Multimedia Đọc Báo in

Kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội:

Người kể chuyện lịch sử bằng âm nhạc

15:54, 07/07/2010
"Đây sông Hồng, sông Cái" và "Không chỉ là huyền thoại" của nhạc sĩ Vĩnh Cát  là hai sáng tác mới nói về lịch sử, văn hóa của mảnh đất Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội. Đó cũng là kết quả của tình yêu Hà Nội, gắn bó với văn hóa Hà Nội trong suốt cuộc đời nhạc sĩ.
Nhạc sĩ Vĩnh Cát bắt đầu viết hai tác phẩm kể chuyện lịch sử, văn hóa và con người Hà Nội bằng nhạc giao hưởng này từ tháng 10-2008 đến cuối tháng 12-2009. Hai tác phẩm với gần 500 trang tổng phổ vào tuổi xưa nay hiếm (75 tuổi) đã cho thấy tình yêu Hà Nội, tận tâm tận lực với Hà Nội của ông như thế nào. 
 
Bản Concerto nhan đề “ Đây sông Hồng - sông Cái” viết cho đàn violon và nhạc giao hưởng khai thác đặc trưng của con sông Hồng, gồm 3 chương. Chương I “ Soi bóng kinh thành” với nội dung sông Hồng luôn là tấm gương phản chiếu toàn bộ đời sống xã hội của Thăng Long xưa, Hà Nội nay suốt 1000 năm lịch sử. Chương II “ Lấp lánh đỏ sóng phù sa” miêu tả màu đỏ đặc trưng của dòng sông Mẹ - sông Hồng. Nhưng màu đỏ ấy không chỉ có phù sa mà còn có cả máu của các chiến sĩ đã ngã xuống vì sự bình yên của thủ đô yêu dấu để hôm nay sông Hồng vẫn “ Mãi dạt dào, ơi dòng sông” (Chương III).
Nhạc sĩ Vĩnh Cát (Ảnh: internet)
Nhạc sĩ Vĩnh Cát    (Ảnh: internet)
Bản giao hưởng “ Không chỉ là huyền thoại” gắn với chuyện kể về hành trình định đô của vua Lý Công Uẩn ở thành Đại La. Câu chuyện đó nghìn năm về trước là ước mơ, là huyền thoại nhưng nghìn năm sau đang trở thành hiện thực và được thể hiện xuyên suốt qua 5 chương: “ Đế đô cho muôn đời”; “ Tình người Thăng Long - Hà Nội”, “ Những thiên sử vàng”; “ Sức sống kinh kỳ” và “ Đất nước tiên rồng cất cánh”. Tác phẩm này được nhạc sĩ mạnh dạn đưa tiếng cồng, chiêng, tiếng trống trong lễ hội; tiếng phách, tiếng đàn đáy trong ca trù; tiếng mõ, tiếng tụng kinh trong chùa; tiếng chuông, tiếng cầu nguyện của nhà thờ và cả nhạc dancing của lớp trẻ vào những đoạn điệp khúc để làm bật lên sức sống của mảnh đất nghìn năm.
 
Kỷ niệm sự kiện 100 ngày đến Đại lễ 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội, tối 4-7 vừa qua, chương trình biểu diễn nghệ thuật “Nhạc sĩ Vĩnh Cát với Hà Nội - Thủ đô yêu dấu” đã được tổ chức. Với sự góp sức của nhạc trưởng Schuichi Komiyama người Mỹ gốc Nhật Bản, hiện là Giám đốc Âm nhạc và Chỉ huy dàn nhạc giao hưởng Trường Đại học Tổng hợp Montana và dàn nhạc trẻ Billing tại Mỹ, và dàn nhạc giao hưởng của Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam, hai bản nhạc giao hưởng này đã được biểu diễn thành công. Đêm nhạc là một sự kiện nghệ thuật bác học, là món quà ý nghĩa dâng lên Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội đồng thời cũng mang đến cho người yêu âm nhạc Thủ đô một cảm xúc mới về lịch sử Thăng Long – Hà Nội.
 
Nam Hà

Ý kiến bạn đọc