Multimedia Đọc Báo in

Người lính và nỗi đau da cam

09:07, 10/08/2011

Chiến tranh đã lùi xa gần 40 năm, nhưng chất độc da cam hằng ngày vẫn hành hạ họ và gia đình cả thể chất lẫn tinh thần. Với bản lĩnh “thép” của người lính, họ không gục ngã nhưng phải đối mặt với quá nhiều khó khăn …

Ông Đặng Văn Nhuận (thôn 8, xã Hòa Khánh, TP. Buôn Ma Thuột): Nếu không có chất độc da cam, chúng tôi không phải khổ cực như thế

 

4 năm trong quân ngũ (từ 1974 đến 1978), tham gia đánh nhiều trận trải dài từ Quảng Trị đến miền Đông Nam bộ, nhiều lúc chúng tôi đã bị “tắm” trong “biển” chất độc hóa học do địch rải. Và, thứ chất độc quái ác này không chỉ tàn phá cơ thể tôi mà còn lan sang các con. Vợ chồng tôi có cả thảy 5 con gái, trong đó có 2 con (sinh năm 1987 và 1997) bị nhiễm nặng: bụng và đầu to, chân tay không phát triển, không nói được, không có răng… Nhà nghèo, nguồn sống chính là số tiền kiếm được từ việc làm gần 2 sào rau xanh trong vườn và làm thuê cuốc mướn của 2 vợ chồng. Từ ngày sinh các cháu này đến nay, lúc nào vợ chồng tôi cũng phải cắt cử một người ở nhà để trông nom và chăm sóc chúng nên cuộc sống càng khó khăn hơn. Cũng từ ngày đó, chưa đêm nào chúng tôi được ngủ ngon giấc vì phải luôn túc trực, chăm sóc con mỗi khi cơn đau hành hạ chúng.
Với việc chăm chỉ làm lụng, sống giản dị, tiết kiệm như gia đình chúng tôi, một điều có thể khẳng định chắc chắn rằng, nếu không bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam, cuộc sống của gia đình chúng tôi đã hoàn toàn khác, sẽ hạnh phúc và sung túc hơn.

Ông Nguyễn Văn Thiện (thôn 8, xã Ea Đar, huyện Ea Kar): Vết thương không bao giờ lành

 
Vợ chồng tôi có 6 con, trong đó có 2 con bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam ở dạng nặng nên một cháu mất từ lúc mới lọt lòng mẹ, còn một cháu gái (tên Nguyễn Thị Thành, sinh năm 1981) còn sống thì tứ chi tàn tật, câm, điếc, mắt không có con ngươi.
Kể từ ngày sinh cháu Thành, lúc nào vợ chồng tôi cũng tất bật, vất vả hơn cả việc chăm sóc con nhỏ. Sợ nhất là những hôm trời nắng nóng, suốt đêm Thành không ngủ được mà thường xuyên la hét, xé rách áo quần, thậm chí là bứt sạch tóc cả một vùng đầu. Những lúc như thế này, vợ chồng tôi phải thay nhau thức trắng đêm để ôm giữ con. Suốt ba mươi năm qua, chưa bao giờ lòng chúng tôi thôi quặn đau theo từng cơn đau của con. Mỗi khi thấy con quằn quại chống đỡ sự hành hạ của bệnh tật, lòng chúng tôi lại đau nhói vì chẳng làm gì được cho con. Bây giờ, mỗi khi đi làm thì cơn đau tạm lắng xuống nhưng đến lúc nhìn thấy con là lòng chúng tôi lại đau thắt xen lẫn lo lắng: Một ngày nào đó, khi vợ chồng tôi không còn trên cõi đời này, chẳng biết cháu sẽ nương tựa vào đâu!

Ông Phạm Huy Nghệ (thôn Quỳnh Ngọc, xã Ea Na, huyện Krông Ana): Chất độc da cam đã lấy của chúng tôi quá nhiều thứ

 

Chất độc da cam gây cho chúng tôi quá nhiều mất mát, cả vật chất lẫn tinh thần. Thứ chất độc này không chỉ hủy hoại cuộc sống của thế hệ chúng tôi mà còn đeo bám, gieo bất hạnh cho các thế hệ sau.
Gia đình tôi có 7 người con nhưng chỉ được 3 đứa lành lặn. Riêng 4 đứa con lớn, khi sinh ra thì bình thường nhưng sau 3 tháng là bắt đầu phát bệnh: đầu to dần một cách khác thường, chân tay biến dạng, tóc rụng, chỉ nằm một chỗ và khoảng 2 năm sau thì chết. Nhiều đồng đội khác cũng vậy, có trường hợp cả hai vợ chồng cùng bị nhiễm chất độc da cam nên 2 đứa con của họ bị nhiễm nặng, chỉ sống được hơn chục năm kể từ lúc sinh ra. Trường hợp cựu chiến binh Nguyễn Công Huấn ở xã Dur Kmăl cũng thế, cũng vì ảnh hưởng của chất độc da cam nên 2 người con của họ bị bệnh tâm thần, trong đó có một người bị nặng, suốt ngày đập phá, phải nhốt vào trong cũi… Ngoài những thiệt hại về kinh tế do sức khỏe yếu không làm được nhiều việc lại phải bỏ ra nhiều tiền của để chăm sóc sức khỏe, chất độc da cam còn ngày ngày “ăn mòn” tinh thần của chúng tôi. Không ít trường hợp ngã quỵ do suốt ngày bị dằn vặt vì thứ chất độc trong cơ thể mình đã lan truyền sang các con, khiến chúng phải chịu cảnh bệnh tật hoặc chết oan uổng.

Ông Phan Đức Đồng (thôn 4, xã Quảng Điền, huyện Krông Ana): Vực sâu của sự cùng cực

 
Vợ chồng chúng tôi có cả thảy 6 người con (4 trai, 2 gái) thì cả 6 đều bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam. Đứa đầu lòng lúc nhỏ ít bệnh vặt nhưng năm học lớp 1 bắt đầu nói ngọng, lãng tai. Lên lớp 2 thì không nghe, không nói được nữa. Đứa thứ hai được 5 tuổi cũng bắt đầu có biểu hiện nghe, nói khó khăn, sợ người lạ và thích ngồi một mình, rồi sau đó một thời gian ngắn cũng câm, điếc hẳn như anh nó. Đứa con trai thứ ba cũng thế, vừa bắt đầu đi học là trở nên nói ngọng rồi câm điếc luôn. Đứa thứ tư còn tệ hơn, bị hở hàm ếch, câm điếc bẩm sinh ngay từ lúc mới lọt lòng mẹ. Đến đứa thứ năm, lên 2 tuổi thì biết nói nhưng tới năm 7 tuổi thì điếc nặng, chỉ còn có thể nói bập bẹ. Đứa con út vào lớp 1 cũng bắt đầu lãng tai, nói năng khó khăn.
Từ ngày các con bị bệnh, nghe mọi người mách ở đâu có thầy thuốc giỏi, vợ chồng tôi đều lặn lội tìm đến nhờ chạy chữa. Bao nhiêu tiền của lần lượt “đội nón ra đi” nhưng vì các con tôi bị nhiễm chất độc da cam quá nặng nên không thể chữa trị được. 7 năm tham gia chiến đấu trên nhiều mặt trận, từ Quảng Trị đến Kon Tum, chất độc da cam thấm vào cơ thể tôi không ít, đã gây nên những cơn đau thắt tận xương tủy, nhưng có lẽ không đau bằng cảnh hàng ngày nhìn 6 đứa con tật nguyền, không học hành gì được.

Ông Nguyễn Văn Tứ (thôn 10, xã Ea Tiêu, huyện Cư Kuin): Nỗi đau không thể nói thành lời

 

9 năm tham gia quân ngũ (từ 1964 đến 1975), từng đối diện với họng súng của địch nhưng chưa bao giờ chúng tôi lại cảm thấy sợ hãi, suy sụp như đối diện với bản thân hiện nay. Điều chúng tôi sợ hãi không phải sự thiếu đói mà là nỗi day dứt vì mình mà các con phải chịu cảnh tật nguyền, sống đời sống thực vật.
Chúng tôi có tất cả 6 người con nhưng một nửa trong số đó bị ảnh hưởng nặng nề bởi chất độc da cam: 1 đứa đã chết sau khi sinh ra được 3 tháng, 2 đứa còn lại sống cảnh lây lất, thường xuyên ốm đau. Trong đó, nặng nhất là cháu Nguyễn Thị Thủy (sinh năm 1990), bị câm điếc ngay từ khi mới lọt lòng mẹ, tứ chi kém phát triển nên đã hơn 20 tuổi nhưng chẳng khác nào đứa trẻ lên 5. Các cháu bị bệnh tật hành hạ, thường xuyên quằn quại trong những cơn đau nên ngủ rất ít. Mỗi đêm, chúng tôi phải thức giấc hơn chục lần, thậm chí thức trắng đêm để canh giữ, chăm sóc các cháu-đây là công việc quá sức chịu đựng của những người đã ngoài 70 tuổi như vợ chồng chúng tôi. Nhìn con cái bị bệnh tật hành hạ, vợ chồng tôi đau thắt lòng, rồi lại động viên nhau cố gắng giữ sức khỏe để còn sống và chăm sóc các con.

L.N (ghi)

Ý kiến bạn đọc