Multimedia Đọc Báo in

Khu văn hóa thể thao và hạ tầng kỹ thuật phục vụ đồng bào dân tộc thiểu số tại huyện Ea Súp:

Thiếu cơ sở vật chất để vận hành

08:07, 03/05/2024

Công trình Khu văn hóa thể thao và hạ tầng kỹ thuật phục vụ 5 buôn đồng bào dân tộc thiểu số tại thị trấn Ea Súp, huyện Ea Súp (gọi tắt là công trình) đã hoàn thành, bàn giao cho Trung tâm Truyền thông - Văn hóa - Thể thao huyện quản lý vào tháng 3/2024. Tuy nhiên, hiện nay công trình vẫn còn thiếu một số cơ sở vật chất, hạng mục khiến việc sinh hoạt văn hóa, thể thao của người dân gặp nhiều khó khăn.

Công trình do Ban Quản lý dự án đầu tư huyện Ea Súp làm chủ đầu tư, với tổng kinh phí 12,6 tỷ đồng từ nguồn vốn của ngân sách tỉnh và ngân sách huyện.

Công trình bao gồm hai hạng mục chính là Nhà thi đấu đa năng, Nhà truyền thống và văn hóa cộng đồng. Nhà thi đấu đa năng được xây dựng theo tiêu chuẩn cấp III, 1 tầng với tổng diện tích trên 1.500 m2 gồm: nền sân thi đấu, sảnh đón, phòng nghỉ, khu vệ sinh, hệ thống cấp điện, chống sét, cấp thoát nước, phòng cháy chữa cháy...

Nhà truyền thống và văn hóa cộng đồng được xây dựng theo tiêu chuẩn cấp III, 1 tầng, với diện tích gần 159 m2.

Nhà thi đấu đa năng tại thị trấn Ea Súp (huyện Ea Súp) đã được hoàn thành, nhưng chưa có cơ sở vật chất để vận hành.

Theo ông Nguyễn Mạnh Cương, Giám đốc Trung tâm Truyền thông - Văn hóa - Thể thao huyện Ea Súp, công trình hoàn thành và đưa vào vận hành sẽ góp phần đẩy mạnh các hoạt động giao lưu văn hóa và thể thao; nâng cao đời sống tinh thần cho bà con 5 buôn: A1, A2, B1, B2 và C của thị trấn Ea Súp (với 1.015 hộ, gồm 4.656 nhân khẩu) và tổ chức các giải thi đấu thể thao quy mô cấp huyện. Trong đó, Nhà thi đấu đa năng hoàn thành, đưa vào sử dụng sẽ phục vụ tập luyện và thi đấu các môn thể thao như: cầu lông, bóng chuyền, bóng bàn, nhưng đến nay vẫn chưa có các thiết bị vận hành.

Thời điểm bàn giao cho đơn vị quản lý, nhà thi đấu chưa được trang bị gì, Trung tâm phải trích nguồn kinh phí hoạt động sự nghiệp thể dục thể thao (TDTT) bổ sung một số thiết bị để hoạt động tạm thời như: làm sân cầu lông, cột bóng chuyền, bàn chơi bóng bàn… với kinh phí hơn 20 triệu đồng.

Thế nhưng những trang bị này chỉ có thể đáp ứng được nhu cầu tập luyện thể thao của người dân chứ không thể phục vụ tổ chức thi đấu. Do đó, mặc dù đã có Nhà thi đấu đa năng nhưng mỗi dịp có hoạt động thi đấu TDTT, địa phương vẫn phải tiếp tục tận dụng quảng trường trung tâm huyện hoặc các đơn vị sở tại có sân thể thao riêng.

Bên cạnh đó, sân vận động trước kia phục vụ môn bóng đá đã được quy hoạch làm công trình nên diện tích bị thu hẹp, không thể bố trí làm sân bóng đá ngoài trời. Mỗi khi tổ chức các giải đấu cấp huyện, đơn vị đều phải thuê sân bóng nhân tạo của tư nhân. Với bộ môn bơi lội vẫn chưa được xây dựng hồ bơi, trong khi toàn huyện hiện chỉ có 4 hồ bơi nhân tạo tư nhân và trong trường học, không đáp ứng đủ nhu cầu, công năng sử dụng.

Sân vận động trước kia tại thị trấn Ea Súp (huyện Ea Súp) phục vụ môn bóng đá đã được quy hoạch làm Nhà thi đấu đa năng nên diện tích bị thu hẹp, chưa thể bố trí làm sân bóng đá ngoài trời.

Việc cơ sở vật chất thiếu thốn chính là "rào cản" cho sự phát triển phong trào TDTT của huyện trong những năm qua. Theo đại diện Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Ea Súp, hằng năm, địa phương chỉ tổ chức được 5 - 6 giải đấu thể thao cấp huyện; 3 - 4 giải đấu cấp xã. Tính đến hết năm 2023, toàn huyện chỉ có khoảng 41,5% số người thường xuyên luyện tập TDTT, gần 53% số hộ đạt tiêu chuẩn gia đình thể thao. Do huyện ít có các điểm vui chơi giải trí, TDTT nên số lượng người tham gia tập luyện còn rất khiêm tốn. Cùng với đó, việc hình thành và phát triển mô hình các câu lạc bộ thể thao ở khu dân cư còn ít, chưa phổ biến do thiếu sân tập, người tập khiến nguồn vận động viên khan hiếm, dẫn đến thành tích thi đấu TDTT của huyện chưa cao.

Ông Nguyễn Mạnh Cương cho biết, bên cạnh Nhà thi đấu đa năng, Nhà truyền thống và văn hóa cộng đồng xây dựng xong nhưng vẫn để trống. Nguyên nhân là do hiện tại chưa có cơ sở vật chất và thiếu kinh phí phục vụ công tác bố trí, trưng bày sản phẩm văn hóa.

Thời gian tới, địa phương sẽ kêu gọi người dân sưu tầm, hiến tặng những sản phẩm văn hóa của các dân tộc trên địa bàn huyện như: nhạc cụ, trang phục truyền thống, công cụ lao động… và cử cán bộ chuyên trách của Trung tâm đến Bảo tàng Đắk Lắk học cách bài trí, bố trí để đưa công trình vào hoạt động.

"Để công trình Nhà thi đấu đa năng vận hành đúng chức năng thi đấu, Nhà truyền thống và văn hóa cộng đồng đi vào hoạt động phải cần có thêm kinh phí khoảng 200 triệu đồng. Tuy nhiên, hiện tại nguồn kinh phí TDTT của đơn vị rất hạn chế, không thể đáp ứng được, Trung tâm kiến nghị UBND huyện xem xét, bố trí kinh phí phù hợp để sớm đưa công trình vào hoạt động phục vụ nhu cầu đời sống văn hóa, thể thao của nhân dân", ông Cương nói.

Huệ Anh


Ý kiến bạn đọc