Multimedia Đọc Báo in

"Ám ảnh" chuyện quá tải ở khoa Nhi tổng hợp

10:18, 25/09/2015

Ngoài phòng khám bệnh nhân đông như nêm cối, trong phòng bệnh 3-4 trẻ nằm chung một giường, hành lang cũng thành phòng bệnh, bệnh nhân mệt mỏi, bác sĩ quay cuồng… Đó là tình trạng quá tải bệnh nhân trầm trọng đang diễn ra tại khoa Nhi tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa tỉnh.

120 giường điều trị gần 300 bệnh nhân

Mới đầu giờ sáng mà phòng khám nhi của Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã nhanh chóng được lấp đầy. Người mỗi lúc một đông, ai may mắn thì tìm được chỗ ngồi chờ tới lượt khám, ai đến sau chỉ biết chen chân để có một chỗ đứng để chờ. Người đông, phòng nhỏ khiến cho không khí trở nên ngột ngạt. Nhiều trẻ nhỏ lại “thi nhau” khóc càng làm cho không khí ngột ngạt hơn. Bên trong phòng khám, bác sĩ luôn tay, miệng hỏi không ngừng nhưng cũng không thể đẩy nhanh tiến độ hơn. Một bác sĩ chia sẻ: “Theo quy định, thời gian khám cho một bệnh nhân là 15 phút, nhưng trên thực tế việc khám bệnh cho một bệnh nhân chỉ diễn ra trong vòng khoảng 3 phút, bởi lượng bệnh tập trung mỗi lúc một đông nếu thực hiện đúng quy định thì có người phải chờ đến ngày hôm sau mới đến lượt khám bệnh. Chỉ cần làm một phép tính đơn giản cũng đủ thấy “công suất” làm việc của bác sĩ quá tải đến đâu”.

Một phòng điều trị bệnh nhi quá tải.
Một phòng điều trị bệnh nhi quá tải.

Phòng khám đã vậy, phòng điều trị cũng quá tải trầm trọng. Hầu hết mỗi giường bệnh tại khoa Nhi tổng hợp đều “biên chế” từ 3-5 bệnh nhân. Phòng nhỏ nhất rộng chưa đầy 10 m2 với 3 giường bệnh, nhưng có đến hơn 10 bệnh nhi nằm chung và kèm theo đó là hơn 10 người nhà. Bố mẹ các cháu người đứng, người ngồi ôm con dỗ dành; đồ dùng mang theo thì để dưới gầm giường để lấy chỗ kê thêm giường xếp, võng cho trẻ nằm. Tiếng trẻ khóc, tiếng người nhà gọi bác sĩ, tiếng điều dưỡng hướng dẫn chăm sóc bệnh liên tục vang lên…, tất cả tạo nên một khung cảnh ngột ngạt, không bảo đảm vệ sinh. Chị Nguyễn Thị Hoài, mẹ của bệnh nhi Nguyễn Công Thành, 12 tháng tuổi ở thôn Quỳnh Ngọc, xã Ea Na, huyện Krông Ana chia sẻ: “Con tôi nhập viện đã ngày thứ 5 nhưng ngày nào cũng nằm chung 3-4 trẻ một giường bệnh. Cái giường rộng 8 tấc mà có đến 3-4 trẻ thì chỉ ngồi thôi đã chật nói gì chuyện nằm. Vì thế, mấy bà mẹ chúng tôi thay phiên nhau bế con ra hành lang để nhường chỗ cho trẻ nằm khi ngủ. Buổi tối thì trải chiếu, kê võng, giường xếp ra nền nhà, hành lang để lấy chỗ cho các con ngủ…”. Còn anh Trần Văn Viễn, bố của bệnh nhân Trần Minh Tuấn, 5 tháng tuổi ở thôn Ngã Ba, xã Đắk Liêng, huyện Lắk than thở: “Khi vào viện con tôi bị bệnh viêm phổi, sau 4 ngày điều trị, bệnh vừa bớt thì giờ cháu lại lây bệnh tiêu chảy của các trẻ khác. Cứ tình cảnh này chẳng biết đến bao giờ cháu mới được ra viện”.

Thường xuyên chứng kiến cảnh tượng ấy, nhưng các y bác sĩ cũng phải bó tay vì không biết đưa bệnh nhân đi đâu. Thạc sĩ, bác sĩ Trần Thị Thúy Minh, Trưởng khoa Nhi tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết: “Ngày bình thường (thời điểm không có dịch bệnh) tình trạng quá tải của khoa duy trì ở mức 140-150% công suất giường bệnh, lúc cao điểm quá tải lên đến 250%, thậm chí là 300%. Chúng tôi cũng không muốn các cháu phải nằm điều trị ngoài hành lang nhưng quả thực không còn chỗ để các cháu nằm, trong khi lượng bệnh mới vào khoa mỗi ngày lên đến trên 50 cháu. Ngay cả những bệnh nhân nặng cũng phải nằm 3 - 4 cháu chung một giường. Song điều tôi lo lắng nhất là tình trạng nằm ghép 3, ghép 4 như hiện nay khiến cho trẻ dễ bị lây nhiễm chéo các bệnh lý khác. Lo lắng là vậy, nhưng khi có bệnh mới vào, dù không còn chỗ nằm thì chúng tôi cũng không thể không tiếp nhận”.

Y bác sĩ phải truyền nước nhưng vẫn làm việc

Tình trạng quá tải bệnh nhân diễn ra thường xuyên và kéo dài, trong khi nhân lực của khoa Nhi tổng hợp ở cả 2 bộ phận khám và điều trị chỉ có 74 người nên các y bác sĩ cũng phải làm việc quá sức. Bệnh nhân quá đông, quy trình thăm khám bệnh nhân của trưởng khoa và các bác sĩ, rồi quy trình điều phối nhân lực của điều dưỡng trưởng cũng được thay đổi để bảo đảm cho công việc đạt hiệu quả. Theo Thạc sĩ, bác sĩ Trần Thị Thúy Minh: “Thời gian này, lượng bệnh vào viện quá nhiều, tất cả cán bộ, y bác sĩ của khoa không ai được nghỉ bù, nghỉ phép, thậm chí còn phải làm thêm ngoài giờ để bảo đảm công tác khám chữa bệnh tại khoa. Làm việc quá sức khiến nhiều điều dưỡng mệt mỏi. Thậm chí, tại khoa đã có một số y tá, điều dưỡng lây bệnh từ bệnh nhân, nhưng họ vẫn cố hết sức làm việc, có người tranh thủ giờ nghỉ trưa đi truyền nước, truyền xong lại về làm việc tại khoa”.

Được biết, để đối phó với tình trạng quá tải thường xuyên, bệnh viện đã có nhiều giải pháp như: cơi nới phòng ốc, kê thêm giường bệnh, tăng cường nhân lực ở một số khoa phòng về hỗ trợ khi quá tải tăng cao… nhưng cho đến nay tình trạng quá tải tại khoa Nhi tổng hợp vẫn không giảm bớt. Cũng theo Thạc sĩ, bác sĩ Trần Thị Thúy Minh, nguyên nhân khiến số trẻ nhập viện tăng cao trong những ngày này là do điều kiện thời tiết thay đổi bất thường, tạo điều kiện cho mầm bệnh, vi rút phát triển, nhất là trẻ nhỏ dễ mắc các bệnh về hô hấp. Bên cạnh đó, hiện tại đang là thời điểm bệnh sốt xuất huyết gia tăng nên lượng bệnh nhi vào viện lại càng nhiều thêm. Chính vì thế, bác sĩ Minh cho rằng, ý thức phòng chống bệnh cho trẻ ở các bậc phụ huynh tốt cũng sẽ là một biện pháp giúp giảm tải bệnh viện hữu hiệu. Vì khi trẻ được phòng bệnh tốt, lượng trẻ vào viện không ồ ạt thì tình trạng quá tải cũng sẽ giảm bớt. Do đó, bác sĩ Minh khuyến cáo, để phòng bệnh cho trẻ, các bậc cha mẹ nên cho trẻ đi tiêm phòng đầy đủ và đúng lịch; tránh cho trẻ tiếp xúc với trẻ đang mắc bệnh; trong gia đình có người bị các bệnh về hô hấp thì phải đeo khẩu trang khi tiếp xúc với trẻ. Với bệnh sốt xuất huyết, cần giữ gìn vệ sinh môi trường xung quanh nơi ở, loại bỏ các dụng cụ phế thải đọng nước để diệt lăng quăng, bọ gậy, diệt muỗi; đồng thời giữ cho trẻ không bị muỗi đốt lúc sáng sớm và chiều tà.

 Kim Oanh


Ý kiến bạn đọc


(Video) Tăng cường kiểm tra, bảo đảm an toàn thực phẩm
Vệ sinh an toàn thực phẩm đang là vấn đề nóng, được xã hội đặc biệt quan tâm. Nhằm đảm bảo an toàn, sức khỏe cho người dân, Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk đã có nhiều cố gắng trong công tác quản lý, kiểm tra để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý những cơ sở sản xuất, buôn bán thực phẩm không an toàn.