Multimedia Đọc Báo in

Ung thư cổ tử cung: Có thể chữa khỏi nếu phát hiện sớm

10:19, 06/05/2013

Ung thư cổ tử cung là loại bệnh phổ biến, đứng thứ 2 (sau ung thư vú) trong các ung thư ở phụ nữ và gây tử vong cao. Trên thế giới, mỗi năm có trên 530.000 trường hợp mắc mới và 280.000 trường hợp tử vong do ung thư cổ tử cung. Tại Việt Nam, theo số liệu ghi nhận ung thư năm 2010, mỗi năm có khoảng 13,6/100.000 dân mắc mới, tương đương với khoảng hơn 5.600 trường hợp. Ung thư cổ tử cung là loại ung thư nội tạng, rất nguy hiểm song có thể dễ dàng phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm và tỷ lệ chữa khỏi cao.

Nguyên nhân chính gây ung thư cổ tử cung là do vi rút Human Papillomavirus (HPV), vi rút gây u nhú ở người. Ung thư cổ tử cung thường gặp ở phụ nữ từ 35 tuổi trở lên, đã qua quan hệ tình dục. Ngoài ra, còn một số nguyên nhân như: sinh đẻ nhiều lần, có nhiều bạn tình, quan hệ tình dục với nhiều người, bị nhiễm virus đường sinh dục sớm, hút thuốc lá, gen di truyền, chế độ dinh dưỡng không phù hợp, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và tác động của điều kiện môi trường sống, tia bức xạ, hóa chất, vệ sinh, nghèo đói... Quá trình vi rút gây bệnh có thể ủ bệnh trong thời gian rất lâu, có khi hơn 10 năm, vì vậy mà người bệnh thường không nhận thấy triệu chứng gì trong thời gian đầu. Chỉ đến khi các tế bào ung thư di căn lây sang các tế bào và mô khác thì mới bắt đầu có các triệu chứng: khí hư không bình thường, dịch âm đạo tiết ra nhiều, đau hoặc chảy máu âm đạo, đau bụng hoặc thắt lưng, đau bụng trên, khung xương chậu, tiểu tiện khó, thiếu máu, mệt mỏi, giảm cân nhanh và đột ngột, chảy máu trực tràng hoặc bàng quang.

Ung thư cổ tử cung tuy nguy hiểm, tỷ lệ tử vong cao nhưng hoàn toàn có thể điều trị và kiểm soát được nếu phát hiện sớm. Để chẩn đoán ung thư cổ tử cung, các bác sĩ sẽ thực hiện các biện pháp: phiến đồ âm đạo nhằm phát hiện tế bào bất thường trên bề mặt cổ tử cung; khám cổ tử cung và âm đạo bằng một dụng cụ phóng đại, gọi là máy soi cổ tử cung; tiến hành sinh thiết để chẩn đoán, xác định dị sản, ung thư tại chỗ hoặc ung thư xâm lấn. Tùy theo từng trường hợp, từng giai đoạn tiến triển của bệnh mà bác sĩ sẽ hội chẩn và đưa ra phương pháp điều trị phù hợp cho bệnh nhân. Đối với trường hợp ung thư tại chỗ (phát hiện giai đoạn đầu) điều trị dễ dàng và tỷ lệ điều trị khỏi gần 100%. Các tế bào bất thường được đốt điện, đốt bằng laser hay đông lạnh hoặc phẫu thuật khoét chóp cổ tử cung. Các phương pháp điều trị trên không làm ảnh hưởng đến hứng thú tình dục hoặc khả năng sinh đẻ về sau. Phẫu thuật cắt tử cung chỉ được tiến hành khi có kèm theo các triệu chứng bệnh lý khác. Đối với ung thư thể xâm lấn (phát hiện muộn, ung thư bắt đầu di căn) đòi hỏi phải điều trị rộng hơn. Điều trị giai đoạn sớm bằng phẫu thuật triệt để cắt bỏ tử cung và các tổ chức lân cận, bao gồm các hạch trong khung chậu. Đôi khi xạ trị phối hợp với phẫu thuật, hoặc xạ trị đơn thuần, một số trường hợp cần thiết phải hóa trị, dùng thuốc chống ung thư. Tỷ lệ điều trị khỏi ung thư cổ tử cung ở giai đoạn sớm là 90%, nhưng tỷ lệ chữa khỏi chung cho mọi giai đoạn ung thư cổ tử cung chỉ đạt được 60%. Phẫu thuật cắt tử cung không ảnh hưởng lớn đến người phụ nữ và quan hệ tình dục, tuy nhiên khi cắt tử cung thì không còn khả năng sinh con.

Để phòng ngừa ung thư cổ tử cung cần thực hiện chế độ dinh dưỡng hợp lý, không ăn quá nhiều dầu mỡ, tăng cường rau xanh và hoa quả có nhiều vitamin A, C, E, D...; không ăn những thức ăn mốc, hỏng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, thực hiện kế hoạch hóa gia đình, quan hệ tình dục lành mạnh.... Ngoài ra, có hai cách phòng ngừa tốt nhất là tiêm vaccin để phòng nhiễm các tuýp HPV gây ung thư cổ tử cung và khám tầm soát ung thư cổ tử cung bằng phết tế bào cổ tử cung định kỳ cho những phụ nữ đã có quan hệ tình dục. Việc phòng ngừa đạt kết quả cao nhất khi kết hợp 2 phương pháp này.

Hiện nay, tại Việt Nam đã có vaccin ngừa những tuýp HPV gây ung thư phổ biến nhất, được tiêm cho phụ nữ trẻ dưới 26 tuổi, kể cả người chưa và đã có quan hệ tình dục đều có thể tiêm. Bên cạnh đó, những chị em đã có gia đình cần thực hiện khám phụ khoa và tầm soát bằng phương pháp phết tế bào cổ tử cung (PAP smear) định kỳ, ít nhất 1 năm/1 lần để phát hiện kịp thời và có giải pháp điều trị ở những giai đoạn sớm của bệnh.

Nguyễn Xuân - Ngọc Lan


Ý kiến bạn đọc


(Video) Tăng cường kiểm tra, bảo đảm an toàn thực phẩm
Vệ sinh an toàn thực phẩm đang là vấn đề nóng, được xã hội đặc biệt quan tâm. Nhằm đảm bảo an toàn, sức khỏe cho người dân, Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk đã có nhiều cố gắng trong công tác quản lý, kiểm tra để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý những cơ sở sản xuất, buôn bán thực phẩm không an toàn.