Multimedia Đọc Báo in

Chăm sóc sức khỏe mùa thi

19:44, 04/05/2013

Mùa thi tốt nghiệp, đại học, cao đẳng đã đến gần các em học sinh thường lo lắng học quên ăn, quên ngủ, học dồn dập. Hậu quả, có trường hợp học sinh ngủ gật trên lớp, học nhiều nhưng lại mau quên, có khi bị kiệt sức trong giờ học hay giờ thi… Do vậy, muốn các em tỉnh táo, có trí nhớ tốt để học và thu nhận khối lượng lớn kiến thức thì việc chăm sóc của phụ huynh đối với con em mình về bữa ăn, giấc ngủ một cách hợp lý là rất cần thiết bảo đảm sức khỏe và đạt kết quả tốt trong các kỳ thi. Ngoài ra, mỗi học sinh nên chuẩn bị tốt về kiến thức, tâm lý, thể lực và dinh dưỡng.

Ở độ tuổi từ 17-20, hằng ngày mỗi người cần ngủ khoảng 8 tiếng. Giấc ngủ rất cần thiết để duy trì hoạt động bình thường của tế bào não và giúp chuyển kiến thức từ trí nhớ ngắn hạn sang trí nhớ dài hạn. Muốn có được một giấc ngủ say, các em không nên thức quá khuya và hạn chế ngủ ngày. Nên rèn luyện thói quen ngủ đúng giờ và thức dậy đúng giờ. Không nên lạm dụng chè, cà phê, thuốc lá và socola để chống buồn ngủ. Những chất kích thích này thường gây hưng phấn nhất thời nhưng sau đó gây ức chế và mệt mỏi. Nếu cảm thấy mệt mỏi và buồn ngủ thì hãy nghỉ ngơi để rồi học tập hiệu quả hơn. Lứa tuổi này không nên dùng nhiều thuốc an thần để gây ngủ.

Có những trường hợp, gần đến ngày thi học sinh thức liên tục mấy ngày để học bài, còn trước đó chỉ tiếp thu kiến thức trên lớp rồi về coi qua. Học như vậy là không hợp lý bởi có thể làm suy kiệt cơ thể mà kiến thức thu được cũng chẳng bao nhiêu; thậm chí đến ngày thi thì bị ốm không thể dự thi, hoặc sức khỏe suy giảm mà kết quả bài thi chưa đạt được như mong muốn. Để có trí nhớ và sức khỏe tốt trong học thi, trước hết các em cần lưu ý đến phương pháp học tập, lập thời khóa biểu học tập hợp lý, kết hợp với nghỉ ngơi, ăn uống. Không nên học dồn dập, học đêm học ngày, học như vậy có hại cho sức khỏe. Theo các nhà chuyên môn, trí não của con người chỉ hoạt động hiệu quả liên tục trong vòng 45 phút đến 1 giờ, sau đó cần được nghỉ ngơi hoặc chuyển sang hoạt động tay chân khoảng 15 phút đến 20 phút rồi mới hoạt động trí não trở lại. Tâm lí sợ học không kịp, học trong sự lo lắng, vội vàng có thể gây giảm trí nhớ và thậm trí đầu óc trống rỗng.

Bác sĩ chuyên khoa I Bùi Văn Hinh, Trung tâm Truyền thông – Giáo dục sức khỏe tỉnh đã đưa ra lời khuyên về chế độ dinh dưỡng: Để học sinh có sức khỏe tốt trong mùa thi cần ăn đủ bữa (ăn ba bữa trong ngày, nhất là bữa sáng), ăn đúng giờ, không được bỏ bữa và bữa ăn có đầy đủ thành phần dinh dưỡng như: chất bột, chất đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất. Ngoài ra, cần chú ý bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm khi lựa chọn và chế biến thức ăn.

Trong ngày hè thời tiết nóng nực cơ thể mất nước nhiều, uống đủ nước có vai trò hết sức quan trọng. Với các em có thể trạng gầy yếu, hoặc ăn ít thì nên ăn thêm một đến hai, ba bữa phụ mỗi ngày như ăn thêm quả chuối, củ khoai, trái bắp (ngô), sữa chua... Các bữa phụ này, bên cạnh việc cung cấp các chất dinh dưỡng còn giúp các em thư giãn, bớt căng thẳng. Điều quan trọng là phải ăn đa dạng các loại thực phẩm, không nên nghĩ rằng chỉ có thức ăn đắt tiền, cao cấp thì mới bổ dưỡng và nếu ăn một loại thực phẩm liên tục sẽ khiến bị ngán. Không có một loại thực phẩm nào là đầy đủ tất cả các chất cần thiết cho cơ thể mà mỗi loại có những chất riêng vì vậy cần ăn uống đa dạng để nhận đầy đủ các chất dinh dưỡng.

Có những học sinh quan niệm, trước mỗi kỳ thi không nên ăn trứng gà, trứng vịt, chuối vì cho rằng ăn trứng sẽ bị điểm không (0), ăn chuối sẽ trượt vỏ chuối…. Quan niệm này là không đúng vì thực tế cho thấy đây là hai loại thực phẩm vừa rẻ, vừa bổ dưỡng: Trứng cung cấp chất đạm, chuối có nhiều kali, chống táo bón và cung cấp một số chất khoáng cần thiết cho cơ thể, vì vậy vẫn ăn hai thực phẩm này bình thường. Thức ăn cũng nên thay đổi hằng ngày với những món ăn đơn giản, không cần cầu kỳ. Tuy nhiên, không ăn thức ăn lạ vì có thể gây dị ứng hoặc rối loạn tiêu hóa.

Ngoài ra, i ốt cũng là chất dinh dưỡng rất tốt cho hoạt động trí não. Thiếu i ốt học sinh sẽ học thụ động dẫn đến trì trệ, kém sáng tạo, giảm tiếp thu bài học. I ốt có nhiều trong các loại cá biển và hải sản, nhưng rẻ và tiện nhất vẫn là sử dụng muối i ốt hằng ngày để nêm nếm thức ăn với một lượng vừa đủ. Bên cạnh đó, các em nên ăn thêm trái cây, các loại đậu đỗ vì nó tốt cho hệ thần kinh.

Ăn uống bảo đảm vệ sinh là điều rất quan trọng, thức ăn bày bán lề đường, nhiều phẩm màu hay bàn tay không sạch sẽ khi ăn uống có thể bị ngộ độc thực phẩm. Cần thận trọng với nước đá vì trong quá trình sản xuất, vận chuyển và bảo quản đá có thể bị nhiễm khuẩn gây rối loạn tiêu hóa. Nước giải khát có ga có một lượng cafeine, nếu uống vào buổi tối có thể gây mất ngủ, nếu dùng nhiều có thể gây ra những tác dụng không mong muốn giống như sử dụng chè và cà phê.

Ngoài việc có một chế độ dinh dưỡng, nghỉ ngơi hợp lý thì phương pháp học rất quan trọng, tốt nhất là lập thời khóa biểu học tập hợp lý. Tránh học một cách tập trung liên tục trong nhiều giờ mà học khoảng 45 phút nên nghỉ giải lao khoảng 10-15 phút. Tận dụng thời gian nghỉ giải lao để tập những bài thể dục nhẹ nhàng, hoặc ăn thêm một chút thức ăn sẽ giúp cơ thể tăng cường sức khỏe, giúp máu lưu thông, cơ thể sảng khoái, từ đó hiệu quả trong học tập sẽ tốt hơn.

Hồng Vân


Ý kiến bạn đọc


(Video) Tăng cường kiểm tra, bảo đảm an toàn thực phẩm
Vệ sinh an toàn thực phẩm đang là vấn đề nóng, được xã hội đặc biệt quan tâm. Nhằm đảm bảo an toàn, sức khỏe cho người dân, Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk đã có nhiều cố gắng trong công tác quản lý, kiểm tra để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý những cơ sở sản xuất, buôn bán thực phẩm không an toàn.