Multimedia Đọc Báo in

Hội nghị COP21 thông qua thỏa thuận chống biến đổi khí hậu toàn cầu

07:50, 14/12/2015

Ngày 12-12, các đại biểu từ 195 nước tham gia Hội nghị lần thứ 21 Công ước khung của Liên hiệp quốc về biến đổi khí hậu (COP21) tại Paris (Pháp) đã thông qua thỏa thuận lịch sử nhằm ngăn chặn tình trạng ấm lên toàn cầu, vốn đe dọa nhân loại với việc làm mực nước biển dâng cao và khiến tình trạng hạn hán, lũ lụt, giông bão trở nên tồi tệ hơn.

Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius cho biết: "Tôi nhận thấy phản ứng tích cực trong phòng hội nghị. Tôi không thấy sự phản đối nào. Thỏa thuận khí hậu Paris đã được thông qua".

hh
Thỏa thuận chống biến đổi khí hậu toàn cầu đã được Hội nghị COP21 thông qua. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Trước đó cùng ngày, Pháp đã đệ trình lên hội nghị COP21 bản thỏa thuận nhằm hạn chế hoạt động phát thải các loại khí gây hiệu ứng nhà kính đe dọa bầu khí quyển của Trái đất. Các cuộc thảo luận chính thức về bản dự thảo thỏa thuận chống biến đổi khí hậu toàn cầu tại Hội nghị COP21 tại Paris (Pháp) đã được lùi tới 17 giờ 30 ngày 12-12 giờ Paris, tức 23 giờ 30 giờ Việt Nam - muộn hơn dự kiến ban đầu 2 tiếng đồng hồ.

Trong khi đó, người phát ngôn nhóm các nước đang phát triển Gurdial Singh Nija cho biết Ấn Độ, Trung Quốc và Saudi Arabia tỏ ra hài lòng với bản dự thảo thỏa thuận nhằm cắt giảm mức khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Ông tuyên bố :"Chúng tôi hài lòng với thỏa thuận này. Chúng tôi cho rằng đó là một thỏa thuận cân bằng". Ông nói rõ: "Ấn Độ đồng ý. Trung Quốc đồng ý, Saudi Arabia đồng ý. Khối nước Arab đồng ý".
 
Bản thỏa thuận Paris lần này có 31 trang, 29 điều khoản, tập trung vào 5 vấn đề lớn và sẽ thay thế Nghị định thư Kyoto từ năm 2020 và có những điểm chính sau: Thứ nhất, về mục tiêu, thỏa thuận này đặt ra mức trần tăng nhiệt độ của trái đất đến năm 2100 là không quá 2 độ C, tức nhân loại phấn đấu đến thời điểm đó sẽ giữ cho trái đất không tăng quá 2 độ C so với thời điểm tiền công nghiệp, tức cuối thế kỷ 19, nhưng có kèm theo khuyến nghị là “quyết tâm đạt được mức 1,5 độ C”. Dĩ nhiên mức 1,5 độ C là mục tiêu cực kỳ nan giải, thậm chí là bất khả thi nhưng việc đưa con số 1,5 độ C vào có thể xem là một sự bù đắp cho việc thiếu các mục tiêu dài hạn trong thỏa thuận, cụ thể là ở mức giảm khí thải. Trong các dự thảo tuần trước có đưa ra các con số cụ thể như giảm từ 40-70%, thậm chí đến 95% lượng khí thải carbon vào năm 2050, nhưng trong thỏa thuận cuối cùng không có các con số này vì nhiều nước cho rằng đưa ra con số cụ thể là quá ép buộc. Vì thế, thỏa thuận chỉ đưa ra con số trần 1,5 độ C và mục tiêu là từ nửa sau thế kỷ 21, sẽ đạt được mức cân bằng.

Điểm đáng chú ý thứ hai, thỏa thuận này đã ít nhiều có tính ràng buộc pháp lý, với việc đưa ra cơ chế đánh giá 5 năm/lần, bắt đầu từ năm 2025, mà theo các tổ chức phi chính phủ là “quá muộn”. Thứ ba, về trách nhiệm đóng góp thì các nước phương Bắc giàu có vẫn phải gánh trách nhiệm đi đầu. Việc gây quỹ 100 tỷ euro/năm cho đến năm 2020 tiếp tục được khẳng định lại nhưng quan trọng là thỏa thuận Paris xem con số 100 tỷ USD này không đủ và đang kêu gọi tăng thêm. Đến năm 2025 sẽ lại đưa ra được một con số cụ thể khác về đóng góp tài chính. Một điểm nữa đáng chú ý là vấn đề “mất mát và thiệt hại” lần đầu tiên được đưa vào thỏa thuận. Tuy nhiên, nó chưa ghi rõ là các nước phương Bắc phải bồi thường thiệt hại cho các nước phương Nam chịu hậu quả nặng của biến đổi khí hậu như thế nào mà chỉ ghi chung chung là “các bên tăng cường trao đổi, hành động và trợ giúp lẫn nhau” để bù đắp các mất mát và thiệt hại.

Cuối cùng, để thỏa thuận Paris có hiệu lực thì nó cần được ít nhất 55 quốc gia, chiếm ít nhất 55% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính toàn cầu phê chuẩn. Sau khi được phê chuẩn, thỏa thuận sẽ có hiệu lực từ 2020. Các nước đều có quyền từ bỏ thỏa thuận, nhưng phải ít nhất là 3 năm sau khi thỏa thuận Paris có hiệu lực.

Pháp khẳng định đây là một thỏa thuận công bằng, bền vững và có tính ràng buộc về pháp lý.

Sau khi thỏa thuận khí hậu vừa được thông qua tại Pháp, các nhà lãnh đạo thế giới cũng ngay lập tức bày tỏ hoan nghênh thỏa thuận này.

Tổng giám đốc Qũy Tiền tệ Thế giới Christine Lagarde cho rằng, đây là một bước đi quan trọng giải quyết tình trạng biến đổi khí hậu trong thế kỷ 21. Bà Lagarde cũng kêu gọi chính phủ các nước cần phải biến lời nói thành hành động, đặc biệt thực hiện những chính sách giúp thực hiện hiệu quả những cam kết mà họ đã đưa ra.

Cao ủy châu Âu về Khí hậu Miguel Arias Canete nhấn mạnh, trong thời khắc vui mừng của việc đạt được một thỏa thuận khí hậu toàn cầu, thế giới cũng cần phải nghĩ đến việc bắt tay ngay vào thực hiện những  mục tiêu mà mình đã cam kết.

Tổng thống Mỹ Barack Obama ngày 12-12 đã lên tiếng ca ngợi thỏa thuận vừa đạt được tại COP 21 và coi đó là “cơ hội tốt nhất để cứu Trái đất”. Reuters dẫn lời ông Obama tuyên bố: “Ngày hôm nay, người dân Mỹ có thể tự hào bởi thỏa thuận lịch sử này có thể đạt được là nhờ sự tiên phong của nước Mỹ. Trong vòng 7 năm qua, Mỹ đã chuyển mình để trở thành quốc gia dẫn đầu trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu”. Tổng thống Obama cũng nhấn mạnh, thỏa thuận vừa đạt được cho thấy mọi điều đều có thể xảy ra khi thế giới hòa làm một và nói thêm rằng: “Thỏa thuận này là cơ hội tốt nhất mà chúng ta có để cứu Trái đất khỏi nguy cơ biến đổi khí hậu”. Mặc dù vậy, ông Obama cũng thận trọng cho rằng “không thỏa thuận nào là hoàn hảo kể cả thỏa thuận vừa đạt được tại Paris” và việc đàm phán với sự tham gia của gần 200 quốc gia luôn luôn là một thách thức rất lớn. “Ngay cả khi mọi mục tiêu tại COP21 đều đạt được thì chúng ta mới chỉ tiến được một bước nhỏ trong việc giảm lượng khí thải carbon ra không khí”, ông Obama nói.

Các nước chung tay để giảm 3,7 tỷ tấn khí thải CO2 trước năm 2030. (Nguồn: Getty Images)
Các nước chung tay để giảm 3,7 tỷ tấn khí thải CO2 trước năm 2030. (Nguồn: Getty Images)

Tuy nhiên, rất nhiều nghị sĩ trong Đảng Cộng hòa đã bày tỏ hoài nghi về những tuyên bố nói trên của ông Obama. Nghị sĩ Jim Inhofe, một người luôn hoài nghi về sự ấm lên toàn cầu, và là Chủ tịch Ủy ban Môi trường và Công việc Công tại Thượng viện Mỹ chi rằng, thỏa thuận vừa đạt được tại COP21 “không hề quan trọng đối với Mỹ” hơn Nghị định thư Kyoto 1997, thỏa thuận quan trọng nhất về biến đổi khí hậu được thông qua trước COP21. Theo ông Inhofe, không như Nghị định thư Kyoto 1997, thỏa thuận đạt được tại COP21 lần này không mang tính ràng buộc về mặt pháp lý, chính vì thế, sẽ rất khó để thỏa thuận này được Quốc hội Mỹ thông qua.

Trước đó, ứng cử viên hàng đầu của Đảng Cộng hòa tham gia cuộc tranh cử Tổng thống năm 2016, tỷ phú Mỹ Donald Trump cũng đã lên tiếng bày tỏ hoài nghi về sự ấm lên toàn cầu do việc thải khí carbon ra môi trường. Theo ông Trump, nhiệt độ trái đất “tăng lên rồi lại hạ xuống”. Trong khi đó, ứng viên hàng đầu của Đảng Dân chủ tham gia cuộc đua vào Nhà Trắng năm 2016 Hillary Clinton lại ra tuyên bố ca ngợi thỏa thuận này và chỉ trích những người hoài nghi về thỏa thuận nói trên. “Chúng ta không thể để những kẻ hoài nghi về khả năng thực thi thỏa thuận này của Mỹ làm chậm nỗ lực của mình”, bà Clinton chia sẻ trên Twitter và cam kết sẽ coi vấn đề biến đổi khí hậu là ưu tiên hàng đầu nếu được bầu làm Tổng thống. Nghị sĩ Raul Grijalva, người đứng đầu Đảng Dân chủ tại Ủy ban Tài nguyên Thiên nhiên thuộc Hạ viện Mỹ cũng kêu gọi các nghị sĩ Đảng Cộng hòa trong Quốc hội Mỹ cần phải ủng hộ thỏa thuận vừa đạt được tại COP21. “Có quá nhiều người đã dành cả đời mình để huyễn hoặc rằng biến đổi khí hậu chỉ là sự phóng đại của những nhóm bảo vệ môi trường đáng ngờ và những nhà khoa học đầy thủ đoạn, tuy nhiên, người dân Mỹ đều hiểu rằng, sự thật không phải là như vậy”, ông Grijalva nói.

H.T (Tổng hợp từ VOV, TTXVN)
 


Ý kiến bạn đọc


(Video) Tự hào trang sử anh hùng
Cách đây 49 năm, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 của quân và dân ta, đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, đã kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, mở ra kỷ nguyên độc lập dân tộc, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.