Multimedia Đọc Báo in

Phối hợp với các bộ, ngành, địa phương để tháo gỡ khó khăn về vốn cho doanh nghiệp

14:00, 09/07/2012

Đó là một trong những giải pháp sẽ được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) tập trung thực hiện trong 6 tháng cuối năm 2012.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Theo NHNN: 6 tháng đầu năm 2012 tín dụng tăng trưởng ở mức thấp nhưng  cơ cấu tín dụng tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực, tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ, giảm dần tỷ trọng dư nợ đối với các lĩnh vực không khuyến khích. Tính đến ngày 30-6, tín dụng tăng 0,76% so với cuối năm 2011 (nếu tính cả số dư đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp và ủy thác thì tăng khoảng 1,4%). Tín dụng  tăng cao đối với các ngành, lĩnh vực ưu tiên, giảm mạnh đối với các lĩnh vực không khuyến khích. Cụ thể, đến 31-5-2012, tín dụng xuất khẩu tăng 12,63%, nông nghiệp nông thôn tăng 3%, công nghiệp hỗ trợ ước tăng 7,13%; riêng tín dụng đối với doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa tính đến 31-3-2012 giảm 13,69%. Dư nợ đối với lĩnh vực không khuyến khích chiếm 5,25% so với tổng dư nợ cho vay, giảm gần 6% so với tỷ trọng cuối năm 2011.

Tín dụng giảm do nhiều nguyên nhân, như: Cầu tín dụng ở mức thấp do cầu trong nước và nước ngoài tăng thấp, DN gặp nhiều khó khăn, hàng tồn kho lớn nên hạn chế khả năng hấp thụ vốn của ngân hàng (NH). Khả năng trả nợ NH của DN và hộ dân suy giảm trong điều kiện khó khăn về đầu ra, thị trường bất động sản thanh khoản kém gây khó khăn cho hoạt động của các TCTD do phần lớn tài sản thế chấp các khoản vay có nguồn gốc bất động sản, bởi vậy các TCTD có xu hướng quy định các điều kiện cho vay chặt chẽ hơn để hạn chế rủi ro và bảo đảm an toàn tín dụng...

Trong những tháng còn lại của năm 2012, NHNN sẽ tập trung theo dõi sát tình hình tăng trưởng tín dụng của toàn hệ thống, bảo đảm tăng trưởng tín dụng đi đôi với an toàn hệ thống và từng TCTD; chỉ đạo các TCTD tập trung vốn cho vay các lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, DN nhỏ và vừa, công nghiệp hỗ trợ; kiểm soát tỷ trọng dư nợ cho vay đối với các lĩnh vực không khuyến khích so với tổng dư nợ cho vay, phấn đấu trong 6 tháng cuối năm đạt mức tăng trưởng tín dụng 8-10%. Theo dõi sát tình hình hoạt động của các DN để đề xuất kịp thời các giải pháp về tiền tệ, tín dụng phù hợp với chủ trương và định hướng của Chính phủ. Chủ động làm việc ngay với các bộ, ngành, các hiệp hội ngành hàng, các địa phương để phối hợp tìm các giải pháp xử lý hàng tồn kho, tháo gỡ khó khăn cho DN, đẩy mạnh sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Có giải pháp hợp lý xử lý nợ xấu của DN và NH tạo thêm thanh khoản cho nền kinh tế.

L.N


Ý kiến bạn đọc