Multimedia Đọc Báo in

Cẩn trọng với các loại thức ăn đường phố

16:59, 27/05/2013

Dạo quanh các trục đường trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột, đi đâu chúng ta cũng dễ dàng bắt gặp các quán ăn vỉa hè, các con phố chuyên bán hàng ăn. Thức ăn được chứa đựng trên các vật dụng dễ di động như: mâm, rổ, rá… bày bán bên đường, ngay cạnh hố ga, trong làn bụi và được che đậy một cách sơ sài. Những loại thực phẩm này chủ yếu là những món ăn đáp ứng ba tiêu chí nhanh, ngon, rẻ. Đó là các món: bánh chiên, gỏi các loại, bánh tráng trộn, bánh nướng…  được bày bán di động buổi sáng chỗ này, chiều chuyển sang nơi khác với mức giá rất bình dân từ 2.000 – 5.000 đồng/đĩa. Do đó, thực phẩm vỉa hè rất thích hợp với nhiều đối tượng đặc biệt là trẻ em, học sinh, sinh viên, công nhân... những đối tượng có thu nhập thấp.

Chỉ cần sử dụng một số dụng cụ đơn giản như: kẹp gắp thức ăn, tủ đựng thức ăn, bao tay sử dụng một lần… là có thể ngăn chặn hàng nghìn vi khuẩn từ môi trường trung gian vào đường tiêu hóa của con người.
Chỉ cần sử dụng một số dụng cụ đơn giản như: kẹp gắp thức ăn, tủ đựng thức ăn, bao tay sử dụng một lần… là có thể ngăn chặn hàng nghìn vi khuẩn từ môi trường trung gian vào đường tiêu hóa của con người.

Tuy nhiên đã có không ít trường hợp xảy ra ngộ độc thức ăn từ những loại thực phẩm này. Chị Cao Thị Tuyền, một nhân viên văn phòng cho biết, trong một buổi chiều đi làm về, vì đói bụng mà không có thời gian nấu nướng nên chị đã mua bánh tráng trộn dọc đường Nguyễn An Ninh về ăn. Sau khi ăn được vài tiếng đồng hồ thì chị bị đau bụng dữ dội và phải vào bệnh viện cấp cứu vì bị ngộ độc thực phẩm hai ngày mới khỏi. Từ đó trở đi, chị chẳng bao giờ dám ghé quán vỉa hè nữa mà luôn thủ sẵn mì gói, phở khô… để ăn. Thức ăn không bảo đảm vệ sinh không phải ai cũng không biết, không quan tâm, nhưng cũng bởi sự tiện lợi, nhanh chóng, phù hợp với túi tiền, mua về ăn được ngay mà nhiều khách hàng vẫn lựa chọn loại thực phẩm này. Chị Nguyễn Thị Xuân, một khách hàng thường xuyên của món gỏi bì heo trên đường Lê Duẩn cho biết: “Vẫn biết đồ ăn bán dọc đường không bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, nhưng gỏi bì heo ở đây vừa ngon vừa rẻ, gia đình ai cũng thích ăn nên tôi vẫn mua thường xuyên. Khi ăn nếu cảm thấy không ổn thì giã ít nước mắm tỏi gừng hoặc thủ sẵn lọ Becberin là có thể yên tâm dùng…”. Với thói quen như thế này của một bộ phận người dân, vô tình các loại thực phẩm này không chỉ tồn tại lâu mà mọc lên ngày càng nhiều. Quan sát một người bán gỏi bì heo trên đường Lê Hồng Phong cho thấy, trong một khoảng thời gian 3 phút, cùng một đôi tay trần, tiểu thương này đã làm đủ thứ việc từ bốc thức ăn trao cho khách, thối tiền, đếm tiền, gãi đầu, gãi chân… Khi thắc mắc sao không có tủ đựng thức ăn, không mua kẹp gắp thức ăn thì chị chỉ cười xòa, “vốn ít, bốc tay như thế này cho nhanh, cho tiện!”. Thói quen sử dùng tay trần cùng sự dễ dãi của khách hàng đã tiếp tay cho hàng nghìn vi khuẩn từ các môi trường trung gian: bụi, tay trần, tiền vào đường tiêu hóa của con người. Trong khi đó, với tiểu thương chỉ cần bỏ ra 50 đồng/ngày để mua kẹp gắp thức ăn, bao tay, tủ đựng thức ăn… là có thể ngăn chặn được vi khuẩn.

Theo điều tra của Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế, 90% bàn tay của người bán thực phẩm đường phố nhiễm E. Coli, loại vi khuẩn thường tìm thấy trong phân người. Đặc biệt, 100 % tiền mệnh giá từ 2.000 đồng trở xuống đều nhiễm E. Coli. Và theo Thông tư 30/2012/TT-BYT của Bộ Y tế quy định, thức ăn đường phố phải được bày bán trong tủ đựng chống được bụi bẩn, mưa nắng, ruồi nhặng và có vách chia ngăn thực phẩm chín, thực phẩm sống, có dụng cụ chia gắp thức ăn và phải để cách mặt đất 60 cm. Đồng thời, yêu cầu người bán thực phẩm đường phố phải được tập huấn và được cấp giấy xác nhận tập huấn kiến thức an toàn vệ sinh thực phẩm theo quy định, được khám sức khỏe định kỳ, không mắc các bệnh hoặc chứng bệnh truyền nhiễm, không được phép tiếp xúc với quá trình sản xuất, chế biến thực phẩm theo quy định của Bộ Y tế.

Trên thực tế tình trạng vi phạm quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm của những người bán đồ ăn vỉa hè hết sức phổ biến. Tuy nhiên, việc thực hiện xử phạt các trường hợp vi phạm là điều rất khó, bởi các quán sá vỉa hè quá nhiều và thuộc sự quản lý của cấp phường, xã. Do vậy, người tiêu dùng phải tự bảo vệ sức khỏe cho mình, chọn mua những loại thực phẩm bảo đảm an toàn cho gia đình.

Nhật Minh


Ý kiến bạn đọc


(Video) Tăng cường kiểm tra, bảo đảm an toàn thực phẩm
Vệ sinh an toàn thực phẩm đang là vấn đề nóng, được xã hội đặc biệt quan tâm. Nhằm đảm bảo an toàn, sức khỏe cho người dân, Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk đã có nhiều cố gắng trong công tác quản lý, kiểm tra để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý những cơ sở sản xuất, buôn bán thực phẩm không an toàn.