Multimedia Đọc Báo in

Khi nhà thơ “cày” trên “ruộng” báo

20:14, 19/06/2010

 

Trong làng báo nước ta có rất nhiều nhà văn, đồng thời là nhà báo, mà cả hai lĩnh vực đều rất xuất sắc. Những năm đầu của thế kỷ XX có Ngô Tất Tố, Vũ Trọng Phụng,Tam Lang, Nam Cao, Vũ Bằng…Gần hơn thì có Thép Mới, Trần Bạch Đằng, Hoàng  Phủ Ngọc Tường, Nguyễn Đắc Xuân, Minh Chuyên… Hầu hết các nhà văn nước ta đều có làm báo và không ít các nhà báo  đã trở thành nhà văn chuyên nghiệp.
Nhưng còn các nhà thơ, những người “mơ theo trăng và vơ vẩn cùng mây” thì sao? Nhiều người vẫn cho rằng thơ là ngôn ngữ của cảm xúc, báo là ngôn ngữ của sự kiện, hai lĩnh vực rất khó dung hòa nên khó thành công như các nhà văn…Thế nhưng thực tế không hoàn toàn như vậy. Nhiều nhà thơ không chỉ nổi tiếng trên lĩnh vực thi ca, mà còn nổi danh trong làng báo. Chúng ta ai không biết đến Tản Đà - Nguyễn Khắc Hiếu, nhà thơ nổi tiếng đầu thế kỷ XX, tác giả của “Thề non nước”, “Khối tình lớn”, ”Khối tình con”… là một nhà báo trứ danh, từng là chủ bút báo Hữu Thanh, Đông Pháp Thời báo, An Nam Tạp chí nổi tiếng một thời…
Bác Hồ kính yêu không chỉ là một  nhà cách mạng vĩ đại, nhà thơ lớn mà còn là nhà báo lỗi lạc. Suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, Người đã làm hàng trăm bài thơ, viết hàng nghìn bài báo, là mẫu mực của sự hòa quyện tài năng thơ ca và báo chí trong một con người. Các nhà thơ hiện nay cũng không ít người thành công trên cả hai lĩnh vực này. Nhiều nhà thơ nổi tiếng đã từng hoặc đang nắm giữ những cương vị chủ chốt của các báo, như: Dương Kỳ Anh (Báo Tiền Phong), Hoàng Trần Cương (Thời Báo Tài chính), Trần Quang Quý, Nguyễn Thành Phong (Báo Gia đình - Xã hội), Trần Quang Đạo (Báo Nhi đồng)... Còn các nhà thơ làm đại diện cho các báo có lẽ còn nhiều lắm.
Nhiều nhà thơ ở miền Trung – Tây Nguyên, bằng tài năng và trình độ của mình, đã thực sự trở thành những nhà báo chuyên nghiệp nổi danh trên làng báo cả nước. Tại Huế, nhà thơ Ngô Minh có gần 15 năm thường trú cho báo Thương Mại, là cây bút chủ lực của báo. Nhà thơ làm báo đã khó, làm báo kinh tế lại càng khó hơn, nhưng anh đã thành công trên cả hai lĩnh vực thơ ca và báo chí. Ngoài báo Thương Mại, nhà thơ Ngô Minh còn cộng tác với nhiều báo, như: Tuổi Trẻ, Sài Gòn Giải phóng, Công an nhân dân, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, Đà Nẵng… Hiện tại, anh đã cho ra đời hơn 10 tập thơ, 6 tập phóng sự báo chí được bạn đọc đón nhận và đánh giá cao. Ở Huế có một nhà thơ làm báo tài tử nữa là nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo. Anh thuộc típ người “ham chơi” theo cách nói của Hoàng Phủ Ngọc Tường. Nguyễn Trọng Tạo viết khỏe, viết cho nhiều tờ báo, nhiều đề tài khác nhau, từ món cá rô chiên quê kiểng, đến các thứ rượu hảo hạng. Còn nhớ khi viết về rượu, anh đã đưa ra hình ảnh so sánh rất vui  “bên cạnh  bức tượng người phát minh ra nguyên tử cũng cần dựng lên bức tượng người phát minh…rượu”. Mấy năm nay anh ra Hà Nội, làm cho nhiều tờ báo như Báo Thơ (phụ san của báo Văn Nghệ), Sao Việt, Tạp chí Âm nhạc…
Còn ở Quảng Ngãi, nhà thơ Thanh Thảo thực sự làm nên một “thương  hiệu” báo chí cho riêng mình, với nhiều bài viết sắc sảo, đậm tính thời sự trên báo Thanh Niên. Không chỉ báo Thanh Niên, anh còn viết cho Lao Động, Nông Thôn ngày nay, Doanh Nhân Sài Gòn, Văn Nghệ, Sài Gòn Tiếp thị, Tổ Quốc… Đề tài của Thanh Thảo rất đa dạng: viết từ con cá bống Sông Trà đến những vấn đề nổi cộm của đất nước như các khu kinh tế Dung Quất, Chu Lai… Đặc biệt là các bài bình luận bóng đá trên báo Thanh Niên cũng đủ xếp anh vào những cây bút bình luận bóng đá có hạng trong làng báo. Một đồng nghiệp ở Quảng Ngãi kể: Ông Thanh Thảo hầu như quanh năm không ngủ, xem hết bóng đá trong nước đến bóng đá nước ngoài, khuya sớm không bỏ trận nào. Xem xong là viết bài gửi ngay cho kịp số báo ngày mai, không biết ông làm thơ lúc nào, thế mới tài…
Không thua kém đàn anh trên lĩnh vực báo chí, ở Gia Lai, nhà thơ Văn Công Hùng, Phó Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật Gia Lai cũng đang gầy  cho mình một “thương hiệu” báo chí. Là phóng viên thường trú của báo Văn Hóa ở Tây Nguyên, nên không có sự kiện văn hóa nào mà anh bỏ sót. Văn Công Hùng viết nhiều, viết khỏe cho nhiều báo, đặc biệt là báo các tỉnh Tây Nguyên ít khi nào vắng tên anh. Kết quả làm việc cật lực của anh được khẳng định với 4 tập thơ và mới đây anh đã cho ra đời tập phóng sự báo chí dày cộm “Con mắt Tây Nguyên” tập hợp những bài báo đặc sắc nhất của anh về văn hóa Tây Nguyên, làm nhiều người đọc say như uống rượu cần được ủ lâu năm.
Còn nhiều nhà thơ đang trần lưng “cày” trên ruộng “báo”, đang lấy nghề nuôi nghiệp mà với phạm vi bài viết này chưa kịp điểm qua. Các nhà thơ làm báo đều có một điểm chung ngoài sự mơ mộng vốn có của người làm thơ, họ cũng tỉnh táo bám sát thực tế sự kiện không kém các nhà báo khác.  Chính sự tài hoa và lao động cật lực của họ đã góp phần không nhỏ làm nên sự phong phú, đa dạng và hấp dẫn của báo chí.
Ngô Minh Thuyên

Ý kiến bạn đọc