Multimedia Đọc Báo in

Thủ tướng Anh kêu gọi bầu cử trước thời hạn: Bước đi có chủ ý

16:45, 20/04/2017

Thủ tướng Anh Theresa May ngày 18-4 đã kêu gọi tiến hành tổng tuyển cử trước thời hạn vào ngày 8-6 tới, đồng thời cho biết chính phủ đã có kế hoạch đúng đắn cho cuộc đàm phán về việc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (hay còn gọi là Brexit).

Với sự ủng hộ của Công đảng đối lập, không khó khăn để kiến nghị tổ chức bầu cử sớm của Thủ tướng May nhận được sự ủng hộ của ít nhất 2/3 số nghị sỹ cần thiết để được thông qua trong cuộc bỏ phiếu ngày 19-4 tại Quốc hội Anh.

Thủ tướng Anh Theresa May. (Nguồn: NBC News)
Thủ tướng Anh Theresa May. (Ảnh: NBC News)

Brexit, tức việc Anh rời Liên minh châu Âu (EU), là lý do chính được nữ Thủ tướng đưa ra để lý giải cho cuộc bầu cử sớm. Bà May tuyên bố cuộc bầu cử sớm này nhằm ngăn các đảng đối lập tại Quốc hội Anh chia rẽ đất nước khi chính phủ bắt đầu các cuộc đàm phán Brexit. Bà nhấn mạnh: “Tôi sẽ không để họ phá hoại nỗ lực của hàng triệu người lao động và làm suy yếu lập trường đàm phán của chính phủ”.

Thủ tướng Anh cũng khẳng định bầu cử sớm là cách duy nhất để  bảo đảm ổn định chính trị trong nhiều năm tới khi London đang xúc tiến quá trình đàm phán rời EU. Với việc đảng Bảo thủ hiện chỉ nắm thế đa số khá mong manh tại Hạ viện, bà May cho rằng sự chia rẽ trong Quốc hội đang đe dọa tiến trình Brexit.

Lời kêu gọi tổng tuyển cử trước thời hạn của Thủ tướng Anh Theresa May đã nhận được sự ủng hộ rộng rãi từ nhiều phía.

Thủ lĩnh Công đảng đối lập của Anh Jeremy Corbyn đã lên tiếng ủng hộ quyết định của bà Theresa May kêu gọi tiến hành bầu cử sớm hơn kế hoạch dự kiến gần 3 năm rưỡi. Cam kết của ông Jeremy Corbyn có ý nghĩa quan trọng để Chính phủ Anh có thể tiến hành cuộc bầu cử sớm này. “Tôi hoan nghênh việc tiến hành bầu cử sớm bởi nó sẽ tạo cơ hội cho Công đảng đứng lên lãnh đạo đất nước”, ông Jeremy Corbyn cho biết: “Chúng tôi muốn tạo ra một xã hội quan tâm và công bằng cho tất cả mọi người, một nền kinh tế và một Brexit phục vụ cho mọi người dân”.

Trong khi đó, Thủ hiến Scotland Nicola Sturgeon cũng lên tiếng ủng hộ kế hoạch của bà Theresa May, cho rằng cuộc tổng tuyển cử trước thời hạn tại Vương quốc Anh sẽ giúp tăng cơ hội cho khu vực này được lựa chọn tương lai của mình. Bà Nicola Sturgeon hy vọng cuộc bầu cử tới đây sẽ sớm thúc đẩy kế hoạch tách Scotland khỏi Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland.

Ngày 18-4, các nhà đàm phán của Nghị viện châu Âu (EP) đã hoan nghênh quyết định của Thủ tướng Anh Theresa May về việc kêu gọi chính phủ nước này tiến hành tổng tuyển cử trước hạn, cho rằng đây là cơ hội để người dân Anh có thể bày tỏ quan điểm của mình về mối quan hệ với Liên minh châu Âu (EU).

Trên tài khoản mạng xã hội của mình, ông Guy Verhofstadt, cựu Thủ tướng Bỉ và hiện là nhà đàm phán của EP về tiến trình Anh rời khỏi EU (còn gọi là Brexit), nhận định cuộc bầu cử tại Anh là "một vấn đề nội bộ, song rõ ràng vấn đề Brexit sẽ là yếu tố quan trọng của sự kiện này”. Điều này đồng nghĩa công dân Anh sẽ có cơ hội để thể hiện và bày tỏ những quan điểm của riêng mình về mối quan hệ trong tương lai giữa nước này và EU mà họ kỳ vọng. Ông Verhofstadt đồng thời khẳng định sẽ hợp tác với chính phủ mới ở Anh "vì một tương lai chung tốt đẹp nhất có thể”.

Cùng ngày, Nhà Trắng cũng ra thông cáo cho biết trong cuộc điện đàm với Thủ tướng May, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã được thông báo về kế hoạch tổ chức bầu cử sớm tại Anh. Nhà lãnh đạo Mỹ đã gửi lời chúc may mắn đến Thủ tướng Anh với hy vọng cuộc bầu cử trước thời hạn sẽ diễn ra tốt đẹp.

Bất cứ quyết định chính trị nào cũng phải được cân nhắc kỹ lưỡng và Thủ tướng Anh chắc chắn có đủ lý do để tin tưởng vào chiến thắng trong cuộc bầu cử tới, cho dù có thể là mạo hiểm khi bà mới lên nắm quyền được chưa đầy 10 tháng.

Trong nhiều tháng qua, các cuộc thăm dò dư luận cho thấy bà May đang nhận được sự ủng hộ cao kỷ lục. Đảng Bảo thủ của Thủ tướng May được dự báo sẽ chiến thắng tuyệt đối nếu cuộc bầu cử được tiến hành vào thời gian này. Theo hai cuộc thăm dò dư luận cuối tuần qua, đảng Bảo thủ đang dẫn trước Công đảng đối lập với khoảng cách 21%. Tương tự, cách đây một tuần, một cuộc thăm dò dư luận khác cũng cho thấy tỷ lệ cử tri ủng hộ bà May cũng cao hơn thủ lĩnh Công đảng Jeremy Corbyn tới 37%. Khoảng cách chênh lệnh như vậy là lý do chính giúp bà May tự tin đưa ra quyết định tổ chức tổng tuyển cử sớm.

Có thể nói chưa bao giờ vị thế của Công đảng lại suy yếu như lúc này. Tỷ lệ ủng hộ Công đảng hiện ở mức dưới 25%, một kết quả rất thất vọng nếu nhìn lại lịch sử khi Công đảng từng chi phối hoàn toàn chính trường Anh trong suốt 1 thập kỷ dưới thời các thủ tướng Tony Blair và Gordon Brown. Đối với bản thân chính khách Corbyn, tỷ lệ ủng hộ ông hiện chỉ ở mức 14%. Thái độ mập mờ của ông Corbyn về vấn đề Brexit là lý do chính khiến nhiều cử tri vốn ủng hộ Công đảng tỏ ra thất vọng.

Một lý do nữa khiến bà May càng thôi thúc tiến hành bầu cử sớm chính là việc bà chưa phải là một Thủ tướng Anh được bầu chính thức. Sau thất bại trong cuộc trưng cầu ý dân vào tháng 6-2016 với việc 51,9% cử tri Anh bỏ phiếu ủng hộ Brexit, Thủ tướng Anh khi đó là ông David Cameron đã phải từ chức để nhường ghế cho bà May, lúc ấy đang giữ chức Bộ trưởng Nội vụ.

Thủ lĩnh Công đảng đối lập của Anh, Jeremy Corbyn. (Nguồn: EPA/TTXVN)
Thủ lĩnh Công đảng đối lập của Anh, Jeremy Corbyn. (Ảnh: EPA/TTXVN)

Dù nắm giữ cương vị người đứng đầu chính phủ nhưng Thủ tướng May luôn bị các đối thủ chính trị nói rằng bà không thể đại diện cho Vương quốc Anh vì cử tri chưa bao giờ bỏ phiếu bầu cho bà. Một cuộc bầu cử sớm khiến bà May có thể đạt được mục tiêu này, đồng thời qua đó sẽ củng cố quyền lực và đoàn kết đất nước trong vấn đề Brexit.

Việc tiến hành bầu cử sớm vào tháng 6 tới đồng nghĩa với việc nước Anh sẽ tiến hành cuộc tổng tuyển cử sau đó vào năm 2022. Đến thời điểm đó, chắc chắc Anh đã hoàn tất đàm phán Brexit và một chương mới đã mở ra đối với nước Anh sau hơn 4 thập kỷ nằm trong "mái nhà chung" châu Âu.

Cuộc tổng tuyển cử này cũng diễn ra giữa lúc đảng Dân tộc Scotland (SNP) đang gây sức ép đòi tiến hành cuộc trưng cầu ý dân lần thứ hai tại xứ Scotland về độc lập và tách khỏi Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland.

Dựa trên kết quả cuộc bỏ phiếu về Brexit hồi năm ngoái, có thể thấy rõ đa số người dân xứ Scotland phản đối Anh rời EU. Chắc chắn, Thủ tướng May không muốn Scotland rời khỏi Vương quốc Anh, nên bà cũng muốn nhân cuộc bầu cử sớm giảm số nghị sĩ của SNP đại diện cho Scotland trong Quốc hội Anh, giúp làm suy yếu tham vọng bỏ phiếu đòi độc lập của xứ này.

Việc bà May kêu gọi bầu cử sớm cho thấy sự tính toán khôn ngoan và có chủ ý của vị nữ Thủ tướng này. Một chiến thắng áp đảo của đảng Bảo thủ có thể khiến những người chỉ trích kế hoạch Brexit của bà May phải “im lặng,” đồng thời sẽ cho phép nữ chủ nhân số 10 phố Downing và nội các của bà toàn tâm toàn ý cho các cuộc đàm phán khó khăn trong hai năm tới với EU.

Hà Dương (Theo VOV, TTXVN


Ý kiến bạn đọc