Multimedia Đọc Báo in

7 dạng kết hợp thực – dược phẩm cần tránh

15:01, 18/07/2014

Thịt xông khói và chocolate, ớt với bơ đậu phộng, chanh và thuốc ho hay táo với thuốc chống dị ứng... là những kiểu kết hợp thực - dược phẩm gây bất lợi cho cơ thể mà người tiêu dùng cần tránh.

1. Chanh với thuốc ho

Theo tiến sĩ, dược sĩ Mary Ellen Gullickson, Bệnh viện Marshfield Clinic Wisconsin (Mỹ) từ lâu giới y học đã khuyến cáo mọi người không nên uống nước bưởi ép với thuốc chữa bệnh, nhất là nhóm thuốc statin có tác dụng làm giảm cholesterol. Nhưng một số loại nước ép trái cây khác như chanh, hay cam cũng không tốt nếu dùng chung với thuốc ho. Lý do, các loại đồ uống này có thể phong bế một loại enzyme phân hủy statin cũng như một số loại thuốc khác, kể cả thuốc triệt ho dextromethorphan. Sự kết hợp vô tình nói trên làm cho thuốc tích tụ trong máu, gia tăng tác dụng phụ. Ví dụ như dextromethorphan có thể làm tăng ảo giác, gây buồn ngủ,  còn đối với statin có thể tăng tổn thương ở những mức độ khác nhau đến cơ thể. Hiệu ứng nước ép từ các loại trái cây có thể kéo dài trên một ngày đối với cơ thể. Vì lý do này, khi uống thuốc nên tránh các loại nước ép từ trái cây, nên đọc kỹ nhãn mác trước khi sử dụng mọi loại thuốc chữa bệnh, kể cả thuốc bổ, thực phẩm dưỡng sinh.

2. Sản phẩm sữa với thuốc kháng sinh

Một số loại thuốc kháng sinh, kể cả Cipro, có thể liên kết với canxi, sắt và các khoáng chất khác trong thực phẩm gốc sữa và làm giảm sự hấp thụ của thuốc kháng sinh, làm giảm tác dụng kháng viêm nhiễm của thuốc. Khi được kê đơn dùng thuốc kháng sinh như thuốc trị mụn trứng cá hay chống nhiễm trùng, tetracycline hoặc flouroquinolones thì nên tránh ăn sữa, sữa chua, pho mát và các sản phẩm từ sữa trước và sau  2 giờ uống thuốc. Ngoài ra, cũng cần tư vấn bác sĩ về thời gian khi dùng vitamin tổng hợp với  khoáng chất, vì hai loại thuốc này có tác dụng phụ giống như dùng kết hợp thuốc kháng sinh với các sản phẩm sữa.

3. Thịt hun khói với thuốc chống trầm cảm

Mỗi khi dùng bất kỳ loại thuốc nào liên quan đến tâm tính, nhất là thuốc chống trầm cảm, nên đọc kỹ nhãn mác và tư vấn cẩn thận bác sĩ. Đặc biệt, nhóm ức chế monoamine oxidase hoặc  MAOI, tên thương phẩm là Marplan, Nardil, Emsam, hoặc Parnate nếu dùng chung với các loại đồ ăn, thức uống giàu tyramine axit amin có thể làm tăng huyết áp, đe dọa tính mạng.  Ngoài ra, cũng  không nên dùng nhóm thuốc nói trên với xúc xích, cá hồi hun khói, rượu vang đỏ, dưa cải bắp, xúc xích, phomát để lâu năm và bia tự chế, riêng bia lon, hoặc bia chai lại không bị ảnh hưởng. Gần đây, nhóm thuốc MAOI đã được thay bằng thuốc chống trầm cảm thế hệ mới, ít các tác dụng phụ liên quan đến tyramine.

4 . Chocolate và Ritalin

Theo nghiên cứu của các chuyên gia ở Trung tâm Y tế Chicago (Mỹ), ngoài cà phê, chocolate  cũng có chứa chất kích thích được gọi là theobromine gây bất lợi cho cơ thể con người, nhất là khi dùng chung với thuốc chữa bệnh. Nếu dùng Ritalin lại ăn chocolate sẽ làm tăng hợp chất bất lợi, và một khi nó kết hợp với các chất kích thích khác có trong cơ thể con người sẽ dẫn đến tình trạng gây kích thích, làm tăng hành vi thất thường, tăng sự bồn chồn lo lắng và gây co giật. Nếu kết hợp Ritalin (thuốc trị ADHD và tự kỷ) với theobromine có trong chocolate thì mối nguy hại cho sức khỏe lại càng lớn, đặc biệt là chocolate thẫm màu, bởi có chứa hàm lượng caffeine và theobromine cao hơn các loại chocolates màu sắc khác.

5. Nước ép táo và thuốc dị ứng

Các nhà khoa học khuyến cáo không nên dùng ép cam, táo, bưởi với thuốc chống dị ứng Allegra (fexofenadine) hoặc không dùng nhóm đồ uống này ít nhất 4 giờ trước khi uống thuốc. Lý do, nhóm nước ép nói trên ức chế một peptide vận chuyển thuốc từ đường ruột vào máu và làm giảm quá trình hấp thụ Allegra tới 70%, nhất là khả năng ngăn chặn hắt hơi và sổ mũi. Vì lý do nói trên, khi phải uống thuốc kháng sinh như Cipro hoặc Levaquin, thuốc tuyến giáp Synthroid, thuốc dị ứng và điều trị hen suyễn Singulair thì không nên dùng các loại nước ép hoa quả nói trên trước và sau khi uống thuốc khoảng 4 giờ để tăng cường khả năng hoạt hóa peptide, giúp thuốc phát huy tác dụng ở mức cao nhất.

6. Quế và warfarin

Những người phải dùng thuốc loãng máu warfarin ngăn ngừa hoặc điều trị chứng đông máu thì nên thận trọng khi dùng vitamin K. Thực đơn trong ngày phải bảo đảm các món như rau xanh dạng lá hoặc bông cải xanh để duy trì hàm lượng vitamin K ở mức ổn định, không gây ảnh hưởng đến độ đậm đặc của máu. Nhưng khi dùng warfarin mà lại ăn quế thì gây phản tác dụng. Vì vậy, nếu đang dùng warfarin thì nên tránh xa các sản phẩm có chứa quế  hoặc chuyển sang dùng các loại gia vị khác, thân thiện và có lợi cho sức khỏe hơn.

7. Rượu và acetaminophen

Từ lâu, y học đã khuyến cáo mọi người nên tránh xa hoặc hạn chế dùng rượu vì nó gây bất lợi cho cơ thể, đặc biệt là khi phải uống thuốc chữa bệnh. Đặc biệt, khi dùng nhóm thuốc hạ sốt, giảm đau acetaminophen thì không nên uống rượu bởi nếu dùng rượu cơ thể sẽ huy động một loại enzyme đặc biệt để "rửa trôi" cả hai chất này. Để phát huy tác dụng cao nhất của thuốc, hạn chế tác dụng phụ thì trước và sau 6 giờ uống thuốc, không nên uống rượu bia. Với những người có thói quen uống rượu hằng ngày thì việc dùng Tylenol (tên thương phẩm của acetaminophen ở Mỹ và Canada) thậm chí còn gây bệnh cho gan và thận.

Khắc Hùng

(Theo MH-5-2014)


Ý kiến bạn đọc