Multimedia Đọc Báo in

Cần kịp thời phòng trừ chuột hại lúa vụ hè thu

10:53, 13/08/2020
Trà lúa hè thu chính vụ đang vào giai đoạn đẻ nhánh rộ, làm đòng (tượng khối sơ khởi), chuẩn bị trổ. Đây là giai đoạn cây lúa vươn lóng, hình thành đốt để chuẩn bị trổ bông, những đốt thân mềm, thơm ngọt là thức ăn khoái khẩu của chuột.
 
Những cánh đồng gieo sạ không đồng loạt thường bị chuột gây hại nặng hơn, bởi những ruộng gieo sớm lúa đang trổ đều, chuột tập trung vào ăn, cắn phá, rồi sinh sản ra nhiều thế hệ theo cấp số nhân. Khi ruộng này không còn thức ăn thì chuột sẽ sang những ruộng xung quanh.
 
Để phòng trừ chuột hiệu quả, phải phòng trừ liên tục, thường xuyên trên cả cánh đồng nhằm hạn chế sự sinh sản của chuột và giảm số lượng chuột gây hại trong sản xuất. Nếu trong vụ đông xuân trước mà bị chuột gây hại nhiều trên diện rộng thì ngay cuối vụ cần phải có kế hoạch diệt trừ chuột, đề phòng chuột tiếp tục gây hại ở vụ hè thu tiếp theo bằng nhiều biện pháp.
 
Trong vụ hè thu, thời điểm diệt chuột tập trung hiệu quả nhất khi lúa đang giai đoạn mạ đến đẻ nhánh (là đầu tháng 7). Về thời vụ, cần tổ chức xuống giống và thu hoạch đồng loạt, để thuận lợi cho việc phòng trừ. Tuyệt đối không gieo sạ sớm cục bộ sẽ tạo điều kiện cho chuột tập trung gây hại và phát triển lây lan.
 
Không nên gieo nhiều giống lúa có thời gian sinh trưởng khác nhau trên cùng cánh đồng để không có nguồn thức ăn liên tục và không tạo nơi cư trú an toàn cho chuột. Vệ sinh đồng ruộng nhằm cắt đứt nơi trú ẩn, sinh sống của chuột bằng cách phát quang bụi rậm, không để ruộng hoang, phá ổ chuột tại các bờ ruộng ngay sau khi thu hoạch vụ trước.
 
Một đám ruộng ở xã Hòa Xuân (TP. Buôn Ma Thuột) gieo sớm hơn trà chính vụ, bị chuột cắn vàng khô.
Một đám ruộng ở xã Hòa Xuân (TP. Buôn Ma Thuột) gieo sớm hơn trà chính vụ, bị chuột cắn vàng khô.
Khi phát hiện có hiện tượng chuột cắn phá gây hại thì cần áp dụng đồng thời nhiều biện pháp cùng một lúc thì mới có hiệu quả cao, như làm mất nơi cư trú của chuột bằng cách kiểm tra và phá hủy những nơi chuột trú ẩn. Giữ nước trong ruộng ở mức cao (10 -15 cm) trong giai đoạn lúa làm đòng và trổ để gom chuột lên chỗ cao rồi tổ chức bẫy bắt và diệt. Tìm và đào hang, đổ nước, hun khói, xông hơi bằng đất đèn (khí đá), đốt rơm trộn ớt khô… ở bờ, bụi xung quanh ruộng. Dùng các loại bẫy như bẫy bán nguyệt, bẫy lồng sập, bẫy dính…
 
Vì chuột là động vật rất tinh khôn nên cần ngụy trang cẩn thận cũng như dùng mồi nhử thích hợp (khoai lang, sắn tươi, ngô, cua, cá,…), đặt bẫy ở mô đất cao trong ruộng, sát bờ ruộng, ở những đường mòn chuột thường qua lại… Ngoài ra dùng bả diệt chuột sinh học BCS, Biorat hoặc KillRat… đặt nơi có chuột thường qua lại theo hướng dẫn của nhà sản xuất. Tuyên truyền, phổ biến cho nông dân không săn bắt, giết thịt các thiên địch của chuột có trong tự nhiên như rắn, trăn, cú mèo... để chúng tiêu diệt chuột.
 
Chỉ sử dụng thuốc hóa học ở những nơi xa khu dân cư, nơi đang bị chuột phá hại trầm trọng và phải thông báo cho mọi người biết để đề phòng gia cầm, gia súc vô tình chăn thả tại khu vực đó. Đối với hình thức diệt chuột bằng bả thuốc thì phải “mồi” trước bằng thức ăn không có thuốc liên tiếp 3 - 5 ngày để đánh lừa, làm chuột mất cảnh giác, sau đó thì dùng bả thuốc, các loại thuốc có thể sử dụng như Storm, Rat K 2%DP... Chú ý sau khi đặt bả thuốc, mỗi ngày phải đi thu gom mồi thừa và xác chuột chôn cẩn thận để đảm bảo an toàn cho người và môi trường.
 
Cẩm Lai
 

Ý kiến bạn đọc