Multimedia Đọc Báo in

Chăm sóc sức khỏe phụ nữ trước khi mang thai

09:58, 16/07/2014
Sức khỏe phụ nữ trước khi mang thai tốt sẽ bảo đảm nuôi dưỡng thai nhi tốt và giảm được các tai biến khi mang thai và sinh đẻ. Chăm sóc sức khỏe trước khi mang thai sẽ giúp bà mẹ tương lai phát hiện và phòng ngừa các yếu tố nguy cơ có thể ảnh hưởng đến việc mang thai hoặc những bệnh tật cho trẻ. Chính vì vậy, việc chăm sóc sức khỏe cho phụ nữ trước khi mang thai là rất quan trọng.

Những việc cần làm trong chăm sóc sức khỏe trước khi mang thai

- Tuổi của phụ nữ: Không nên mang thai và sinh con sớm trước tuổi 20, hạn chế sinh con sau tuổi 35. Sinh con trước tuổi 20 dễ làm cho phụ nữ bị suy dinh dưỡng, dễ bị thiếu máu khi có thai, thai chậm phát triển, đẻ non, dễ mắc các tai biến khi sinh con. Các chuyên gia y tế cho biết những trẻ sơ sinh sinh ra từ bà mẹ dưới 20 tuổi có tỷ lệ tử vong cao hơn so với các trẻ được sinh ra từ bà mẹ lớn hơn 20 tuổi. Ở lứa tuổi này thường phụ nữ cũng chưa có việc làm ổn định, bỏ dở việc học hành, chưa có kinh nghiệm và chưa chuẩn bị tâm lý tốt để làm mẹ nên việc chăm sóc và nuôi dưỡng trẻ cũng gặp nhiều khó khăn. Còn đối với phụ nữ trên 35 tuổi mà sinh con, đứa trẻ sẽ có những nguy cơ bất thường về mặt di truyền, làm gia tăng tỉ lệ sảy thai trong 3 tháng đầu cũng như thai bị lưu. Khi tuổi cha mẹ càng cao, khả năng thụ thai cũng kém hơn các cặp vợ chồng trẻ tuổi và diễn tiến thai kỳ cũng khó khăn hơn.

- Chế độ ăn uống: Đối với những chị em đang dự định mang thai cần ăn cân đối, khoa học giữa các nhóm thực phẩm như: đạm, chất béo, tinh bột, dầu mỡ. Bảo đảm việc lựa chọn và chế biến thực phẩm luôn an toàn, hợp vệ sinh. Bổ sung thêm những thực phẩm giàu chất xơ, tăng cường các loại rau xanh, trái cây. Bên cạnh đó, chú ý bổ sung những thực phẩm giàu axit folic như: bơ, rau súp lơ, rau cải xanh, các loại đỗ hoặc viên sắt có bổ sung axit folic để phòng ngừa dị tật thai nhi. Từ bỏ những thói quen không có lợi cho sức khỏe thai nhi như uống rượu bia, uống cà phê, hút thuốc lá. Tuyệt đối không được sử dụng những thực phẩm đã bị ôi thiu, nấm mốc.

- Duy trì cân nặng ở mức độ bình thường: Cần thực hiện chế độ giảm cân nếu cơ thể béo phì. Người mẹ bị béo phì khi mang thai sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ ảnh hưởng không tốt đến thai nhi, trong quá trình mang thai người mẹ cũng dễ bị mắc bệnh tiểu đường thai kỳ, tăng huyết áp thai kỳ. Trẻ được sinh ra từ những bà mẹ béo phì cũng có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường, tim mạch và béo phì sau này.  

- Khám phụ khoa nhằm điều trị dứt điểm một số bệnh viêm nhiễm đường sinh dục, kiểm tra xem có bất thường hay bệnh lý gì không như rối loại kinh nguyệt, buồng trứng đa nang… Thực hiện tình dục an toàn để tránh các bệnh lây truyền qua đường tình dục.

- Khám sức khỏe tổng quát nhằm phát hiện và điều trị dứt điểm các bệnh có khả năng gây ảnh hưởng đến kế hoạch có thai, những bệnh tiềm ẩn có thể phát triển khi có thai.

- Tiêm phòng một số bệnh nhằm tránh sự phát triển của bệnh trong giai đoạn mang thai gây ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ và thai nhi như: sảy thai, sinh non… Tiêm phòng các bệnh như: rubella, cảm cúm, thủy đậu, uốn ván. Đối với bệnh thủy đậu, bệnh rubella cần tiêm trước khi có thai 3 tháng. Bên cạnh đó cũng cần được tư vấn và làm xét nghiệm tự nguyện HIV, nếu chẳng may bị nhiễm HIV sẽ được tư vấn, điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con.

Chăm sóc sức khỏe trước khi mang thai giúp cho người phụ nữ bảo đảm được sức khỏe, nâng cao chất lượng cuộc sống, giảm được gánh nặng về chi phí y tế cho bản thân và cộng đồng.

Hồng Vân


Ý kiến bạn đọc