa thuốc chống viêm steroid, chống nấm và kháng sinh theo chỉ định của thầy thuốc.

K.O (nguồn SK&ĐS)

 


Ý kiến bạn đọc