Multimedia Đọc Báo in

Phòng bệnh răng miệng ở lứa tuổi học sinh

09:26, 25/05/2012

Răng miệng có vai trò đặc biệt quan trọng đối với sức khỏe con người, là bộ phận đầu tiên của hệ thống tiêu hóa. Răng miệng đảm nhiệm chức năng nhai và nghiền thức ăn giúp cho ăn ngon miệng và quá trình tiêu hóa, hấp thu thức ăn được dễ hơn nhằm cung cấp dinh dưỡng cho cơ thể.

Khi mắc các bệnh về răng miệng trẻ sẽ biếng ăn, mất ngủ, gầy sút cân, dần dần dẫn đến suy dinh dưỡng. Ngoài ra răng miệng còn có vai trò thẩm mỹ, phát âm chuẩn, có nụ cười xinh duyên và hơi thở thơm tho. Do đó việc phòng bệnh răng miệng ở lứa tuổi học sinh rất quan trọng.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Theo kết quả điều tra sức khỏe cho học sinh năm học 2010 - 2011 của Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh: Tỷ lệ mắc bệnh về răng miệng cao nhất trong các bệnh mắc ở lứa tuổi học đường, và tỷ lệ tăng dần theo lứa tuổi. Số học sinh mắc các bệnh về răng là  88,7%, trong đó sâu răng sữa là 86,7%, tỷ lệ sâu răng vĩnh viễn là 75,5% và tỷ lệ sâu răng ở nữ cao hơn nam (91,6% so với 85,9%). Tỷ lệ học sinh viêm lợi, lệch răng cũng tăng dần theo lứa tuổi do học sinh tiểu học đang trong thời kỳ thay răng.

Tuổi học đường là thời gian cho trẻ hoàn thiện răng, nhưng cũng là giai đoạn có nhiều nguy cơ làm phát sinh những bệnh về răng miệng. Những thói quen xấu ở trẻ làm ảnh hưởng không tốt đến răng miệng như: trẻ mút tay, cắn móng tay, ăn quà vặt thường xuyên, ăn nhiều đồ ngọt như bánh kẹo, bim bim… trước khi đi ngủ.

Bởi vậy muốn trẻ có hàm răng đẹp, trẻ phải chăm sóc ngay từ khi còn nhỏ, cần chế độ ăn uống hợp lý, bổ sung can xi, flurua và vitamin. Bên cạnh đó phải vệ sinh răng miệng, đánh răng sau mỗi bữa ăn, tối thiểu 2 lần một ngày; buổi sáng khi ngủ dậy, buổi tuối trước khi đi ngủ; sử dụng bàn chải mềm và đánh răng đúng cách; không ăn thức ăn quá nóng, quá lạnh, quá cứng, quá chua; kiểm tra và khám định kỳ bệnh răng miệng cho học sinh, phát hiện những trường hợp mắc bệnh để điều trị kịp thời nhằm tránh những biến chứng do sâu răng gây ra. Công tác đào tạo, tập huấn cho cán bộ, giáo viên nhà trường và cán bộ y tế cũng cần được thường xuyên tổ chức nhằm nâng cao trình độ chuyên môn để có thể làm tốt hơn nữa công tác y tế học đường ở tất cả các trường học nhất là các trường mầm non và tiểu học. Ngoài ra tăng cường các hoạt động truyền thông, giáo dục sức khỏe tại cộng đồng và trường học để nâng cao nhận thức cho người dân cũng như giúp học sinh có thêm kiến thức và chuyển biến tốt trong thái độ, thực hành về phòng bệnh răng miệng; tổ chức các buổi hướng dẫn học sinh thực hành đánh răng, hướng dẫn học sinh những kỹ năng chải răng đúng và có những buổi cho các em thực hành để chỉnh sửa những thực hành không đúng. Các bậc cha mẹ nên quan sát con thực hành chải răng phát hiện những cách thực hành không đúng để hướng dẫn con sửa.                                                                           

Liên Chi


Ý kiến bạn đọc