Multimedia Đọc Báo in

Giảm tử vong mẹ và tử vong sơ sinh

Dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con

11:17, 06/07/2010

Theo thống kê của Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS, toàn tỉnh hiện có 1.470 người nhiễm HIV, trong đó có 36 phụ nữ đang mang thai. Mặc dù hiện nay chưa có biện pháp nào chữa trị dứt điểm căn bệnh này, nhưng đã có thuốc và các dịch vụ chăm sóc khác có thể dự phòng lây nhiễm HIV từ mẹ sang con.

Theo bác sĩ Nguyễn Đình Tuấn, Trưởng khoa Truyền thông, can thiệp và huy động cộng đồng (Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS) thì hiện nay, nhiều phụ nữ mang thai, bị nhiễm HIV chưa được trang bị những kiến thức cần thiết về sức khỏe sinh sản và thông tin về bệnh HIV. Các hình thức tuyên truyền và dịch vụ phòng chống lây nhiễm cũng chưa được cung cấp rộng rãi nên nguy cơ lây truyền HIV từ mẹ sang con là rất cao. HIV có thể lây truyền từ mẹ sang con khi người mẹ cho con bú, hoặc đứa bé vô tình nuốt phải dịch âm đạo hay máu của mẹ từ những vết cắt, rách khi sinh. Dịch tiết này còn có thể thấm qua niêm mạc mắt, miệng của đứa trẻ… Vì vậy khi mang thai, đặc biệt là khi nghi ngờ bị nhiễm HIV, phụ nữ cần sớm đến các cơ sở y tế để được khám và xét nghiệm. Phụ nữ mang thai nếu được phát hiện và điều trị dự phòng sớm, vào khoảng tháng thứ 7 (tuần 28) của thai kỳ thì có thể giảm được tỷ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con. Vì cứ 100 phụ nữ bị nhiễm HIV không được điều trị và sinh con thì 30 – 35 trẻ bị nhiễm HIV. Nhưng nếu điều trị thì chỉ có 8 – 10 trẻ bị nhiễm, thậm chí còn ít hơn nữa nếu được điều trị sớm.

Trạm y tế xã Yang Reh, huyện Krông Bông chăm sóc sức khỏe cho thai phụ.
Trạm y tế xã Yang Reh, huyện Krông Bông chăm sóc sức khỏe cho thai phụ.

Thực tế cho thấy, phụ nữ thường dễ bị lây nhiễm HIV khi quan hệ tình dục hơn nam giới, do đường sinh dục phụ nữ có diện tiếp xúc rộng hơn, tinh dịch lại chứa nhiều HIV hơn dịch âm đạo. Phụ nữ cũng dễ bị lây truyền HIV qua đường máu hơn vì hay thực hiện các thủ thuật làm đẹp như xăm môi, xăm mí mắt… Khi bị nhiễm HIV/AIDS, phụ nữ trở nên tiều tụy nhanh chóng, nhan sắc tàn phai, gầy ốm, sút cân, dễ bị nhiễm trùng ngoài da. Chưa kể tới nhiều nơi, sự kỳ thị, xua đuổi người nhiễm HIV còn tồn tại thì gánh nặng tâm lý còn đè nặng lên người phụ nữ… Do đó, để bảo vệ cuộc sống của chính mình cũng như gia đình trong hiểm họa HIV/AIDS, bản thân người phụ nữ phải luôn chủ động quan tâm, gần gũi chồng con để chia sẻ, nâng đỡ họ trong lúc khó khăn nhất. Nếu chồng bị nhiễm thì phải tuyệt đối dùng bao cao su khi quan hệ; đồng thời thường xuyên đi khám để được phát hiện và điều trị sớm. Phụ nữ cũng phải tích cực tìm hiểu mọi thông tin liên quan đến HIV/AIDS để có thêm những kiến thức, kỹ năng phòng tránh, cũng như không sợ hãi, kỳ thị người bị HIV.
Cũng theo Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS, để hạn chế tối đa số trẻ sinh ra bị nhiễm HIV từ mẹ, trong tháng triển khai chiến dịch “Dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con” năm 2010 (từ 1 đến 30-6), Trung tâm đã tập trung thực hiện các gói dịch vụ: Tư vấn, xét nghiệm HIV tự nguyện cho phụ nữ mang thai và phụ nữ có nguy cơ lây nhiễm HIV; chăm sóc và điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con cho bà mẹ mang thai nhiễm HIV và trẻ sinh ra từ họ; cung cấp sữa cho trẻ sinh ra từ các bà mẹ nhiễm HIV đến 6 tháng tuổi; Giới thiệu chuyển tiếp những phụ nữ và trẻ em thuộc các nhóm nêu trên tới các dịch vụ phù hợp về dự phòng, chăm sóc, điều trị, và hỗ trợ liên quan đến HIV/AIDS. Trên thực tế, phần lớn các chị và nhiều người khác vẫn chưa dám đối mặt với căn bệnh này, tâm lý còn nhiều e ngại, mặc cảm, sợ nếu biết mình bị nhiễm HIV mọi người sẽ xa lánh, hắt hủi. Phụ nữ chưa hiểu được rằng khi mang thai, nếu đi xét nghiệm HIV sớm sẽ tốt cho sức khỏe bản thân và đứa trẻ. Đồng thời cũng sẽ được các bác sĩ tư vấn, chỉ dẫn chi tiết về cách dự phòng khi mang thai, lúc sinh nở và trong thời kỳ cho con bú để phòng tránh lây nhiễm HIV từ mẹ sang con và người thân. Do đó, để hạn chế tối đa số trẻ sinh ra bị nhiễm HIV từ mẹ, ngoài việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động của các ngành chức năng, triển khai hiệu quả chiến dịch “Dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con”, các bà mẹ cũng cần chủ động đi khám, xét nghiệm HIV để sớm có biện pháp can thiệp trong trường hợp cần thiết.

                                                                                                                       N.X

 


Ý kiến bạn đọc