Multimedia Đọc Báo in

Mùa đông không lạnh chưa hẳn đã vui...

08:36, 02/01/2016
Trái đất ấm lên – tưởng là đề tài khoa học xa xôi nào đó được các nhà lãnh đạo thế giới bàn thảo tại hội nghị về biến đổi khí hậu của Liên hiệp quốc nhưng thực ra lại là điều mà nhiều người có thể cảm nhận rõ rệt.

Cô bạn tôi sống ở Phần Lan – một đất nước Bắc Âu lạnh giá, cho biết: “Càng ngày mùa đông ở đây càng ấm áp hơn xưa. Ngày xưa tầm tháng 12 là toàn âm 20 độ trở xuống, ngày tết tây bao giờ cũng âm 30 độ. Nhưng vài năm trở lại đây thì hiếm khi bị lạnh như thế”. Một chị bạn sống ở Cộng hòa Séc cũng kể rằng năm 2015 là năm thứ tư liên tiếp mà tháng 12 không hề có tuyết, bầu trời vẫn cao xanh và nắng vẫn vàng, thậm chí rau cải vẫn mọc trong vườn giữa mùa đông châu Âu.

Cũng chẳng phải ở tận châu Âu xa xôi. Ở Việt Nam năm nay, mùa đông cũng không lạnh lắm còn mưa thì quá ít đến mức các chuyên gia khí tượng đã phải đưa ra lời cảnh báo về hạn hán khốc liệt sắp tới. Một khách sạn lớn ở trung tâm TP. Buôn Ma Thuột đang phải khoan giếng. Và một cô bạn đồng nghiệp thì đang sợ tái diễn cảnh đêm 30 Tết phải điện thoại nhờ Công ty cấp nước điều xe chở nước đến “cứu giúp”.

Rõ ràng, hệ lụy của hiện tượng ấm lên toàn cầu đã đến rất gần. Nhưng, ngoài việc đọc tin để biết rằng lãnh đạo các nước cam kết giảm khí thải nhà kính để ngăn trái đất nóng lên không quá 2 độ C, đã có mấy ai suy nghĩ rằng mình nên làm thế nào để góp phần ngăn chặn điều đó? Chúng ta vẫn vô tư xả rác, sử dụng túi nylon bừa bãi; sử dụng điện, nước một cách lãng phí; săn tìm đồ vật làm bằng các loại gỗ quý cổ thụ và ăn thịt thú rừng… Để rồi, trải qua những mùa hạn hán khốc liệt hay bão lũ dữ dội, chúng ta vẫn đổ tại “thiên nhiên khắc nghiệt” mà không nghĩ rằng đó chính là hậu quả từ cách ứng xử tệ bạc với tự nhiên của chính con người.

Các quốc gia đang đi tìm những nguồn năng lượng sạch từ mặt trời, gió, sóng biển để thay thế than đá, dầu mỏ…; đang trồng lại những cánh rừng để phủ xanh trái đất; sáng chế ra những vật liệu sinh học có thể tự hủy và thân thiện với môi trường… Nhưng như thế là chưa đủ nếu mỗi người không tự ý thức và thay đổi lối sống của mình, bắt đầu bằng những việc nhỏ nhất mà ai cũng có thể làm được như: phân loại rác thải tại nhà, đổ rác đúng nơi đúng chỗ, hạn chế sử dụng túi nylon, sử dụng điện, nước tiết kiệm, trồng thêm cây xanh…

              Hải Như


Ý kiến bạn đọc